Logo

Hiểu thấu mới có thể mua nhượng quyền kinh doanh

Muốn kinh doanh nhượng quyền thành công

 

Mua nhượng quyền (franchise) kinh doanh ẩm thực là giấc mơ của nhiều nhà kinh doanh nhỏ nhưng “cuộc chơi” này không mấy dễ dàng.

 

Có nhiều quan điểm còn gây tranh cãi về việc liệu kinh doanh nhượng quyền có thành công hơn khi tự kinh doanh, bởi kinh doanh nhượng quyền cũng tiêu tốn nhiều tiền đầu tư và chứa đựng không ít rủi ro.

 

 

Mua franchise là công việc kinh doanh cần suy tính nghiêm túc, nếu không bạn phải trả giá. Đó là lời khuyên của George Naddaff, Chủ tịch Hội đồng quản trị chuỗi Nhà hàng KnowFat, Mỹ.

 

Khi mua franchise cho phép nhà nhượng quyền sử dụng mô hình kinh doanh đã được chứng minh và được sự chấp nhận của thị trường và nền tảng khách hàng trung thành.

 

Là người mua nhượng quyền, chắc chắn bạn phải có sự hỗ trợ từ người nhượng quyền. Điều này thường bao gồm khả năng tiếp cận các nhà cung cấp đáng tin cậy, các phương tiện hỗ trợ cho kinh doanh lẫn tiếp thị đã được thiết kế chính xác theo vùng, địa phương hoạt động của người mua nhượng quyền. Tuy nhiên, như đã nói, kinh doanh nhượng quyền không dễ vì phải giải quyết được hai vấn đề chính. Đó là người nhượng quyền sẽ hỗ trợ cho bên nhận nhượng quyền bao nhiêu và bên nhận nhượng quyền cần phải bỏ bao nhiêu chi phí để đưa nhà hàng nhượng quyền vào kinh doanh.

 

Hiểu về chính sách

 

Nhà nhượng quyền phải cung cấp các văn bản liên quan cho người mua nhượng quyền. Các văn bản này chi tiết đến từng khía cạnh kinh doanh, từ tình hình tài chính, số lượng các nhà hàng nhượng quyền cho đến các tranh chấp, kiện tụng trong lịch sử.

 

Theo ông Naddaff, nhà nhượng quyền cung cấp văn bản về các chính sách kinh doanh cho bên mua nhượng quyền thường tính phí. Tùy vào chính sách của các mô hình kinh doanh nhượng quyền mà bên nhượng quyền có thể hoặc không cung cấp các văn bản về đào tạo, hỗ trợ tài chính, chính sách tiếp thị cho đến khi hai bên ký kết hợp đồng.

 

Người dự định mua nhượng quyền nên đọc kỹ các văn bản này và đòi hỏi bên nhượng quyền giải thích những điểm chưa rõ. Cần ghi nhớ, chỉ đến khi hiểu hết các vấn đề mà bên nhượng quyền cung cấp thì mới nghĩ đến chuyện quyết định nên mua nhượng quyền hay không.

 

Hiểu chính mình

 

Ông Naddaff nhấn mạnh, hãy chắc rằng bạn phù hợp với mô hình nhượng quyền và có thể kinh doanh nó bằng toàn bộ sức lực của mình. Bởi vì khi mua nhượng quyền đòi hỏi phải có lượng tiền mặt lớn để chi trả cho bên nhượng quyền và các chi phí không nhỏ khác để vận hành nhà hàng sau nhượng quyền.

 

Nếu đã từng kinh doanh độc lâp thì bạn có khả năng điều hành tốt nhà hàng nhượng quyền vì đã có sẵn các nguồn lực, kinh nghiệm điều hành, nền tảng khách hàng. Những thứ đó giúp bạn tăng tốc kinh doanh và thu nhập.

 

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, bên nhượng quyền thường rất cảnh giác với bên nhận nhượng quyền đã từng có kinh nghiệm kinh doanh. Nguyên nhân là bên nhận nhượng quyền thường vi phạm các điều khoản trong hợp đồng do thích làm theo ý mình và hay tranh cãi các quan điểm kinh doanh mà thấy không phù hợp với ý mình.

 

Hiểu thị trường

Trước khi quyết định mua một thương hiệu nhượng quyền nào đó, bạn cần lưu ý thời gian hoạt động của nó. Thương hiệu nhượng quyền có thời gian hoạt động càng ngắn thì bạn càng có độ rủi ro cao trong kinh doanh vì họ thiếu các nền tảng cơ bản.

 

Hãy khảo sát kỹ lưỡng việc đầu tư vốn của một thương hiệu nhượng quyền mới. Nếu chủ thương hiệu thiếu vốn thì toàn bộ hệ thống có thể sụp đổ và bạn cũng phải chịu chung số phận.

