Logo

Thành phố Thủ Đức: lực đẩy hay lực cản?

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), thời gian tới, thành phố sẽ có 3 điểm nóng cho xu thế đô thị hóa. Đó là việc thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM, đề án chuyển đổi 4 trên 5 huyện thành quận và việc Chính phủ quyết định cho TP.HCM được chuyển đổi 26.000 ha đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị, nhà ở giai đoạn 2016-2020.

 

Trong 3 điểm nóng đô thị hóa đó, đề án thành phố Thủ Đức được kỳ vọng lớn nhất. Các mục tiêu mà thành phố Thủ Đức đang hướng tới là trở thành trung tâm hàng đầu khu vực về lĩnh vực công nghệ sáng tạo và tài chính. “Dễ nhận thấy khu vực này hiện vẫn thiếu những trung tâm tài chính, trung tâm hành chính tập trung có quy mô lớn. Chắc chắn việc hình thành các trung tâm tài chính, hành chính, công nghệ cao, sinh thái trong tương lai... sẽ biến khu vực này trở thành một điểm sáng mới trong bức tranh thị trường bất động sản TP.HCM. Điều đó sẽ mang đến lợi ích thiết thực cho người dân và khu vực", ông Châu nhận định.

 

Mới đây, Intel xác nhận sẽ đầu tư thêm gần nửa tỉ USD vào khu công nghệ cao SHTP, bên cạnh dự án văn phòng tích hợp đa chức năng của Ascendas Saigon Bund đăng ký rót thêm 40 triệu USD, ngoài 170 triệu USD vốn đầu tư ban đầu. Nhưng không phải ai cũng nhận định lạc quan. Theo Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, nếu Thủ Đức được xem là một dự án trọng điểm quốc gia với cơ chế như một đặc khu dựa trên quyết tâm của Chính phủ và lãnh đạo thành phố thì khả năng thành công như kỳ vọng là rất lớn.

 

Trái lại, nếu Thủ Đức chỉ là một dự án hay một ý tưởng của việc ghép các đơn vị hành chính hiện có lại với nhau đi kèm với các chính sách và cơ chế không rõ ràng, nguồn lực không được dành để đầu tư cần thiết thì khả năng rơi vào trục trặc là đáng kể. Thực tế, mô hình "thành phố trong thành phố" đã được triển khai tại một đô thị lớn trên thế giới. Đơn cử như thủ đô Seoul đã quy hoạch phát triển thành phố Gangnam thành một biểu tượng thượng lưu mới của Hàn Quốc, Thượng Hải đã đưa Pudong trở thành một trung tâm tài chính nổi tiếng của châu Á.

 

Theo nhóm nghiên cứu của Đại học Fulbright Việt Nam, TP.HCM có những lợi thế vốn có để trở thành trung tâm tài chính hàng đầu khu vực giống như Pudong. Đó là nhờ nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam A, môi trường kinh doanh ổn định, triển vọng tăng trưởng kinh tế cao mà còn là một trong những điểm đến cho các hoạt động dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc, vốn đi kèm với nhu cầu gia tăng các dịch vụ tài chính trong thời gian tới.

 

Trong bảng xếp hạng các trung tâm tài chính toàn cầu GFCI 27 (Global Financial Centres Index) vào năm ngoái của Công ty tư vấn và nghiên cứu Z/ Yen (Anh), lần đầu tiên TP.HCM xuất hiện với tư cách là một trung tâm liên kết (Associate Centre) và đang chờ được đưa vào danh sách các trung tâm tài chính chính thức. “Nếu TP.HCM có thể được vào danh sách chính thức thì chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vị trí của TP.HCM không thua kém các trung tâm tài chính lân cận như Jakarta, Manila hay Kuala Lumpur", đại diện Fulbright Vietnam nhận định.

 

Nếu sân bay Long Thành cất cánh sẽ tạo ra cú hích cho thành phố Thủ Đức hoàn thành giấc mơ của mình. Bởi nếu sân bay này được đầu tư xây dựng theo đúng mục tiêu ban đầu, đảm bảo kết nối tốt, TP.HCM sẽ trở thành điểm đến, san sẻ một phần khách trung chuyển của khu vực và mở rộng dần tới châu lục.

 

Bên cạnh đó, một số công trình giao thông được đưa vào sử dụng trong các năm tới đặc biệt là tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, và nhiều dự án kết nối giao thông liên vùng, đường vành đai sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội. Theo CBRE Việt Nam, việc hình thành thành phố phía Đông với các trung tâm hành chính, sáng tạo và Công nghệ mới ra ngoài khu trung tâm còn thúc đẩy quá trình phát triển hành lang đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (Transit Oriented Devlopment - TOD) kết nối từ trung tâm TP.HCM đến khu Đông và tỉnh Đồng Nai. Dù vậy, sẽ còn cả một chặng đường dài với nhiều thách thức mà thành phố Thủ Đức cần vượt qua. Một trường hợp tương tự như đề án này là Pudong - vốn nhận được khá nhiều cơ chế ưu đãi và đầu tư quyết liệt - cũng mất tới 15 năm để hoàn thành cơ bản.

 

Thực tế, sau khi bóc tách và so sánh TP.HCM với 14 trung tâm tài chính trong khu vực dựa trên từng chỉ số trong nhóm 5 yếu tố cạnh tranh chính (gồm môi trường kinh doanh, nguồn vốn con người, cơ sở hạ tầng, mức độ phát triển của ngành tài chính và danh tiếng của thành phố), nghiên cứu của Đại học Fulbright chỉ ra rằng TP.HCM có lợi thế nhất ở yếu tố nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng, trong khi môi trường kinh doanh hạn chế là yếu tố cần được cải thiện.

 

Các hành động thực tiễn mới là nhân tố quyết định biến những tầm nhìn hay chiến lược thành hiện thực. “Việc phát triển đề án nâng tầm thành phố phía Đông phụ thuộc khả năng và quyết sách của TP.HCM là chủ yếu chứ không phụ thuộc quá lớn vào các chính sách của quốc gia. Do vậy, thành phố cần quyết tâm và có những chính sách cụ thể để có thể làm cho bằng được các dự án và công trình cụ thể", Tiến sĩ Huỳnh Thế Du nhận định.

 

Theo Nguyễn Sơn - Nhịp cầu đầu tư

Tư vấn - Hỗ trợ

Tư vấn - Hỗ trợ

Điện thoại: 0909.140.866

Email: info@irrmanagement.com.vn