Logo

Đừng nghĩ quảng cáo chỉ mang tính chất minh họa

Không thể phủ nhận vai trò của quảng cáo trong việc góp phần thúc đẩy quá trình sản xuất và tiêu dùng, nhưng việc các doanh nghiệp thực hiện quảng cáo sai sự thật, gian dối để trục lợi trong kinh doanh cần phải được xem xét một cách đầy đủ dưới góc độ pháp lý và đạo đức kinh doanh. Bài viết này đặt vấn đề liệu doanh nghiệp có quyền trả lời khách hàng “quảng cáo chỉ : mang chất minh họa” hay không. 

 

Nội dung quảng cáo có thể được xem là một lời đề nghị giao kết hợp đồng

 

Phần lớn người tiêu dùng mua hàng hóa, dịch vụ thông qua những nội dung nghe nhìn từ các quảng cáo trên các kênh truyền thông của người bán hàng. Theo Điều 386 Bộ luật Dân sự, một nội dung quảng cáo có thể được xem là một lời đề nghị giao kết hợp đồng ra công chúng nếu nó thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và phải chịu ràng buộc về đề nghị này.

 

Như vậy, trong trường hợp chủ đầu tư phát đi thông điệp quảng cáo rao bán căn hộ chung cư với những thông tin về sản phẩm và tiện ích đi kèm thì chủ đầu tư phải đảm bảo bàn giao căn hộ như đã quảng cáo.

 

Tuy nhiên, người mua nhà đã không tỉnh táo khi ký kết hợp đồng mua bán căn hộ với chủ đầu tư cũng như đã không yêu cầu đưa các nội dung về phần tiện ích gắn liền với căn hộ và khu chung cư trong hợp đồng mua bán cuối cùng. Do vậy, rất khó để người mua nhà có thể dành được ưu thế pháp lý trước khi khởi động một vụ kiện bảo vệ quyền lợi cho mình.

 

Quảng cáo trên trời”, sản phẩm “dưới đất": lương tâm người quảng cáo?

 

Theo Đạo luật Ủy ban Thương mai Mỹ, quảng cáo lừa dối là quảng cáo gây nhầm lẫn về mặt vật chất. Điều này đã được diễn giải bởi các tòa án Mỹ, đó là quảng cáo lừa dối phải chắc chắn ảnh hưởng tới quyết định mua hàng của khách hàng. Hiện nay, tại Việt Nam chưa có khái niệm rõ ràng về quảng cáo sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn. Theo điều 51 Nghị dịnh 158/2013/NÐ-CP ngày 12-11-2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo, người thực hiện quảng cáo sai sự thật, quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng có thể bị phạt lên đến 140 triệu đồng, bị buộc phải xóa bỏ quảng cáo này và cải chính công khai.

 

Trong câu chuyện trên, chị Thu đã kể rằng các quảng cáo mà chị tiếp nhận về dự án nhà chung cư hết sức rầm rộ, từ những hàng rào quây công trình, các màn hình quảng cáo trong thang máy nơi chị ở, đến những catalog được chủ đầu tư in ấn bắt mắt Những lời “có cánh" về một thiên đường trong mơ của chủ đầu tư đã tan biến ngay sau khi chị và những cư dân khác nhận bàn giao nhà. Họ tá hỏa nhận ra “ốc đảo” này không hề tiện nghi, sang trọng như đã được quảng cáo, tung hô, thiếu hẳn tổ hợp dịch vụ, siêu thị, phòng tập gym... Ngoài ra, chủ đầu tư đã bàn giao căn hộ không đủ diện tích, không đúng thiết kế, bớt xén trang thiết bị cũng như chủng loại không đúng với hợp đồng đã ký kết. Thậm chí, khi người dân có kiến nghị, chủ đầu tư buông một câu vô trách nhiệm: “Đấy chỉ là quảng cáo". Lúc này, người dân đành ngậm đắng nuốt cay: “Đúng là quảng cáo trên trời mà sản phẩm dưới đất!".

 

Hiện nay, cơ chế giám sát và phản ánh các quảng cáo sai trái xâm phạm quyền lợi cộng đồng còn nhiều bất cập. Các hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng cũng không thể đại diện bảo vệ được đa số các vụ việc. Trong khi đó, người tiêu dùng phần vì năng lực hiểu biết pháp luật còn hạn chế, phần vì tâm lý “con kiến kiện củ khoai" cũng như không đủ tài chính và thời gian để theo đuổi các vụ kiện. Do vậy, chất lượng và độ tin cậy của quảng cáo phụ thuộc phần nhiều vào đạo đức kinh doanh của chủ doanh nghiệp.

