Logo

Tiền lãi chậm thanh toán tính theo lãi suất nào?

Quy định về lãi suất tính tiền lãi chậm thanh toán có sự khác biệt giữa Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS), Luật Thương mại 2005 (LTM) và Nghị định 37/2015/ND-CP (ND37).
 

Pháp luật điều chỉnh đối với hợp đồng xây dựng
 

Trước hết, hợp đồng xây dựng là một loại hợp đồng đặc thù thuộc lĩnh vực chuyên ngành, chịu sự điều chỉnh của Luật Xây dựng 2014 và các văn bản quy định chi tiết, trong đó có ND37. Tuy nhiên, cần lưu ý ND37 chỉ áp dụng đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước và vốn ODA (xem cụ thể tại điều 1 ND37). Nghị định này cũng khuyến khích các hợp đồng xây dựng thuộc các dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác áp dụng.
 

Bên cạnh đó, Luật Xây dựng định nghĩa “hợp đồng xây dựng là hợp đồng dân sự được thỏa thuận bằng văn bản giữa bên giao thầu và bên nhà thầu để thực hiện một phần hay toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng”. Do vậy, hợp đồng xây dựng cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của BLDS.
 

Tuy nhiên, hợp đồng xây dựng cũng có thể là hợp đồng thương mại và chịu sự điều chỉnh của LTM. Về lý thuyết, hợp đồng thương mại cũng là một loại hợp đồng dân sự, nhưng có hai đặc trưng: (i) ít nhất một bên tham gia là thương nhân và (ii) được giao kết nhằm mục đích sinh lợi. Nếu một hợp đồng xây dựng thỏa mã hai điều kiện nêu trên thì hợp đồng xây dựng đó là hợp đồng thương mại và chịu sự điều chỉnh của LTM.



 

Như vậy, một hợp đồng xây dựng có thể đồng thời là đối tượng điều chỉnh của BLDS, LTM và ND37. Cả ba văn bản pháp luật này đều có quy định về lãi suất tính tiền lãi chậm thanh toán và các mức lãi suất này là khác nhau. Cụ thể, BLDS cho phép các bên thỏa thuận về lãi suất tính tiền lãi chậm thanh toán nhưng không được vượt quá 20%/ năm, trường hợp không có thỏa thuận thì lãi suất được xác định là 10%/ năm. LTm quy định nếu không có thỏa thuận khác, tiền lãi chậm thanh toán được tính theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán. Về phần mình, NĐ37 sử dụng lãi suất quá hạn do ngân hàng thương mại nơi bên nhận thầu mở tài khoản thanh toán công bố tương ứng với các thời kỳ chậm thanh toán.
 

Với các quy định trên, các bên trong hợp đồng xây dựng hoặc cơ quan giải quyết tranh chấp gặp lúng túng trong việc xác định lãi suất được sử dụng làm căn cứ tính tiền lãi chậm thanh toán.
 

Các nguyên tắc áp dụng văn bản pháp luật
 

Để giải quyết xung đột giữa các văn bản pháp luật nêu trên, các nguyên tắc sau đây thường được áp dụng.
 

Nguyên tắc văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn: Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, trong trường hợp các văn bản pháp luật do các cơ quan khác nhau ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. Theo nguyên tắc này, BLDS và LTm sẽ được ưu tiên áp dụng so với NĐ37 khi giải quyết vấn đề lãi suất tính tiền lãi chậm thanh toán trong hợp đồn xây dựng.
 

Nguyên tắc văn bản ban hành sau: Trong trường hợp các văn bản pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản ban hành sau. BLDS và LTm đều là những đạo luật do Quốc hội ban hành và BLDS được ban hành sau LTM nên BLDS được ưu tiên áp dụng so với LTM.
 

Như vậy, áp dụng đồng thời hai nguyên tắc trên, khi xác định lãi suất tính tiềnlãi chậm thanh toán trong hợp đồng xây dựng, BLDS được ưu tiên áp dụng so với LTM và LTm được ưu tiên áp dung so với NĐ37.
 

Nguyên tắc luật chung – luật chuyên ngành: Luật chuyên ngành được ưu tiên áp dụng so với luật chung nếu quy định trong luật chuyên ngành không trái với các nguyên tắc cơ bản của luật chung. Ngoài ra, nếu một vấn đề không được quy định trong luật chuyên ngành mà có quy định trong luật chung thì luật chung được áp dụng để giải quyết.
 

