Logo

Thành phố Thủ Đức nhìn từ Singapore

Mô hình Singapore

Một trong những mô hình TP được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm và tham khảo là Singapore, đảo quốc có diện tích ban đầu bằng đảo Phú Quốc của Việt Nam. Dù quy mô địa lý bé nhỏ của thị quốc này không đủ điều kiện để tạo ra các phân khu quốc gia như tỉnh, tiểu bang và các đơn vị chính trị khác, Singapore vẫn được chính quyền chia nhỏ về mặt hành chính theo nhiều cách khác nhau trong suốt quá trình phát triển lịch sử, phục vụ các mục tiêu kinh tế chính trị xã hội và quy hoạch đô thị.

Về mặt lịch sử, khái niệm “quận” (district) tại Singapore không có ý nghĩa về mặt hành chính, mà phục vụ cho nhu cầu của ngành bưu điện trong thời kỳ thuộc địa của người Anh. Tuy nhiên, khi các cuộc bầu cử địa phương đòi hỏi phải thiết lập các khu vực bầu cử, Singapore đã hình thành các “quận bầu cử” (electoral district) như một hình thức quản trị địa phương, bởi mỗi khu vực bầu cử này sẽ do đại biểu quốc hội (ĐBQH) đại diện và phát ngôn cho các đơn vị bầu cử tương ứng.

 

Kể từ năm 1997, Singapore chính thức có 9 quận được điều hành bởi 9 Hội đồng Phát triển Cộng đồng (CDC). Năm 2001, 9 quận và CDC này được cơ cấu lại thành 5, gồm CDC Đông Bắc, CDC Tây Bắc, CDC Đông Nam, CDC Tây Nam và CDC Trung tâm Singapore. Mỗi quận sau đó lại được chia thành các khu vực bầu cử và hội đồng thị trấn (town council).

Các ranh giới của CDC tuân theo ranh giới của các khu vực bầu cử, mỗi CDC được quản lý bởi hội đồng do thị trưởng đứng đầu và có 12-80 thành viên. Các thành viên này được chỉ định bởi Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch của Hiệp hội Hội nhân dân (PA) - cục tác nghiệp thuộc Bộ Văn hóa, Cộng đồng và Thanh niên. CDC có vai trò khởi xướng, lập kế hoạch và quản lý các chương trình cộng đồng, nhằm thúc đẩy sự liên kết và gắn kết xã hội trong các cộng đồng địa phương.

Các hội đồng thị trấn (HĐTT) đầu tiên được thành lập vào tháng 9-1986 bởi Đạo luật HĐTT, với mục đích chính quản lý các khu nhà ở chung cư, vai trò của Cục Phát triển Nhà ở (HDB) vốn theo những quy định và nguyên tắc quá cứng nhắc với cư dân. Ranh giới của HĐTT được vẽ ra dựa trên ranh giới khu vực bầu cử. Khu vực HĐTT có thể được một nhóm đại diện bầu cử (GRC), ứng cử viên đơn danh (SMC) hoặc tập hợp các GRC và SMC lân cận do cùng chính đảng thắng cuộc kiểm soát. Các đại biểu quốc hội thắng cử sẽ đứng đầu các HĐTT của khu vực bầu cử của họ. Ranh giới của các HĐTT không tương ứng với ranh giới của thị trấn (town) hay khu đô thị mới hình thành.

Tính đến nay, Singapore có 17 HĐTT với chức năng chủ yếu quản lý đô thị, nên cũng có thể được gọi là hội đồng đô thị. Chính phủ/quyền đảo quốc/TP Singapore quản lý đất nước/đô thị theo mô hình một cấp và các cơ quan công quyền đều hoạt động theo chức năng, không cứng nhắc theo biên giới hành chính.

Các vấn đề như hộ tịch, đăng ký kết hôn được xử lý ở cơ quan duy nhất là Registry of Marriage (ROM), hoặc giấy khai sinh hay chứng tử có thể được cấp bởi bệnh viện, không phải qua cơ quan hành chính nào. Nhiệm vụ quốc phòng và an ninh được tập trung ở chính quyền trung ương và tỏa xuống địa phương bằng cách lực lượng chức năng xử lý cụ thể. Mô hình hoạt động của các cơ quan quốc phòng và an ninh Singapore được nhiều nước trong khu vực quan tâm và đến học tập kinh nghiệm, trong đó có thể kể đến Cục Phòng chống Ma túy (CNB) thuộc Bộ Nội vụ Singapore, hay Cục Điều tra Tham những (CPIB) thuộc Văn phòng Thủ tướng...

Mô hình TP Thủ Đức

TP mới Thủ Đức được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 quận là mô hình quản lý đô thị và hành chính của TPHCM như một trung tâm kinh tế chính trị của cả nước và khu vực. Để dễ hình dung, chúng ta hãy thử xem Thủ Đức là một “thị trấn” (town) và so sánh với Jurong East ở phía Tây TP Singapore qua bảng dưới đây.

Sẽ có nhiều điều cần thảo luận về bản sắc của Thủ Đức xét đến mật độ dân số, các hoạt động kinh tế, xã hội và cộng đồng. Nhưng trước mắt, Thủ Đức có thể áp dụng mô hình quản lý một cấp như Singapore. Theo đó, sự lãnh đạo của chính đảng cầm quyền được cụ thể hóa bằng những cơ chế quản lý hiệu quả, có sự tham gia của người dân hay cộng đồng. Các hoạt động hiệp thương bầu cử sẽ diễn ra như thế nào để Thủ Đức có những đại biểu HĐND đích thực, từ đó hình thành những khu vực đô thị, cụm dân cư mà người dân cảm thấy gắn bó và tự hào.

Nhưng đó chỉ mới là mơ ước. Trước mắt, TP mới Thủ Đức mới sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề cũ trong tổng thể cơ chế quản lý còn nhiều bất cập của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung. Bảng so sánh dưới đây cũng cho thấy các TP của ta khó có thể vượt qua Singapore về mặt quản lý đô thị do cơ chế hành chính nhiều cấp, nhiều tầng nấc và đôi khi xung đột lẫn nhau.

Theo thiển ý của tôi, TP mới Thủ Đức muốn hình thành và phát triển căn cơ vững mạnh sẽ cần 5 chữ L trong tiếng Anh. Trước hết, là sự lãnh đạo (Leadership) của Đảng và sự ủng hộ của Trung ương về chủ trương là bước khởi đầu quan trọng. Tuy nhiên, vấn đề vẫn nằm ở sự chủ động của địa phương, tức chính quyền TPHCM nếu biết khai thác và tận dụng trí tuệ của quần chúng và đưa ra những đề đạt phù hợp với tình hình thực tiễn trong đó có việc điều chỉnh luật pháp (Law) trình Quốc hội biểu quyết và thông qua.

Quản lý đất đai (Land) cũng sẽ là thách thức cho chính quyền TP mới này. Thủ Đức sẽ liên kết (Link) như thế nào với các quận và chính quyền TPHCM. Cuối cùng, ước mơ và kỳ vọng cho một TP phía Đông sáng tạo, đột phá cũng không hạnh phúc bằng hiện thực của một TP “sống được” (Liveable) với đầy đủ ý nghĩa sinh học, nhân văn và tiến hóa.

Theo: Sài Gòn Giải Phóng – Đầu tư tài chính

Tư vấn - Hỗ trợ

Tư vấn - Hỗ trợ

Điện thoại: 0909.140.866

Email: info@irrmanagement.com.vn