 

Câu chuyện chữ Tín và trải nghiệm khách hàng

 

Quay lại trường hợp của chị Thu, chủ đầu tư đã thật sự đánh mất chữ Tín trong lòng khách hàng. Thương trường là chiến trường, tính khốc liệt của thị trường càng thúc đẩy động lực để các cá nhân, tổ chức kinh doanh tìm kiếm nguồn khách hàng có tiềm năng nhằm bán sản phẩm và thu về khoản lợi nhuận khổng lồ. Thế nhưng, việc kinh doanh phải gắn liền với chữ Tín và việc xây dựng thương hiệu phải lấy gốc từ đây mà phát triển. Điều này đòi hỏi các cá nhân, tổ chức kinh doanh vừa có chiến lược bán hàng và vừa có thái độ, hành xử đúng đắn với khách hàng. Muốn giữ chân khách hàng, các cá nhân, tổ chức kinh doanh luôn phải trung thực, minh bạch và rõ ràng từ những cam kết, gắn lời nói với việc làm.

 

Có thể việc ký kết hợp đồng trên giấy tờ, thanh toán tiền và bàn giao căn hộ giữa chị Thu và chủ đầu tư đã hoàn thành, tuy nhiên, trải nghiệm mà chị có được khi mua căn hộ là thật sự tệ. Trải nghiệm này có thể sẽ khiến mối quan hệ giữa chủ đầu tư và những người mua căn hộ không mấy tốt đẹp. Rồi đây, trước khi ban quản trị được thành lập, chủ đầu tư và đơn vị làm dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư sẽ là người cung cấp các dịch vụ cho cư dân. Một khi việc quản lý và vận hành không tốt, họ sẽ phải đối diện với những lời phàn nàn, khiếu nại và tranh chấp không mong muốn. Với một thị trường rộng mở như hiện nay, 80 người bán và 20 người mua, chắc hẳn các doanh nghiệp không có uy tín như chủ đầu tư trong trường hợp của chị Thu sẽ khó có thể tồn tại và phát triển trong ngành bất động sản.

 

Hình phạt cho người quảng cáo bất chính

 

Tháng 8 năm trước, một tập đoàn bất động sản đã phải chịu thi hànha quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quảng cáo sai sự thật tại khu đất 67 Vạn Xuân (phường Kim Long, thành phố Huế) với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Sở dĩ có việc nộp phạt trên bởi bản chất lô đất này chỉ là các căn nhà ở riêng lẻ nhưng chủ đầu tư lại quảng cáo đây là dự án bất động sản với nhiều tiện nghi đẳng cấp 5 sao để rao bán với giá nhiều tỉ đồng/căn. Sự việc vi phạm trên chi là một “hạt cát nhỏ” giữa “sa mạc" quảng cáo vi phạm đạo đức kinh doanh, ảnh hưởng bất lợi đến người tiêu dùng, xã hội và tác động xấu đến hình ảnh, thương hiệu doanh nghiệp.

 

Quảng cáo sai sự thật, gây nhầm lẫn, lừa dối người tiêu dùng là một trong những hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 8 Luật Quảng cáo và doanh nghiệp sẽ bị xử phạt nếu vi phạm. Tùy mức độ thiệt hại và tính chất nguy hiểm của hành vi gây ra, ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, chủ doanh nghiệp và những người có liên quan có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội quảng cáo gian dối theo Điều 197 Bộ luật Hình sự hiện hành. Người tiêu dùng, khách hàng và những người bị thiệt hại về hành vi quảng cáo sai sự thật có thể khởi kiện để yêu cầu bồi thường trách nhiệm dân sự.

 

Xét về cả lý và tình, chủ doanh nghiệp không nên nhận thức rằng "quảng cáo chỉ mang tính chất minh họa", bởi lẽ nội dung quảng cáo được coi như là một lời cam kết với công chúng. Việc không thực hiện cam kết trong quảng cáo sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín thương hiệu và đem đến cho khách hàng của mình một trải nghiệm mua sắm đáng thất vọng. Nếu để mất khách hàng chỉ vì không thực hiện cam kết trong quảng cáo thì sau này các doanh nghiệp dù có thực hiện thêm bao nhiêu quảng cáo đi chăng nữa cũng khó lấy lại lòng tin của khách hàng.

 

Theo Huỳnh Phương Anh - LS. Lê Trọng Thêm - Kinh tế Sài Gòn

Tư vấn - Hỗ trợ

Tư vấn - Hỗ trợ

Điện thoại: 0909.140.866

Email: info@irrmanagement.com.vn