Gợi mở về cơ chế đặc thù
Thưa ông, việc trao cho TPHCM một cơ chế đặc thù để phát triển là vấn đề được đồng thuận rất cao. Vậy nhưng, cơ chế như Nghị quyết 54 hay cơ chế mới như Dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 liệu đã đủ? Nên hình dung về một cái khung đặc thù có thể giúp TPHCM phát huy tối đa tiềm năng như thế nào?
– Ông Bùi Kiến Thành: Để trả lời câu hỏi này, đầu tiên phải thống nhất được với nhau, thế nào là cơ chế đặc thù. Cơ chế đặc thù có phải chỉ là việc tăng thêm khoản thu này, giữ lại khoản thu kia, chủ động trong một số quyết định về hành chính, lương bổng… hay không?
Đồng ý rằng, theo các quy định của pháp luật hiện hành, để nới rộng quyền tự chủ trong nhiều vấn đề của một tỉnh, thành phố, phải được sự đồng ý của các cấp quản lý cao hơn. Thế nhưng, nếu tư duy về vấn đề “đặc thù” chỉ giới hạn như trên, các địa phương khác cũng sẽ xin những cơ chế tương tự.
Đến khi đó, cơ chế đặc thù không còn đặc thù, không còn đem lại sức cạnh tranh nữa. Kết quả là, các địa phương lại muốn được “đặc thù” hơn và chạy đua để đạt được điều đó.
Vậy nên hiểu về cơ chế đặc thù cho TPHCM theo cách nào? Ở đây, TPHCM phải tự xác định lợi thế của họ, so với các tỉnh thành khác trong cả nước và với các thành phố lớn trong khu vực và trên thế giới. Từ chuyện “biết mình”, TPHCM sẽ đặt ra các mục tiêu mà họ muốn đạt được về kinh tế, xã hội, nâng cao chất lượng sống của người dân… Đồng thời, thành phố cũng phải suy nghĩ về cách thức đạt được các mục tiêu ấy, rồi đề xuất các biện pháp, cơ chế hỗ trợ.
Trong trường hợp chưa biết đề xuất như thế nào thì TPHCM có thể tham khảo những đô thị đã chuyển mình thành công dựa trên những ưu đãi đặc thù như Thượng Hải, Thẩm Quyến (Trung Quốc) hay đảo quốc Singapore… để học hỏi kinh nghiệm. Nghĩa là, từ lãnh đạo thành phố tới các lãnh đạo cấp cao hơn phải nghĩ về cơ chế đặc thù này bằng một tinh thần khác: tinh thần cải cách tìm hiểu, biết mình biết người, sẵn sàng lắng nghe, học hỏi…
Đặc biệt là phải nhìn về tương lai của TPHCM bằng tầm nhìn rộng lớn của con đại bàng, nhằm định ra cái khung đặc thù để giúp cho trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước phát huy tối đa tiềm năng, vươn lên tầm châu lục và thế giới.
Để hình dung về câu chuyện này một cách rõ ràng hơn, xin được phép đi vào một mục tiêu cụ thể: xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM. Theo ông, cần những cơ chế đặc thù như thế nào để tạo nền tảng cho quyết tâm này?
– Phải biết trung tâm tài chính quốc tế là cái gì, bao gồm những dịch vụ nào, trong số các dịch vụ đó thì TPHCM nên tập trung vào các ưu tiên nào trước… rồi mới bàn tới vấn đề thiết lập một trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM.
Hiểu một cách nôm na nhất, trung tâm tài chính quốc tế là nơi cung cấp dịch vụ tài chính cho cả thế giới. Hoạt động tài chính diễn ra liên tục, không ngưng nghỉ trong vòng 24 giờ đồng hồ trong ngày và các trung tâm tài chính kết hợp với nhau để xử lý các dịch vụ về tài chính.
Các trung tâm tài chính hiện tại luân phiên mở cửa theo các múi giờ, đầu tiên là Tokyo, sau đó tới Thượng Hải, Singapore, Ấn Độ, Trung Đông, các trung tâm tài chính ở châu Âu rồi châu Mỹ. Việt Nam có lợi thế là không bị trùng lặp múi giờ với 21 trung tâm tài chính quốc tế hiện có và đây là một trong những cơ sở để đề xuất thành lập một trung tâm tài chính tương tự tại TPHCM.
Tiếp theo, phải hiểu trung tâm tài chính quốc tế hoạt động như thế nào? Tôi xin dẫn ra đây một ví dụ nhỏ về dịch vụ tài chính. Năm 1998, đại gia dầu khí của Anh là British Petroleum muốn mua lại tập đoàn dầu khí Amoco của Mỹ với giá 37 tỉ đô la Mỹ. British Petroleum đề nghị đối tác tại Trung tâm tài chính New York xử lý thương vụ.
Ngân hàng Đầu tư New York là một bộ phận của Trung tâm tài chính New York chịu trách nhiệm thu xếp vốn và giao việc này cho người phụ trách. Người này sẽ liên lạc với các công ty bảo hiểm của Pháp, Ý, Đức, Nhật, các quỹ hưu trí của Canada…, tức là các nguồn tài chính dài hạn, giải thích về thương vụ, đề nghị họ tham gia.
Các bên tham gia sẽ đưa ra một số vốn góp nhất định và chỉ trong một ngày, có thể huy động được số tiền 37 tỉ đô la Mỹ. Đó là dịch vụ huy động vốn dài hạn cho một tập đoàn, ngoài ra còn nhiều dịch vụ khác nữa.