BLDS là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự. LTM là luật chuyên ngành điều chỉnh các hoạt động thương mại. Hoạt động xây dựng là hoạt động thương mại đặc thù được quy định trong Luật Xây dựng, trong đó, hợp đồng xây dựng sử dụng vốn nhà nước và vốn ODA được quy định chi tiết tại NĐ37, BLDS và LTM chỉ đề cập đến quan hệ dân sự và thương mại đặc thù được quy định trong “luật khác”, nhưng không đề cập đến các quan hệ đặc thù được quy định trong văn bản dưới luật. Thực chất, hợp đồng xây dựng sử dụng vốn nhà nước và vốn ODA theo NĐ37 cũng là một loại hợp đồng theo Luật Xây dựng. Không thể phủ nhận NĐ37 là văn bản dưới luật nhưng là văn bản quy định chi tiết một đạo luật chuyên ngành, do đó, nếu hiểu theo nghĩa rộng, NĐ37 là một bộ phận hợp thành của Luật Xây dựng với tư cách là luật chuyên ngành, quy định về hoạt động thương mại đặc thù là hợp đồng xây dựng sử dụng vốn nhà nước và vốn ODA.
 

Với logic nêu trên thì NĐ37 được ưu tiên áp dụng so với LTm và LTM được ưu tiên áp dụng so với BLDS để xác định lãi suất tính tiền lãi chậm thanh toán trong hợp đồng xây dựng.
 

Áp dụng lãi suất nào ?

Trường hợp này, việc áp dụng các nguyên tắc khác nhau sẽ cho ra thứ tự áp dụng văn bản pháp luật khác nhau (như nêu trên). Theo người viết bài này, khi giữa các văn bản pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề, thì cần xem xét ưu tiên áp dụng nguyên tắc luật chung – luật chuyên ngành trước khi xem xét áp dụng nguyên tắc văn bản ban hành sau. Bởi lẽ, khi xây dựng pháp luật,  các nhà làm luật đã dự liệu những quy định có tính đặc thù của luật chuyên ngành so với quy định có tính nguyên tắc của luật chung, dù luật chuyên ngành được ban hành trước hay sau luật chung, và dự liệu đó là “có chủ đích một cách rõ rang”.
 

Chẳng hạn theo LTM, hoạt động thương mại đặc thù được quy định trong luật khác thì áp dụng luật đó, nếu không có luật khác điều chỉnh thì áp dụng LTM. Việc ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành điều chỉnh hoạt động thương mại đặc thù không phân biệt luật đó được ban hành trước hay sau LTM, BLDS cũng có quy định tương tự đối với luật chuyên ngành điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể.
 

Riêng NĐ37, như đã phân tích, có thể xem NĐ37 là một bộ phận hợp thành của của Luật Xây dựng, quy định một hoạt động thương mại đặc thù là hợp đồng xây dựng sử dụng vốn nhà nước và vốn ODA.
 

Như vậy, NĐ37 được ưu tiên áp dụng so với LTM, LTM được ưu tiên áp dụng so với BLDS khi giải quyết vấn đề lãi suất tính tiền lãi chậm thanh toán trong hợp đồng xây dựng. Tuy nhiên, phải lưu ý rằng mỗi văn bản chỉ được ưu tiên áp dụng đối với hợp đồng xây dựng thuộc đối tượng diều chỉnh của mình. Đối với hợp đồng xây dựng sử dụng vốn nhà nước và vốn ODA, quy định của NĐ37 được ưu tiên áp dụng so với LTM và BLDS. Đối với hợp đồng xây dựng là hợp đồng thương mại và không thuộc phạm vi điều chỉnh của NĐ37 thì LTM được ưu tiên áp dụng so với BLDS. Các trường hợp còn lại, tức hợp đồng xây dựng không sử dụng vốn nhà nước và vốn ODA, cũng đồng thời không phải là hợp đồng thương mại, thì lãi suất tính tiền lãi chậm thanh toán được xác định theo BLDS.

Tư vấn - Hỗ trợ

Tư vấn - Hỗ trợ

Điện thoại: 0909.140.866

Email: info@irrmanagement.com.vn