 

Một khi đã lựa chọn hệ thống nhượng quyền, cần xem xét cụ thể quy mô hoạt động. Chẳng hạn, nếu bạn thích hệ thống nhượng quyền nhỏ hơn thì có thể đặt ra một khung tối thiểu số lượng nhà hàng đang hoạt động để tiện xem xét. Bạn có thể giới hạn sự lựa chọn đối với các hệ thống hiện có khoảng 20-100 nhà hàng, hoặc đối với một hệ thống có quy mô trung bình thì giới hạn khoảng 150-400 nhà hàng. Ngược lại, nếu bạn thấy những hệ thống lớn hấp dẫn hơn thì có thể đặt ra giới hạn là không được ít hơn 500 hoặc nhiều hơn 2.000 nhà hàng.

 

Một nhân tố quan trọng khác đối với người mua quyền thương mại là liệu hệ thống nhượng quyền có kinh doanh riêng những nhà hàng trực thuộc không. Trong một số trường hợp, người mua quyền thương mại lại bị thiệt thòi do các nhà hàng của bên nhượng quyền đặt quá gần vị trí kinh doanh của mình và lấy hết khách.

 

Coi chừng phí nhượng quyền "ăn hết" lợi nhuận

 

Việc trả một loạt phí nhượng quyền đòi hỏi bên mua nhượng quyền phải tính toán cẩn trọng trong quá trình kinh doanh.

 

Bất cứ bên nhượng quyền nào cũng tính phí nhượng quyền (franchise fee) cho bên nhận nhượng quyền. Đây là số tiền bên nhận nhượng quyền phải thanh toán để đổi lại việc được cấp phép hoạt động trong hệ thống kinh doanh của bên nhượng quyền. Phí nhượng quyền có thể được thanh toán bằng tiền mặt trọn gói một lần hoặc trả thành nhiều lần, có thể dao động trong khoảng 3.000-10.000 USD. Phần lớn phí nhượng quyền để được kinh doanh một nhà hàng là từ 20.000-25.000 USD. Còn nếu bạn mua quyền kinh doanh cho một khu vực, vùng hoạt động thì phí nhượng quyền có thể vượt quá 100.000 USD.

 

Đây chỉ là phí đầu tư ban đầu, bên nhận nhượng quyền còn phải trả phí liên tục trong suốt quá trình kinh doanh, đó là phí tác quyền (royalty fee). Đây là loại phí phải trả theo tháng hoặc theo tuần dựa trên phần trăm doanh thu, tức số tiền mà bên nhận nhượng quyền phải trả để được phép sử dụng tên thương mại và sự hỗ trợ dịch vụ liên tục của bên nhượng quyền, gồm các chương trình huấn luyện, tiếp thị, nguyên vật liệu, tư vấn xây dựng, địa điểm hoạt động, kế hoạch phát triển sản phẩm mới và quyền tham dự các cuộc họp theo vùng hoạt động hoặc quốc gia.

 

Phí tác quyền sẽ tùy thuộc vào quy định của bên nhượng quyền. Tuy nhiên, theo nghiên cứu, phần lớn bên nhận nhượng quyền phải trả phí tác quyền dao động trong khoảng từ 5%-6% tổng doanh thu. Thậm chí có nơi đẩy lên 10% hoặc bên nhận nhượng quyền không phải trả phí tác quyền. Tuy nhiên, hai trường hợp này rất hiếm gặp.

 

Ở nhiều hệ thống nhượng quyền, bên nhận nhượng quyền còn vừa phải mua dịch vụ, sản phẩm vừa phải trả phí tác quyền cho bên nhượng quyền. Trong trường hợp bên nhận nhượng quyền không bị tính phí tác quyền thì họ lại bị bắt buộc mua sản phẩm và dịch vụ có giá theo quy định của bên nhượng quyền.

 

Nếu bạn chọn một thương hiệu nhượng quyền có phí tác quyền trên 10% thì cần xem xét kỹ lưỡng mọi vấn đề. Tốt nhất là so sánh với thương hiệu nhượng quyền tương tự trong cùng ngành. Nếu những thương hiệu nhượng quyền khác trong cùng ngành không tính phí cao đến vậy, bạn yêu cầu bên nhượng quyền cho bạn giải thích.

 

Một biến thể khác của phí tác quyền là giá sẽ trượt theo thời gian hoạt động. Ở thời điểm đầu hoạt động, phí tác quyền có thể là 5%-6% nhưng sau một thời gian, bên nhượng quyền có thể nâng lên đến 15%. Nếu gặp trường hợp này, bạn phải thật cẩn trọng trước khi quyết định mua vì nếu không, phí tác quyền sẽ “ăn hết” lợi nhuận.

 

Trần Phương -  International Recreation & Resort Management Group (IRR Group)

Tư vấn - Hỗ trợ

Tư vấn - Hỗ trợ

Điện thoại: 0909.140.866

Email: info@irrmanagement.com.vn