Logo

Dòng tiền ngấm ngầm chảy vào chứng khoán, BĐS

Phần chìm của tảng băng

Giữa năm 2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết tăng trưởng tín dụng bất động sản (BĐS) trong 4 tháng đầu năm ở mức 4,83%, đến cuối tháng 6 khoảng 5,5%, thấp hơn mức tăng trưởng chung toàn ngành.
 

 

Thời điểm đó, theo đánh giá của NHNN, khoảng 3 năm trở lại đây tăng trưởng tín dụng vào BĐS có xu hướng chậm lại dựa trên số liệu tăng trưởng năm 2018 khoảng 26,76%, năm 2019 là 21% và năm 2020 là 11,89%. Nguyên nhân tăng chậm chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến các hoạt động đầu tư giảm mạnh.

Tuy nhiên, số liệu NHNN công bố về mức tăng trưởng tín dụng BĐS vào cuối tháng 7 lại gây bất ngờ, khi tăng đến 9,88% so với cuối năm 2020, chiếm 20,11% (cùng kỳ 2020 tăng 5,47%, chiếm 19,87%). Mức này cao hơn so với mức tăng trưởng cùng kỳ cũng như tăng trưởng tín dụng chung toàn ngành 6,92% vào cuối tháng 7. Và chỉ trong vòng 1 tháng tín dụng BĐS đã tăng thêm 4,38%.

Trong khi đó, tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh chứng khoán đến cuối tháng 7 chỉ tăng 1,3% (cùng kỳ năm 2020, tín dụng vào lĩnh vực này giảm 15,83%). Nhưng mặt khác, tín dụng phục vụ nhu cầu đời sống tăng 6,37%, trong khi cùng kỳ năm 2020 chỉ tăng 2,25%.

Diễn biến tăng đáng kể của lĩnh vực tín dụng phục vụ nhu cầu đời sống (tín dụng tiêu dùng) được đặt dấu hỏi. Bởi lẽ, thống kê từ báo cáo của các công ty tài chính phục vụ tín dụng tiêu dùng được Hiệp hội NH công bố, cho thấy dư nợ tín dụng tiêu dùng của nhóm này không khả quan.

Cụ thể, tổng dư nợ tín dụng trong 9 tháng đạt khoảng 150.000 tỷ đồng, gần như không tăng trưởng so với cuối năm 2020.

Theo các tổ chức tài chính (CTTC), trong 9 tháng năm 2021, đặc biệt từ quý II đến quý III, dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, có khoảng 20 tỉnh thành phải thực hiện giãn cách xã hội, đã ảnh hưởng đến nhu cầu vay vốn, tác động đến doanh số giải ngân.

Như vậy, dịch bệnh tác động rất mạnh đến nhu cầu vay để tiêu dùng. Và  trong bối cảnh như vậy liệu tăng trưởng cao từ tiêu dùng như công bố có vào đúng mục đích?

Vấn đề nữa là nhìn từ tốc độ tăng tín dụng so với tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP). Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến 20-9 tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 7,17%, cao gấp 1,4 lần mức tăng trưởng cùng kỳ năm trước 4,99%.

Nhưng GDP 9 tháng chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước, do dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Với con số này, tốc độ tăng tín dụng cao gấp 5 lần tốc độ tăng GDP.

Thông thường, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng trên GDP ở mức 2,5 lần sẽ hỗ trợ cho nền kinh tế. Năm 2020, khi tốc độ tăng trưởng tín dụng so với GDP lên mức 4,1 lần, các chuyên gia đã cảnh báo tín dụng có thể đang được đẩy vào những tài sản rủi ro và không hỗ trợ tốt cho nền kinh tế.

Vậy nhưng trong 9 tháng qua, khoảng cách tốc độ tăng trưởng tín dụng và GDP tiếp tục tăng hơn 5 lần, dấy lên lo lắng về tiền chảy vào các thị trường tài sản và hiệu quả tín dụng đối với nền kinh tế ngày càng thấp.
 

