Logo

Xây dựng thương hiệu Du lịch biển - đảo: thực trạng và giải pháp?

Việt Nam có ưu thế cạnh tranh rất lớn để phát triển du lịch biển đảo. Tài nguyên du lịch biển, đảo của nước ta vô cùng đa dạng và phong phú với diện tích hơn 3.200 km bờ biển. Nước ta có biết bao bờ biển và đảo tuyệt đẹp như Sơn Trà - Đà Nẵng; Phú Quốc - Kiên Giang; Ninh Chữ, Mũi Né - Bình Thuận; Nha Trang - Khánh Hòa; Côn Đảo; Vũng Tàu...nhưng chưa thực sự tạo được thương hiệu riêng, dấu ấn riêng. Ngoài vẻ đẹp thắng cảnh thiên nhiên ta còn phong phú về các lễ hội văn hóa đặc trưng từng vùng miền như lễ hội Kate của người Chăm, người Hoa với lễ hội nghinh Ông, người Việt với lễ hội Dinh Thầy Thiếm ở Bình Thuận, lễ hội Diều ở Vũng Tàu, các chương trình Festival biển Nha Trang,… Bên cạnh đó còn có các công trình kiến trúc – nghệ thuật và di tích lịch sử như Tháp nước Phan Thiết, hải đăng Khe Gà của Bình Thuận; nhà thờ Đá - Nha Trang…Và cả sự đa dạng về ẩm thực đặc biệt ưu thế về biển, đảo đó là hải sản, rồi từ nguồn lợi về cá biển ta chế biến các loại đặc sản như nước mắm Phan Thiết, nước mắm Phú Quốc,...Vài năm gần đây người ta còn biết đến một món ăn nữa cũng rất thu hút du khách tại các vùng biển là “mực một nắng”…Với những thế mạnh nêu trên thì vấn đề xây dựng cũng như phát triển thương hiệu du lịch biển đảo của Việt Nam là rất khả quan. Vậy vì sao Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu du lịch biển – đảo?

 

Chúng ta hãy cũng tìm hiểu những rào cản gây khó khăn trong việc phát triển du lịch biển – đảo thực tế như thế nào. Rào cản thứ nhất chính là nguồn vốn đầu tư vào phát triển biển – đảo. Muốn xây dựng một thương hiệu vững mạnh về du lịch biển, đảo, một thương hiệu thực sự phát triển đủ sức để cạnh tranh với các nước trong khu vực thì những người hoạt động trong lĩnh vực du lịch của các địa bàn tỉnh cũng như chính quyền các địa phương chưa đủ khả năng để thực hiện. Và một số hình thức đầu tư chưa tương xứng với nhu cầu đề ra, cả sự bất hợp lý của vấn đề quy hoạch và đầu tư phát triển.

 

 

Kế đến là rào cản về chính trị. Đó là các thủ tục liên quan đến hoạt động kinh doanh du lịch và các chính sách đối với khách du lịch còn rườm rà. Bên cạnh đó vấn đề pháp luật về ngành Du lịch chưa được hoàn thiện. Về phía chính quyền địa phương cũng chưa thật sự tạo điều kiện tốt nhất có thể cho các nhà kinh doanh du lịch trong và ngoài nước để thuận lợi thực hiện các chiến lược phát triển của họ. Mặt khác vấn đề quy hoạch cũng chưa thống nhất, chưa đồng bộ, chưa được đầu tư đúng đắn và làm du lịch không mang tính thống nhất của các cấp, các nhà lãnh đạo. Cần phải có cái nhìn khác, nhận định xác thực và đưa ra những cách giải quyết phù hợp, kịp thời các vấn đề trên mới mong du lịch biển, đảo Việt Nam có bước tiến mới.

 

Cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư hợp lý và chưa đủ để đáp ứng nhu cầu du lịch ngày càng cao của du khách. Hiện nay các cảng biển của nước ta hầu hết đều là cảng vận chuyển hàng hóa mà chưa có cảng biển nào chuyên biệt dành cho tàu du lịch. Nhiều cảng mà các tàu có tải trọng lớn không được phép cập bờ phải chuyển sang di chuyển bằng các phương tiện nhỏ, tải trọng thấp như canô, tàu du lịch. Chính điều này đã góp phần làm giảm đi sự hứng thú của du khách và gây mất nhiều thời gian. Song song đó, các hệ thống vận chuyển khách du lịch từ các thị trường được xem là trọng điểm đến các khu du lịch còn rất hạn chế về cơ sở hạ tầng như đường sá, sân bay, bến cảng…thật sự chưa đáp ứng được nhu cầu hiện tại và tương lai của cả du khách Việt Nam lẫn khách du lịch quốc tế.

