Những kỳ vọng về thị trường
Tại Diễn đàn Kinh doanh 2020 do Forbes tổ chức tuần trước, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT và nhà sáng lập Công ty cổ phần Du lịch Vietravel, cho biết đại dịch xảy ra, ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề. Vietravel, dù khá đau đớn nhưng phải chuyển đổi cấu trúc doanh nghiệp và sản phẩm để phù hợp với tình hình mới. Từ một doanh nghiệp chuyên làm tour quốc tế, Vietravel đã chuyển sang phục vụ khách du lịch trong nước. Và khi nhìn lại thị trường mới thấy bấy lâu nay các doanh nghiệp lữ hành đối xử không công bằng với khách du lịch trong nước khi cung cấp những sản phẩm rời rạc, thiếu kết nối.
Khi quay về thị trường nội địa, điều khiến ông Kỳ ngạc nhiên là doanh thu của tháng 7 (thời điểm mà đợt dịch thứ hai chưa bùng phát) của Vietravel còn cao hơn thời điểm trước dịch. Điều đó nói lên rằng “đánh” trúng nhu cầu thì thị trường gần 100 triệu dân Việt Nam sẽ cho doanh nghiệp cơ hội sống sót và phát triển.
Ông Kỳ nhìn nhận, thị trường chắc chắn sẽ tiếp tục khó khăn đến hết năm 2021, đầu năm 2022 và khách quốc tế chỉ trở lại từ mùa thu 2021. Và vì vậy, Vietravel sẽ “sống” bằng thị trường nội địa với viễ tạo hệ sản phẩm phục vụ khách trong nước. Tuy nhiên, để thị trường du lịch trong nước phát triển thì Chính phủ cần tại định vị thị trường, đầu tư chất xám cho các chính sách dành cho thị trường này.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), chia sẻ trong chín tháng đầu năm, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa đạt kim ngạch 27 tỉ đô la Mỹ, giảm 11% so với cùng kỳ. Trong quí 3, tình hình đơn hàng đã có phần phục hồi sau khi giảm sâu và quí 2 nhờ nhu cầu gia tăng ở mặt hàng đồ thun, quần áo mặc ở nhà của các thị trường châu Âu, Mỹ. Riêng các mặt hàng vốn là lợi thế của Việt Nam và mang lại giá trị kinh tế cao như veston, sơ mi cao cấp, quần tây, đầm nữ… thì vẫn giảm đến 80% so với trước đại dịch.
Đại dịch Covid-19, theo ông Giang, đã đem đến nhiều bài học cho doanh nghiệp dệt may. Trong đó, các doanh nghiệp đã học được cách nhanh chóng thay đổi các sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường: từ sản xuất veston, sơ mi…sang khẩu trang; phương thức thanh toàn của các nhà mua hàng: thời gian trả chậm tiền hàng hiện nay không chỉ là 30 ngày, 60 ngày mà có thể lên đến 180 ngày. “Tôi mới nghe một thông tin là tổng số tiền các nhà nhập khẩu không thanh toán cho các doanh nghiệp Việt Nam là 1,8 tỉ đô la Mỹ. Nhiều doanh nghiệp đang thuê luật sư ở Mỹ, châu Âu để đòi thanh toán”, ông Giang nói.
Và trong bối cảnh này, điều đáng mừng với doanh nghiệp dệt may là thị trường nội địa có mức giảm ít hơn, chỉ 5%. Vì vậy, trong thời gian tới, doanh nghiệp sẽ thay đổi và tạo ra phương pháp quản trị với tiêu dùng trong nước, những việc làm tương tự như với các nhà mua hàng toàn cầu.
Trong khi đó, các doanh nghiệp thủy sản, theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Tổng giám đốc Công ty TNHH Hải Nam, đang đặt hy vọng vào thị trường châu Âu khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp châu Âu (EVFTA) đã có hiệu lực từ tháng 8. Từ đầu năm đến nay, doanh số xuất khẩu sang thị trường châu Âu của Hải Nam giảm 30% nhưng nhờ các thị trường khác tạm duy trì nên mức giảm chung không quá lớn. Vậy nhưng, các doanh nghiệp khách trong ngành lại không được kết quả như vậy. Thực tế, đã có một số công ty “gác kiếm”, “thua trận” khi hàng không bán được, ùn ứ trong kho trong khi đã vay vốn ngân hàng để mua nguyên liệu, đầu tư sản xuất, chưa kể là hàng về cũng nằm dài ở cảng, chi phí lưu kho lưu bãi tăng cao… Bà Sắc cho rằng, đến quí 2-2021, việc thực thi và tận dụng EVFTA của các doanh nghiệp sẽ tốt hơn và đó sẽ là một hy vọng để doanh nghiệp phục hồi.
Ngành thủy sản, theo ghi nhận của Bộ Công Thương, đang là một trong những ngành tận dụng được ngay ưu đã thuế quan của EVFTA. Số liệu công bố hôm 17-10 của bộ này cho thấy, tính từ đầu tháng 8 đến hết tháng 9, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường châu Âu và Anh đạt 263 triệu đô la Mỹ, tăng 17% so với cùng kỳ. Trong số này, có 183,4 triệu đô la Mỹ sản phẩm đã được cơ quan chức năng của Việt Nam cấp chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu EUR.1 – mẫu để hướng ưu đãi thuế quan theo EVFTA. Ở thời điểm hiện tại, các mặt hàng đã đạt ưu đãi ngay như bạch tuộc, cá ngừ… và kỳ vọng trong thời gian tới là các mặt hàng đã qua chế biến.
