Tuy nhiên, việc nghiên cứu riêng từng địa phương, từng tiểu vùng dựa trên cấu tạo địa chất và địa kinh tế sẽ góp phần uốn nắn quy hoạch cho tương lai và nhất là cho việc xây dựng các giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu, với tính thực tế và khoa học cao.
Trong khuôn khổ bài viết này, người viết xin nêu trường hợp của tỉnh Bến Tre, có tham chiếu một số điểm nhấn của lịch sử địa kinh tế cận đại. Bài viết dựa trên những thông tin chưa thể nói là đầy đủ và mang tính hệ thống, nên mọi sự khảo sát thêm và phản biện là rất cần thiết.
Một số đặc trưng địa kinh tế của Bến Tre
Bến Tre là tỉnh nằm trong vùng duyên hải tiếp giáp vùng châu thổ, có cấu trúc phù sa cổ rất rõ nét ở các huyện ven biển Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú, không có vùng đầm lầy như ở cực Nam, cũng không bị đe dọa ngập của mùa nước nổi từ Đồng Tháp Mười ở phía Tây Bắc. Bến Tre ít chịu ảnh hưởng của bão lụt.
Bến Tre có độ dốc trung bình 1-2 mét, như từ Tân Châu (An Giang) xuống cuối sông Tiền và sông Hậu chỉ khoảng 1,5 mét (trên mực nước biển), nên lưu lượng dòng không mạnh. Bến Tre vốn chỉ tiếp nhận 15-20% lượng nước sông Mê Kông đổ vào nước ta, biến lượng nước ở hai sông Tiền và sông Hậu xấp xỉ bằng nhau.
Một số khu vực khác có độ cao đến 3,5 mét (như Chợ Lách và Châu Thành), thậm chí đến 5 mét, thuận lợi quy hoạch các khu dân cư bền vững. Tuy nhiên, nếu nước biển dâng 75 cen ti mét so với hiện nay, vùng phía Đông của đường nối Giồng Trôm - Nam Mỏ Cày Nam sẽ bị đe dọa ngập dưới nước.
Đây cũng là tỉnh có nhóm đất mặn chiếm tới 43% (các nhóm đất chính còn lại: đất cát 6,4%; đất phèn 6,7%, đất phù sa 26,9%). Xâm thực mặn ở vùng đất mặn buộc phải sớm tính toán chuyển đổi giống cây trồng. (Độ mặn 1/1.000 làm chết cây sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, bắp, cà chua, thanh long; độ mặn 2/1.000 làm chết cây có múi như cam, chanh, bưởi; độ mặn 3/1.000 làm chết cây mít; độ mặn 4/1.000 làm chết cây lúa, dừa, mía, ca cao, họ bầu bí, họ đậu...).
Bến Tre có 3.900 héc ta rừng ngập mặn, có giá trị bảo vệ môi trường rất lớn. Vùng phi lao, đước, đưng, bần, mắm... ở Bình Đại, Ba Tri (đặc biệt ở Vàm Hồ) và Thạnh Phú là “bức tường xanh” chống xói lở bờ biển, cố định đất bãi bồi, hạn chế xâm nhập mặn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước, chắn gió biển và là nơi cư trú của nhiều loài thủy hải sản vào mùa sinh đẻ. Rừng ngập mặn có khả năng lưu trữ lượng carbon nhiều gấp 10 lần so với hệ sinh thái trên cạn. Rất cần nghiên cứu bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng vùng cửa sông và ven biển.
Từ kinh nghiệm của các nước
Bến Tre bị chia cắt bởi những con sông lớn, giống địa thế của Hà Lan nhưng chưa có phần đất nằm dưới mực nước biển. Tuy nhiên, đã đến lúc cần xem xét lại quy hoạch hệ thống cống điều chế nước (locks), đê (dykes), đê đập (dams), kinh đào (canals), cống thoát nước (sluices); xem lại các hồ như Kênh Lấp ở huyện Ba Tri và các hồ điều hòa thuận theo tự nhiên.
Cách đây trên 2.000 năm, người Frisians định cư ở Hà Lan và xây các “terpens” trên các đụn cát dọc biển (các “dunes”, tương tự một số vùng biển nước ta, từ miền Trung đến Sóc Trăng) tạo nên các đê biển đầu tiên để chận nước biển và biến biển thành đồng bằng. Trong các thế kỷ sau đó, các nhà tu tiếp tục làm đê và đào kinh lấn biển. Họ tạo nên biển cạn Waddenzee. Tuy nhiên, do bão tố thường xuyên hơn, các đê mới như đê ngủ (sleeping dyke) và đê bảo vệ (guarding dyke) và một phần biển dần biến thành hàng ngàn polders, một quần thể đảo liên kết rất độc đáo.
Nghiên cứu lịch sử địa kinh tế của Hà Lan và với nhận thức mới về biến đổi khí hậu, cộng với thành quả khoa học trong các lĩnh vực khí tượng, khí hậu, hải dương, dòng chảy, sóng biển, thủy triều..., người ta thấy rằng nếu được xây dựng lại công trình Delta Works (1919-1986) bao gồm cả đại công trình Zuiderzee Works, người Hà Lan sẽ có những cách khác để ứng phó với biển tốt hơn và ít tốn kém hơn.
Khi quan sát vùng hạ lưu các dòng sông lớn, đặc biệt ở Mississippi, ta thấy lượng phù sa phía hạ lưu luôn mịn nhuyễn hơn, với số lượng ít hơn, nên bờ sông thoai thoải thấp dần khi xa thượng nguồn. Mặt khác, sóng biển mang cát phù sa tạo thành giồng duyên hải.