Cần cơ chế kiểm soát phù hợp
 

Thực tế, phía NHNN vẫn nhận định tín dụng đối với các lĩnh vực rủi ro trong tầm kiểm soát, nhưng cơ quan này cũng nhận thấy những vấn đề tiềm ẩn. Vào tháng 9 vừa qua, tại văn bản yêu cầu các NHTM, chi nhánh NH nước ngoài về một số vấn đề trong hoạt động, NHNN lại lưu ý việc kiểm soát chặt tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng, chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, hoặc chịu tác động lớn của dịch Covid-19, đặc biệt là tín dụng BĐS với mục đích tự sử dụng.

NHNN yêu cầu các nhà băng thường xuyên đánh giá tình hình hoạt động, tài chính, khả năng trả nợ, nhất là đối với các khách hàng có dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS lớn, khách hàng cá nhân có dư nợ cho vay phục vụ đời sống/tiêu dùng lớn và khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, để có biện pháp xử lý phù hợp, nhằm hạn chế rủi ro phát sinh.

Với bối cảnh đó, nhiều chuyên gia lo ngại tín dụng đang ngầm chảy vào BĐS, chứng khoán. Điều này thể hiện qua việc số doanh nghiệp tiếp cận được vốn thấp, song tín dụng vẫn tăng trưởng tốt, nhiều nhà băng vẫn muốn được nới hạn mức tín dụng.

Trong đợt dịch vừa qua, các NH vẫn phải chịu chi phí về mặt bằng, nhân viên, lãi suất tiền gửi các khoản vay dài hạn không thể giảm xuống dù lãi vay giảm, nhưng vẫn ghi nhận lợi nhuận cao.

Trong khi đó, rất nhiều doanh nghiệp rời khỏi thị trường do tác động của dịch bệnh, nhưng chứng khoán lại tăng điểm mạnh. Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới 9 tháng 2021 gần đạt con số 1 triệu, gấp hơn 2,4 lần so với cả năm 2020. Dòng tiền đưa vào chứng khoán liên tục lập kỷ lục. Tương tự, giá BĐS giảm nhiệt nhưng không giảm nhiều.

Các chuyên gia nhận định, về nguyên tắc NHNN vẫn kiểm soát chặt dòng tiền vào BĐS và chứng khoán, nhưng vẫn có nhiều cách để vốn đi vào các lĩnh vực này. Chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải chia sẻ, một bộ phận không nhỏ NHTM dưới áp lực tăng tín dụng, tăng doanh số ở các chi nhánh, phòng giao dịch vẫn làm lách thủ tục cho vay.

Họ lên những phương án phù hợp với chủ trương của NHNN để giải ngân, không liên quan tới khoản vay đầu tư BĐS, chứng khoán. Tuy nhiên, tiền này lại được bên vay dùng để đầu tư BĐS hoặc chứng khoán.

Nhận định NHNN vẫn chưa có cơ chế chế tài việc này, song ông Hải đề xuất NHNN có quy định hạn chế thế chấp BĐS mới vào các khoản vay. Chẳng hạn, khi khách hàng vay vốn với mục đích sản xuất kinh doanh, chỉ chấp nhận tài sản bảo đảm là sổ đỏ hay căn nhà sở hữu từ 5 năm trở lên.

Trường hợp BĐS mới mua đã đem thế chấp, mặc dù mục đích vẫn là sản xuất kinh doanh phải kiểm soát chặt. Vì những dạng này tiềm ẩn bẫy vô hình, khi tiền vay đó khả năng lớn sẽ chảy ra BĐS hoặc chứng khoán.

Đỗ Linh

Tư vấn - Hỗ trợ

Tư vấn - Hỗ trợ

Điện thoại: 0909.140.866

Email: info@irrmanagement.com.vn