Hành động ngay
Trình bày tại Diễn đàn Kinh doanh 2020, ông Il-Dong Kwon, Tổng giám đốc BCG Việt Nam, chia sẽ các dữ liệu cho thấy kinh tế toàn cầu sẽ khó lòng thoát khỏi viễn cảnh suy thoái nghiệm trong trong năm 2020 và GDP chỉ có thể phục hồi về mức như năm 2019 khi kết thúc năm 2021.
Đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực và doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế trên thế giới cho thấy, bên cạnh 44% doanh nghiệp bị giảm lợi nhuận thì cũng vẫn có 14% doanh nghiệp tăng doanh thu, lợi nhuận. Những doanh nghiệp như Amazon, Alibaba là minh chứng cho điều này. Vì vậy, câu hỏi đặt ra với các doanh nghiệp lúc này là mình đang ở đâu, sẽ tập trung vào phân khúc nào để tạo ra lợi thế vượt nghịch cảnh? Nhưng, quan trọng là, cần có hành động ngay từ bây giờ.
Theo ông Il-Dong Kwon, có sáu hành động chiến lược mà lãnh đạo doanh nghiệp nên xem xét để tìm kiếm cơ hội tăng trưởng bên cạnh việc bảo tồn và duy trì sau dịch.
Thứ nhất, đó là lập kế hoạch chiến lược “luôn luôn sẵn sàng”. Việc lập kế hoạch theo năm, theo quí như trước đây đã không còn phù hợp. Với tình hình mới này thì mọi thứ phải nhanh hơn, ngắn hơn, không thể theo thời gian cố định mà phải theo quan sát thị trường, thay đổi của người tiêu dùng…Chu trình lập kế hoạch nên từ hai tháng xuống hai tuần.
Thứ hai, doanh nghiệp cần truyền thông nhiều hơn đến nhân viên và thị trường, tức cả nội bộ lẫn ra bên ngoài. Điều này, cần đặc biệt lưu ý với Việt Nam bởi điểm thường thấy tại nhiều doanh nghiệp là các phòng ban trong một công ty hay bị phân mảnh. Việc cần làm lúc này là đơn giản hóa các quy trình nghiệp vụ, thúc đẩy hợp tác liên phòng ban, kết nối nộ bộ tốt hơn. Và sự thay đổi này sẽ cải thiện, đơn giản hóa quy trình bán hàng để giúp doanh nghiệp gần hơn với khách hàng.
Thứ ba, doanh nghiệp phải đánh giá lại nguồn lực và sử dụng một cách hợp lý trên cơ sở rà soát những ưu tiên, cắt và tạm dừng các dự án chưa cần thiết để tập trung vào dự án tốt, tạo nền tảng tăng trưởng.
Thứ tư, thực hiện cải tiến mô hình kinh doanh để tái định vị hoặc nắm bắt các cơ hội mới. Việc cải tiến mô hình sản phẩm, phù hợp với nhu cầu mới của khách hàng là đúng đắn nhưng quan trọng không kém là đổi mới mô hình kinh doanh, bao gồm mô hình doanh thu, khách hàng mục tiêu, cơ cấu kinh doanh, cơ cấu chi phí. Càng tập trung vào việc này thì doanh nghiệp càng có cơ hội nổi bật hơn so với đối thủ.
Thứ năm, thúc đẩy chuyển đổi số với trọng tâm là tăng trưởng. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp dẫn đầu về công nghệ số đang phục hồi nhanh hơn sau “khủng hoảng Covid”. So với các doanh nghiệp tụt hậu, các doanh nghiệp này đang có tốc độ tăng trưởng gấp đôi về hiệu quả hoạt động (chi phí, chất lượng sản phẩm, hài lòng của khách hàng…)
Thứ sáu, đây là cơ hội để mua lại những doanh nghiệp mới hoặc thực hiện thoái vốn. Theo khảo sát của BCG cho thấy, 71% nhà đầu tư cho rằng, những công ty có tình hình tài chính tốt nên tích cực theo duổi các thương vụ mua lại để củng cố hoạt động kinh doanh. Ngược lại, cũng có 73% nhà đầu tư tin rằng các công ty có tình hình tài chính tốt nên tích cực thoái vốn để củng cố doanh nghiệp. Thực hiện mua lại hay thoái vốn tùy và quyết định của chủ doanh nghiệp nhưng cẩn đảm bảo nguyên tắc định giá cụ thể, chọn lọc các sáng kiến để tạo lợi thế sau dịch…
Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần FPT, đánh giá khó khăn với doanh nghiệp chắc chắn còn kèo dài, nhanh thì hết năm 2021, chậm thì có thể hơn nữa và những đợt bùng phát dịch có thể vẫn diễn ra. Vì vậy, doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ càng và hãy nhớ giữ thật chạt túi tiền, cố gắng thu hồi công nợ, duy trì thanh khoản và chọn việc quan trọng nhất để làm, tránh tràn lan, dàn trải.
Theo Thuận An – Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Điện thoại: 0909.140.866
Email: info@irrmanagement.com.vn