Vậy thì hạ tầng cứng và hạ tầng mềm cho một trung tâm tài chính quốc tế cần có những gì? Đơn giản nhất là các vấn đề về công nghệ, máy móc, kỹ thuật, đường truyền Internet độc lập… Rồi đến việc phải xây dựng ngân hàng đầu tư, nơi có thể huy động được hàng chục, hàng trăm tỉ đô la Mỹ trong một thời gian rất ngắn.
Thêm nữa, ngân hàng thương mại trong một trung tâm tài chính quốc tế phải hoạt động năng động hơn để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư và chúng ta cũng cần có phương án hỗ trợ, nâng cao năng lực cho nhóm ngân hàng này.
Về nhân sự, để làm việc cho trung tâm tài chính quốc tế, từ bộ phận kỹ thuật tới bộ phận tư vấn đầu tư, huy động tài chính phải có năng lực tối thiểu ra sao? Việt Nam đã có sẵn những nhân sự đó chưa? Nếu chưa có thì một mặt phải huy động người tài, một mặt phải tổ chức đào tạo theo lộ trình cụ thể thế nào?
Một vấn đề khác nữa là khuôn khổ pháp lý. Nếu là một trung tâm tài chính quốc tế thì phải có một khuôn khổ pháp lý có tính toàn cầu, phải đưa ra những quy định phù hợp với quy định của Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và các định chế tài chính lớn khác trên thế giới.
TPHCM trong tương lai
Rõ ràng, trong các vấn đề đã đề cập, yếu tố then chốt vẫn là con người. Theo ông, thu hút nhân tài, trong đó một phần quan trọng là lực lượng Việt kiều, ngoài vấn đề tiền lương còn cần những điều kiện gì? Đâu là điều kiện quan trọng nhất để tập hợp được lực lượng giúp TPHCM?
– Quan trọng nhất là phải đối xử với những người đó một cách chân thành, bình đẳng, lời nói phải được thể hiện bằng việc làm. Khi những nhà khoa học, trí thức, đầu tư trở về giúp cho đất nước, họ có nguyện vọng đóng góp điều gì, thực hiện công việc nào thì cần tạo điều kiện cho họ. Bên cạnh đó, các vấn đề về hành chính như thị thực, giấy tờ nhân thân, các chính sách đảm bảo họ được “an cư” để ở lại đóng góp lâu dài… cần được thực hiện.
Chúng ta đều hiểu rằng, những Việt kiều muốn trở về phần vì tâm lý muốn đền ơn đáp nghĩa ông bà tổ tiên, nhớ về quê hương bản quán, gốc rễ cội nguồn, phần vì tinh thần dân tộc, muốn góp sức cho một đất nước Việt Nam độc lập, tự cường, có vị thế vững vàng trên trường quốc tế. Vậy thì càng cần phải hỗ trợ tối đa để họ thực hiện được tâm nguyện.
Không phải tự nhiên mà đất nước Israel có thể trở nên lớn mạnh như ngày hôm nay. Đối với họ, một người Do Thái sinh ra ở bất cứ nơi nào trên thế giới đều là người Israel, có đồng quyền hạn và trách nhiệm với người Do Thái tại Israel, không có bất cứ một sự phân biệt nào. Việt Nam có thể làm như thế với lực lượng Việt kiều không? Tôi tin là chúng ta có thể làm được.
Với những cơ chế đặc thù, cùng với sự điều hành nhất quán của lãnh đạo thành phố, ông kỳ vọng thế nào về sự phát triển của TPHCM trong những thập kỷ sắp tới? Liệu TPHCM có thể trở thành một Singapore mới của khu vực?
– Tôi rất ấn tượng với tinh thần của các lãnh đạo TPHCM đương nhiệm. Tôi cũng nhìn thấy mong muốn và quyết tâm xây dựng thành phố của họ. Tất nhiên, quyết tâm ấy nhận được sự đồng thuận của các cấp lãnh đạo cao nhất. Như vậy, chúng ta đã có nền móng, có hạt mầm để kinh tế TPHCM vững vàng hơn. Đó là “nhân hòa”.
Vấn đề “thiên thời, địa lợi” cũng đã hội tụ đủ. Việt Nam đang là đích đến đầu tư của cả thế giới bởi chúng ta là trọng điểm phát triển của ASEAN, Bắc Á và Nam Á. Trong tương lai, trung tâm năng động nhất của kinh tế thế giới không phải là Mỹ hay châu Âu nữa mà chính là khu vực này. Việt Nam nằm trong xu hướng, không gian phát triển này.
Về “địa lợi”, được ưu đãi hơn các nước trong vùng Nam Á và Bắc Á, Việt Nam là tâm điểm của khu vực cả về hàng không và đường biển. Từ Việt Nam, chỉ cần ba giờ bay là tới Tokyo (Nhật Bản), bốn giờ bay là tới Ấn Độ. Nếu xuất phát từ vịnh Vân Phong, đi mấy ngàn ki lô mét là qua một vùng kinh tế chiếm một nửa GDP của thế giới.
Tóm lại, Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng có rất nhiều tiềm năng, cơ hội. Nếu áp dụng được những cơ chế chính sách tương tự Singapore, TPHCM có thể phát triển như họ.
Rõ ràng, nhiệm vụ hiện thời là làm sao biến tiềm năng, cơ hội thành những kết quả thực tế, biến hạt mầm trở thành cái cây, có bộ rễ vững chắc bám sâu vào mặt đất. Muốn như vậy phải có cơ chế đặc thù cho TPHCM và cơ chế đó phải cởi mở, có tính chất quốc tế. Như đã nói, chúng ta đang cần một tinh thần, một tư duy khác để hoàn thành nhiệm vụ này.
Theo Hoàng Hạnh - Kinh Tế Sài Gòn
Điện thoại: 0909.140.866
Email: info@irrmanagement.com.vn