Điều này không phải dễ dàng, và cũng có khi mang lại hệ lụy “tiền mất tật mang”. Nếu một nhà tư vấn không có kinh nghiệm trong lĩnh vực khách sạn thì càng đẩy chủ khách sạn vào việc bỏ phí các nguồn lực từ sự tư vấn của họ, thậm chí làm sụt giảm doanh thu.
Do đó, chọn một nhà tư vấn nên xem xét kinh nghiệm của họ có phù hợp với nhu cầu lĩnh vực kinh doanh khách sạn hay không. Chủ khách sạn và nhà tư vấn, một bên kỳ vọng sức bật cho kinh doanh, một bên có các kỹ năng để hỗ trợ điều đó, có cùng hướng đến mục tiêu chung là phát triển kinh doanh. Có thể thấy, một nhà tư vấn cần có kinh nghiệm nhưng một chuyên gia có thừa kinh nghiệm nhưng lại không phù hợp với nhu cầu cũng không phải là điều hay.
Để chọn một nhà tư vấn đúng, Hiệp hội Khách sạn Hoa Kỳ khuyên các chủ khách sạn nên thuê tư vấn theo 6 yêu cầu sau đây.
Kinh nghiệm. Thuê một nhà tư vấn chưa từng thực hiện dự án tương tự trong quá khứ thì không phải là giao dịch tốt. Hãy đánh giá các thông tin của ứng viên, xem họ đã từng làm việc bao lâu trong lĩnh vực khách sạn và có kỹ năng gì đặc biệt. Nếu thuê một nhà tư vấn không có kinh nghiêm đầy đủ có nghĩa là bạn đang đánh bạc với tương lai của khách sạn.
Bằng chứng. Mặc dù biết ứng viên tư vấn có khá nhiều kinh nghiệm trước đây nhưng bạn cũng cần khảo sát và đòi hỏi bằng chứng. Chẳng hạn, yêu cầu nhà tư vấn cung cấp các bằng chứng về những vụ tư vấn thành công nhằm đánh giá năng lực của họ. Bằng chứng luôn là cách tốt nhất để đo lường khả năng của một nhà tư vấn có khả năng đem lại thành công cho khách sạn trong tương lai.
Tham khảo. Bạn dễ dàng bị thu hút bởi danh tiếng của một nhà tư vấn về những dự án thành công trong quá khứ và tính chuyên nghiệp của họ. Nhưng trước khi quyết định mời nhà tư vấn, hãy tham khảo khách hàng của họ để nghe về sự đánh giá, mức độ chuyên nghiệp, kỹ năng,… Việc nhận được các nhận xét tích cực và tiêu cực của khách hàng nhà tư vấn giúp cho bạn xác định chính xác họ có phù hợp với công việc của mình hay không. Hãy tìm hiểu thêm những khách hàng ngoài sự giới thiệu của công ty tư vấn, vì lẽ tất yếu, những người được công ty tư vấn giới thiệu sẽ không nói những điều không tốt về nhà tư vấn đó.
Thói quen làm việc. Bạn cần phải hiểu thói quen làm việc của nhà tư vấn vì nó rất quan trọng trong quá trình hợp tác. Tốt nhất nên có những thỏa thuận trong hợp đồng về quyền và nghĩa vụ để có đầu mối giải quyết một khi có sự bất đồng xẩy ra.
Tính linh hoạt. Mục tiêu có thể thay đổi trong quá trình thực hiện dự án, do đó, bạn cần một nhà tư vấn có khả năng thích ứng với tình thế và xoay chuyển linh hoạt. Tính linh hoạt thể hiện trong quá trình làm việc, nhưng khi bạn thuê nhà tư vấn thì không thể xác định liệu họ có khả năng đó hay không. Hãy hỏi, thậm chí là ký hợp đồng một khi dự án thay đổi so với kế hoạch tư vấn của họ.
Giá cả. Không nên chọn nhà tư vấn theo kiểu so sánh giá cả, nếu bạn muốn việc kinh doanh phát triển. Thế nhưng cũng đừng vì danh tiếng của một nhà tư vấn nào đó mà chi ra rất nhiều tiền, đẩy khách sạn vào thế khó khăn tài chính. Tài chính thì phải chặt chẽ nhưng dự án cần phải được thực thi chính xác. Điều tồi tệ nhất là phải bỏ thêm một đống tiền để thuê nhà tư vấn thứ hai nhằm dọn dẹp sự “bề bộn” mà nhà tư vấn trước để lại.
Thiên Thảo - International Recreation & Resort Management Group (IRR Group)
Điện thoại: 0909.140.866
Email: info@irrmanagement.com.vn