Lấy lại những gì đã mất
Hấu hết định chế, tổ chức nghiên cứu đều tin rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ trở lại hoặc vượt mức trước đại dịch vào năm tới. Tuy nhiên, mức độ lạc quan trong mỗi dự báo khá chênh lệch. Bi quan nhất trong số này là dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Tổ chức này dự báo GDP toàn cầu sẽ trở lại mức trước đại dịch vào cuối năm 2021, sau khi chứng kiến mức giảm mạnh 4,2% trong 2020. Cụ thể, GDP toàn cầu sẽ tăng khoảng 4,2% vào năm 2021 và thêm 3,7% vào năm 2022, nhờ vào việc triển khai vaccine Covid-19 và các chính sách tài khóa và tiền tệ phù hợp. Sự phục hồi sẽ được dẫn đầu bởi Trung Quốc, nước được dự báo sẽ tăng 8% trong năm tới, chiếm hơn 1/3 tăng trưởng kinh tế thế giới.
Những yếu tố tích cực được OECD nêu ra là đã có tới 3 loại vaccine Covid-19 đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả trong các thử nghiệm lâm sàng, trong đó có 2 loại đã được chính phủ Mỹ phê chuẩn.
Tuy nhiên, OECD cảnh báo đại dịch sẽ gây tổn hại lớn đến những người dễ bị tổn thương nhất và có hậu quả lâu dài. Các công ty nhỏ có nhiều khả năng không quay lại kinh doanh. Việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số quy mô lớn trong môi trường doanh nghiệp và giáo dục khiến trẻ em và thanh niên khó khăn sẽ càng khó khăn hơn trong nhiều năm tới. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), đại dịch sẽ đẩy 88-115 triệu người vào cảnh nghèo cùng cực (sống với mức dưới 1,9USD/ngày) trong năm nay.
Cho đến nay, sự phục hồi toàn cầu đã được hỗ trợ bởi hàng ngàn tỷ USD được bơm ra từ các chính phủ và ngân hàng trung ương. OECD nhấn mạnh các “vòi” tiền phải được mở, bất chấp những đột phá trên mặt trận vaccine.
“Các chính phủ cần tiếp tục đầu tư vào các biện pháp y tế công cộng để hạn chế tác động của các đợt bùng phát virus mới, thực hiện hỗ trợ các công ty và việc làm để đảm bảo sự phục hồi nhanh hơn khi các hạn chế được dỡ bỏ” - OECD viết.
Phục hồi hình chữ V
Dự báo lạc quan nhất thuộc Morgan Stanley. Theo ngân hàng này, kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi mạnh mẽ theo hình chữ V trong năm 2021, với mức tăng GDP 6,4%. Chetan Ahya, chuyên gia kinh tế trưởng của Morgan Stanley, cho biết 3 yếu tố chính đặc trưng cho giai đoạn tiếp theo của sự phục hồi hình chữ V, gồm tăng trưởng toàn cầu đồng bộ, sự phục hồi của thị trường mới nổi và sự quay trở lại của lạm phát.
Tại Mỹ, Morgan tin rằng chi tiêu của người tiêu dùng hiện gần như đã trở lại mức trước Covid-19, trong khi thu nhập cá nhân trung bình của các hộ gia đình ở Mỹ đã vượt qua mức trước đại dịch vào tháng 9. Những yếu tố này và các yếu tố khác cho thấy sự phục hồi bền vững của Mỹ, với mức tăng trưởng GDP dự kiến 5,9% vào năm 2021.
Tại châu Âu, dù nhiều quốc gia bắt đầu áp dụng lại các hạn chế Covid khi tỷ lệ lây nhiễm mới tăng, nhưng Morgan dự báo tăng trưởng GDP 5% vào năm 2021 và 3,9% vào năm 2022. Tuy nhiên, ngân hàng này cảnh báo rủi ro từ Brexit mang lại có thể làm GDP tăng trưởng chậm hơn dự đoán.
