Logo

Cổ phần hoá bế tắc vì đất

Như vậy, chính việc định giá đất “không sát giá thị trường” ở doanh nghiệp, cộng với việc hàng loạt quan chức bị tù tội trong những năm qua cũng vì liên quan đến định giá đất không sát giá thị trường gây ra thất thoát cho Nhà nước, nên thời gian qua hầu như quan chức nào cũng sợ ký phê duyệt giá trị doanh nghiệp. Không định giá doanh nghiệp được thì không thể cổ phần hóa.
 

Đương nhiên, không cổ phần hóa thì tài sản đất đai của Nhà nước không có nguy cơ bị thất thoát. Tuy nhiên, nếu xét dưới góc độ doanh nghiệp nhà nước thường hoạt động hiệu quả hơn sau khi cổ phần hóa, tình trạng ách tắc này cũng gây thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế, nhất là các doanh nghiệp nhà nước còn lại đều có quy mô rất lớn và đang nắm trong tay giá trị tài sản khổng lồ.



 

Để giải tỏa vướng mắc trên, ông Hồ Đức Phớc cho biết sẽ quy định đất thuê của doanh nghiệp nhà nước để sản xuất kinh doanh, khi chuyển qua doanh nghiệp cổ phần, tư nhân cũng phải sử dụng đúng mục đích này. Nếu không có nhu cầu sử dụng thì trả lại, Nhà nước sau đó sẽ thanh toán tiền tài sản trên đất cho doanh nghiệp rồi tổ chức đấu giá để thu tiền vào ngân sách.
 

Thoạt nghe thì đề xuất trên khá hợp lý, nhưng nếu đi sâu vào chi tiết thì vẫn còn nhiều điều chưa ổn.
 

Thứ nhất, ngay cả khi doanh nghiệp sử dụng đất đúng mục đích là để sản xuất kinh doanh thì khi cổ phần hóa, mà thực chất là tư nhân hóa, cũng phải tính lại giá thuê đất cho sát với giá thị trường; mà đã tính lại giá thuê đất thì cần phải có người thẩm định, người ký phê duyệt giá cho thuê.
 

Thứ hai, không ít doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ hiện đang nắm nhiều mặt bằng có giá trị cao tại các đô thị, việc xác định lại giá trị của các mặt bằng này trước khi cổ phần hóa là điều buộc phải làm, nếu muốn tránh nguy cơ tài sản nhà nước bị thất thoát vào tay tư nhân. Như vậy, lại vẫn cần thẩm định và ký duyệt mức giá đất.
 

Ngoài ra, do dô thị hóa phát triển nên nhiều mặt bằng vốn đang là nhà xưởng, kho bãi… sẽ có giá trị rất cao nếu chuyển mục đích sử dụng sang làm nhà ở hay các công trình thương mại khác. Suy cho cùng thì đây vẫn là tài sản của Nhà nước nên cũng cần được sử dụng sao cho hiệu quả tốt nhất có thể. Nếu chờ doanh nghiệp “không có nhu cầu sử dụng thì sẽ trả lại” thì sẽ chẳng mấy ai sẵn lòng để trả, và khi ấy những tài sản này sẽ lại bị sử dụng lãng phí.
 

Trong bối cảnh việc tính giá đất không sát giá thị trường gây thiệt hại cho Nhà nước đã và đang đẩy nhiều quan chức lãnh đạo vào vòng tù tội, sẽ chẳng còn mấy ai dám ký duyệt mức giá đất, thậm chí các công ty thẩm định giá cũng không dám nhận thẩm định giá trị của  doanh nghiệp nhà nước nữa, nên việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước sẽ còn bế tắc. Vì vậy, muốn gỡ nút thắt cổ phần hóa thì phải giải tỏa được nỗi sợ liên quan đến thẩm định và phê duyệt giá. Đấy mới chính là giải pháp căn cơ cho vấn đề đất trong cổ phần hóa.
 

IRR tổng hợp

Tư vấn - Hỗ trợ

Tư vấn - Hỗ trợ

Điện thoại: 0909.140.866

Email: info@irrmanagement.com.vn