 

 

Ngoài ra còn nhiều yếu tố rào cản khác nữa cũng đã làm cho du lịch biển, đảo Việt Nam chưa khẳng định được vị trí, thương hiệu của mình với khu vực và quốc tế. Tuy nước ta có nhiều biển, đảo nhưng một số nơi không có bãi tắm dành cho khách du lịch điển hình là dự án quy hoạch và đầu tư du lịch bãi tắm Đồi Dương – Bình Thuận. Và các loại hình du lịch cũng như các sản phẩm dịch vụ du lịch chưa đáp ứng nhu cầu du khách. Đội ngũ nhân lực ngành du lịch thì lại luôn mang thực trạng thừa về lượng thiếu về chất cũng gây không kém khó khăn cho vấn đề phát triển du lịch một cách bền vững. Thêm vào đó là vấn nạn chèo kéo, đeo bám khách du lịch tại các điểm du lịch gây nên một hình ảnh không tốt ảnh hưởng đến những nổ lực xây dựng thương hiệu du lịch biển mà ta đang cố gắng từng ngày. Rồi nạn chặt chém khách, phân biệt khách du lịch,…Công tác tuyên truyền, quảng bá về du lịch biển đảo cũng chưa được chú trọng và quan tâm đúng mức. Việt Nam cần phải tham gia nhiều các chương trình hội nghị, hội chợ chuyên về du lịch biển, đảo và tàu biển trong khu vực và thế giới nhằm học hỏi thêm về cách thức xây dựng, thực hiện, hoạt động, duy trì và phát triển của họ để chọn lọc và áp dụng các phương pháp làm du lịch phù hợp cho tình hình biển, đảo nước ta.

 

Vậy bằng cách nào ta xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch biển, đảo cũng như khai thác bảo tồn như thế nào cho hợp lý?

 

Trước nhất, cần phải kêu gọi sự đầu tư trong và ngoài nước để đáp ứng nguồn vốn đủ lớn và vững mạnh. Bên cạnh đó, nhà nước, chính phủ cần phải hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật du lịch nhẳm tạo điều kiện cũng như quản lý hoạt động du lịch hiệu quả. Có chính sách thu hút các nguồn đầu tư trong và ngoài nước. Đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến hoạt động du lịch và khách du lịch. Khuyến khích và tạo điều kiện huy động sự tham gia và đóng góp của từng cá nhân, tổ chức về việc bảo vệ môi trường, tài nguyên du lịch cùa từng địa phương. Kế đến, cần có các giải pháp về quy hoạch và quản lý quy hoạch du lịch hiệu quả. Đầu tư khai thác, xây dựng cảng biển và tàu du lịch lớn. Nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. Nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách nghĩ dưỡng biển, đảo hơn nữa. Phải tạo được sự khác biệt của mình so với những điểm du lịch biển – đảo khác. Đặc biệt xây dựng chương trình đào tạo mới, đào tạo được nguồn lực riêng chất lượng cao phục vụ cho du lịch biển – đảo. Và có chính sách đãi ngộ nhân tài hợp lý. Luôn áp dụng khoa học công nghệ một cách hiệu quả, sáng tạo vào hoạt động du lịch. Cuối cùng là công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch biển – đảo phải mang lại hiệu quả cao nhất, tranh thủ sự hỗ trợ của các nguồn lực quốc tế.

 

 

Nhìn chung, các giải pháp trên nếu được thực hiện đúng cách, đúng lúc thì Việt Nam chắc chắn sẽ có được thương hiệu du lịch biển – đảo cho riêng trong tương lai không xa. Và biển – đảo Việt Nam sẽ có cơ hội cạnh tranh cùng các nước trong khu vực và trên thế giới.

 

Ngô Hồng - International Recreation & Resort Management Group (IRR Group)

Tư vấn - Hỗ trợ

Tư vấn - Hỗ trợ

Điện thoại: 0909.140.866

Email: info@irrmanagement.com.vn