Tại các thị trường mới nổi, các nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại, như Hàn Quốc và Đài Loan, đã và đang phục hồi tốt. Trong khi các nền kinh tế lớn như Ấn Độ và Brazil đã có vài chỉ số vượt mức trước đại dịch và ghi nhận mức tăng trưởng tích cực hàng năm. Các nhà kinh tế của Morgan Stanley kỳ vọng đà tăng này sẽ tiếp tục trong năm tới.
Đồng thời, các thị trường mới nổi sẽ được hưởng lợi từ việc gia tăng thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ, lãi suất thực của Mỹ thấp, đồng USD yếu hơn và các chính sách kinh tế vĩ mô thích ứng. Điều đó cộng thêm tăng trưởng GDP lên tới 7,4% cho các thị trường mới nổi vào năm 2021, dẫn đầu là dự báo tăng 9,8% ở Ấn Độ. Trong khi đó, Trung Quốc nhanh chóng lấy lại vị thế khi tiêu dùng tăng trở lại. Morgan Stanley dự đoán nền kinh tế thứ 2 thế giới sẽ tăng trưởng 9% vào năm 2021, trước khi giảm xuống mức 5,4% vào năm 2022.
Nhìn chung, các ngân hàng lớn đều dự đoán nền kinh tế thế giới sẽ phục hồi tốt vào năm tới, nhờ triển vọng của vaccine. Cụ thể, Bank of America dự báo mức tăng trưởng toàn cầu cho năm sau 5,4%; Citigroup Inc. dự báo tăng trưởng 5%; Goldman Sachs Group Inc. dự báo tăng trưởng 6%; và JPMorgan Chase & Co. dự báo tăng trưởng 5,8%.
Lạm phát và chính sách
Các nhà kinh tế của hãng tư vấn NatWest Markets dự báo lạm phát trong năm 2021 sẽ là bức tranh hỗn hợp. Trong khi lạm phát ban đầu có thể bị kiềm chế vào năm tới, NatWest kỳ vọng những tác động cơ bản và cú sốc cầu giảm dần sẽ đẩy tỷ lệ lạm phát lên cao. Tại Mỹ, Anh, khu vực đồng Euro, Nhật Bản và Trung Quốc, cả lạm phát giá tiêu dùng chính và cốt lõi có thể duy trì dưới 2%, dù rủi ro tăng vẫn tồn tại. Mỹ có thể là thị trường phát triển lớn đầu tiên có lạm phát gia tăng rõ ràng.
Trong khi đó, NatWest dự báo cả chính sách tiền tệ và tài khóa sẽ được duy trì và tiếp tục hoạt động đồng bộ. Về mặt tài chính, các "vòi bơm tiền" đã được mở và hầu như không có chính trị gia nào muốn quay trở lại việc hạn chế ngân sách. Trong khi đó, các ngân hàng trung ương đang chuyển hướng sang các chính sách duy trì, thiết lập lãi suất bằng 0 và đang chấp nhận hoặc nhắm mục tiêu các giai đoạn lạm phát cao hơn. Trong bất kỳ trường hợp nào, NatWest dự báo lãi suất chính sách dài hạn thấp hơn kết hợp với thâm hụt tài chính lớn hơn trong thời gian dài.
Mặc dù hầu hết định chế đều dự báo sự phục hồi lạc quan trong năm tới, theo Công ty tư vấn Reed Smith, các khách hàng vẫn thận trọng trong việc dự đoán những gì tương lai sẽ xảy ra cho doanh nghiệp của họ. Có sự đồng thuận chung rằng hậu quả kinh tế đầy đủ của năm 2020 cuộc khủng hoảng toàn cầu sẽ chuyển sang năm 2021. Nhiều người lo ngại các xu hướng vĩ mô và các sự kiện địa chính trị, chẳng hạn như Brexit và thay đổi lãnh đạo ở Mỹ, sẽ tiếp tục tác động tới các doanh nghiệp toàn cầu, dẫn đến sự phục hồi kinh tế không thể đoán trước.
Theo Văn Cường - Sài Gòn giải phóng - Đầu tư tài chính
Điện thoại: 0909.140.866
Email: info@irrmanagement.com.vn