Nghiên cứu các công trình bảo vệ bờ biển Louisiana, có thể thấy tác dụng của các khối cản sóng (breakwaters), tường biển (seawall), thảm đá (revetments) và tường thẳng góc (groins), tùy theo vị trí địa dư, cao độ, sóng biển, quy hoạch dân cư, môi sinh..., ngoài ra là hiệu quả chống cát di chuyển để ổn định đê và các giồng cát nhờ rừng ngập mặn và các loại cỏ, thực vật được trồng trên các giồng duyên hải.
Bến Tre có một thảm thực vật tuyệt vời để giữ đất, bám biển và bảo tồn hệ sinh thái trong quá khứ. Đó là cây tre và các giống thuộc tre (vì thế mà có tên Bến Tre và Trúc Giang cho vùng đất này). Rất nên xem lại quá trình lịch sử khai khẩn Bến Tre và Nam bộ để rút tỉa và phục hồi những hệ sinh thái, hệ thực vật và tài nguyên khí hậu, thổ nhưỡng của các vùng đất quý báu này.
Bangladesh cũng cho thấy một kinh nghiệm khác. Ba con sông chính từ Bhutan, Ấn Độ và Nepal thuộc vùng Tây Tạng là Brahmaputra, Ganges và Meghna chảy vào hạ lưu là Bangladesh để vào vịnh Bengal, tạo nên vùng châu thổ Sunderbans Delta lớn nhất thế giới, nổi tiếng về rừng ngập mặn và cọp.
Lượng phù sa hàng năm ở đây vào khoảng 2.400 triệu tấn (gấp 14 lần lượng phù sa của sông Mê Kông). Theo một đề án của Pháp, việc xây dựng hệ thống đê kiên cố phải mất 20 năm và tốn khoảng 10 tỉ đô la Mỹ (giá năm 1990). Do không đủ nguồn lực tài chính, Chính phủ Bangladesh đã chia thành từng giai đoạn xây dựng năm năm với trọng tâm là ưu tiên bảo vệ các vùng dân cư và vùng nông nghiệp.
Do lũ lụt đe dọa nghiêm trọng, hệ thống xả nước qua các cống điều hòa nước (regulators) là rất dày đặc, nhất là ở vùng trồng lúa, đay và nuôi thủy hải sản, còn người dân nơi đây thì vẫn theo tinh thần “sống chung với lũ”.
Bangladesh có 13.000 ki lô mét đê (đê sông 9.000 ki lô mét, đê biển 4.000 ki lô mét). Họ cũng xây dựng được 135 polders và 1.488 cống (sluices) điều tiết nước, tuy nhiên, nước trong các polders và khu dân cư dễ bị ứ đọng nên nguồn nước bị ô nhiễm vì phân, rác, xác gia súc...; các vườn cây ăn trái dễ bị úng nước mà chết.
Một số đề xuất
Một cách tổng quát, cần xây dựng một kế hoạch tổng thể càng chi tiết càng tốt, với sự góp sức chủ yếu từ các nhà khoa học trong và ngoài nước, tạo tiền đề tốt cho việc tìm ra các giải pháp và các tiếp cận giải pháp cho tỉnh Bến Tre, trong tư duy liên kết vùng với các tỉnh lân cận và tiến tới liệt kê được các dự án ứng phó với xâm nhập mặn, hạn hán và biến đổi khí hậu toàn cầu.
Cụ thể hơn là tiến hành khảo sát và cập nhật số liệu quan trắc để sớm có một mô phỏng về ảnh hưởng của nước biển dâng xâm lấn đất đai của tỉnh Bến Tre. Đặc biệt chú ý mô hình ngập địa hình, triều cường, thủy triều, sóng và ảnh hưởng của xâm nhập mặn.
Kế đến là khảo sát, xây dựng và cập nhật bản thiết kế các tác tử đất, sông, kênh, rạch, hồ cho tỉnh Bến Tre. Xây dựng và thiết kế các tác tử gán cho các cell (bản đồ được chia thành các ô nhỏ). Xây dựng bản đồ GIS có độ cao địa hình chuẩn xác cho các vùng tương tự đảo, cù lao và cồn trong tương lai theo cấp độ nước biển dâng thêm 20, 25, 30, 50, 65, 100 cen ti mét. Chú ý độ thấm địa hình. Mô phỏng GAMA là một tham chiếu cơ bản.
Ngoài ra, nên có các đánh giá nhìn lại các công trình Cống Ba Lai (nhất là ảnh hưởng bên Cồn Bà Đáng), hồ Kênh Lấp, các công trình thủy lợi Cây Da, Cầu Sập, Châu Bình - Vàm Hồ..., các đê ven sông Cổ Chiên để bảo vệ Cù Lao Minh, hệ thống đê ven sông Hàm Luông.
Và cần rút kinh nghiệm từ góc nhìn khoa học đối với công trình ngọt hóa và ngăn mặn vùng Bắc Bến Tre, ở hai cù lao lớn là Cù Lao Bảo và Cù Lao An Hóa. Đánh giá lại các tầng nước ngầm...
Theo Nguyễn Thanh Lâm (*) - Kinh tế Sài Gò
(*) Cựu thành viên Ban cố vấn chương trình Mekong Master Plan của Chính phủ Hà Lan và Ngân hàng Thế giới.
Điện thoại: 0909.140.866
Email: info@irrmanagement.com.vn