Logo

Chu kỳ bầu cử tổng thống Mỹ và chứng khoán Việt Nam

Chỉ số VN-Index đã có tới 4/5 lần tăng điểm trong năm diễn ra bầu cử tổng thống Mỹ. Ảnh: LÊ VŨ

Bầu cử tổng thống Mỹ và hiệu suất thị trường

Lý thuyết chu kỳ bầu cử tổng thống Mỹ dựa trên hiệu suất quá khứ của thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ cho thấy TTCK Mỹ thường có xu hướng suy yếu nhất trong năm ngay sau cuộc bầu cử tổng thống mới, phục hồi vào năm thứ 2, đạt đỉnh vào năm thứ 3 và điều chỉnh vào năm thứ 4 – năm cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống. Sau đó, chu kỳ bắt đầu lại với cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo.

Thực tế, theo số liệu, hiệu suất của S&P500 trong 27 tháng trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ mang đến nhiều lợi nhuận hơn so với 21 tháng sau bầu cử. Trong nhiệm kỳ bốn năm của ông chủ Nhà Trắng, TTCK Mỹ, đại diện là S&P500, trung bình sẽ đạt hiệu suất tốt nhất vào năm thứ 3. Với các năm còn lại, trung bình hiệu suất giảm dần theo thứ tự là năm thứ 4, 2 và 1.

Lý giải về xu thế này, có thể hiểu rằng các chính sách của vị tổng thống mới đắc cử cần phải có thời gian phát huy hiệu quả và do đó thường rơi vào năm thứ 3. Dù vậy, giới đầu tư cũng tin rằng để tạo lợi thế cho kỳ tranh cử kế tiếp, các tổng thống đương nhiệm vào hai năm cuối nhiệm kỳ thường có xu hướng thực thi các chính sách kích thích kinh tế và thúc đẩy TTCK – vốn thu hút sự quan tâm của công chúng, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của cử tri.

Với năm diễn ra cuộc bầu cử, quan sát cho thấy dù biến động có thể gia tăng trước ngày bầu cử, kịch bản tăng giá trên TTCK Mỹ vẫn chiếm ưu thế áp đảo trong năm diễn ra bầu cử Tổng thống Mỹ. Theo thống kê, từ năm 1928-2020, có 20/24 lần S&P500 tăng điểm trong năm bầu cử. Chỉ duy nhất năm 2008, là năm xảy ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu, S&P 500 sụt giảm mạnh khoảng 37%, còn lại ba lần sụt giảm khác đều không quá 10%.

Trong kỳ bầu cử năm nay, hai ứng cử viên là tổng thống đương nhiệm Joe Biden của đảng Dân chủ và cựu Tổng thống Donald Trump thuộc đảng Cộng hòa vẫn đang có nhiều lợi thế hơn hết. Về chính sách, đảng Dân chủ thường ưu tiên tăng thuế như là cách phân phối lại thu nhập và tăng cường các chính sách an sinh xã hội, ngược lại đảng Cộng hòa nỗ lực giảm thuế để kích thích kinh tế và thúc đẩy thị trường lao động. Dù vậy, dữ liệu thống kê cho thấy thị trường có xu hướng đi lên cho dù đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa vào Nhà Trắng, dù mức tăng trưởng dưới thời đảng Dân chủ có xu hướng cao hơn kể từ năm 1900 đến nay.

Tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích cũng cho rằng thực tế việc bầu cử Tổng thống không có nhiều ảnh hưởng đến nền kinh tế như nhiều người vẫn nghĩ. Có nhiều yếu tố thúc đẩy nền kinh tế và TTCK, dù vị tổng thống nào ở trong Nhà Trắng cũng chỉ là một trong nhiều yếu tố đó. Ngoài ra, ngay cả khi hai biến có sự tương quan – trong trường hợp này là chu kỳ bầu cử và hiệu suất thị trường, điều đó không có nghĩa là quan hệ nhân quả có thể xảy ra, vì sự tăng trưởng của thị trường có thể không phải do bất kỳ tác động quan trọng nào đến từ người đứng đầu Nhà Trắng.

Chứng khoán Việt Nam có chịu ảnh hưởng?

Thống kê cho thấy, tại Việt Nam, có tới 4/5 lần chỉ số VN-Index tăng điểm trong năm diễn ra bầu cử tổng thống Mỹ, với hiệu suất trung bình trong bốn lần tăng đạt tới 24%, khi xu hướng đi lên của TTCK Mỹ trong giai đoạn này cũng góp phần hỗ trợ tích cực cho tâm lý nhà đầu tư trong nước. Dựa trên số liệu lịch sử, dễ hiểu vì sao nhiều nhà đầu tư kỳ vọng về kịch bản tăng điểm cho cả TTCK Mỹ và Việt Nam trong năm 2024 này.

VN-Index trong năm 2023 phục hồi hơn 12%, nhưng vẫn còn cách khá xa so với đỉnh cũ ở 1.500 điểm, do đó dư địa đi lên vẫn còn khá rộng mở. Nhiều dự báo cho rằng VN-Index có thể lên lại vùng 1.300-1.350 điểm trong năm 2024 và sẽ tiếp tục duy trì xu hướng đi lên tích cực, trong bối cảnh kinh tế phục hồi khả quan hơn, chứ không đơn thuần chịu ảnh hưởng bởi câu chuyện bầu cử tổng thống Mỹ.

Nhưng cũng cần lưu ý rằng TTCK Mỹ đã tăng khá mạnh trong năm 2023 vừa qua, với chỉ số Dow Jones tăng hơn 13,7%, chỉ số S&P 500 tăng gần 25% và chỉ số Nasdaq tăng hơn 44%. Với màn trình diễn chói sáng như trên, TTCK Mỹ năm 2024 đang đứng trước rủi ro điều chỉnh nhiều hơn, khi mà các thông tin về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất rõ ràng đã phản ánh vào đà tăng điểm vừa qua của TTCK nước này.

Đối với TTCK Việt Nam, chỉ số VN-Index trong năm 2023 vừa qua phục hồi hơn 12%, nhưng vẫn còn cách khá xa so với đỉnh cũ ở 1.500 điểm, do đó dư địa đi lên vẫn còn khá rộng mở. Nhiều dự báo cho rằng VN-Index có thể lên lại vùng 1.300-1.350 điểm trong năm 2024 này và sẽ tiếp tục duy trì xu hướng đi lên tích cực, trong bối cảnh kinh tế phục hồi khả quan hơn, chứ không đơn thuần chịu ảnh hưởng bởi câu chuyện bầu cử tổng thống Mỹ.

Ngoài ra, sau khi bán ròng đến 1 tỉ đô la Mỹ trên TTCK Việt Nam trong năm 2023 vừa qua, dòng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài có thể quay lại mua ròng, khi lãi suất thấp hơn tại các nước phát triển sẽ kích thích các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm cơ hội tăng trưởng từ những thị trường mới nổi và đang phát triển như Việt Nam, cũng như kỳ vọng nâng hạng thị trường vẫn là yếu tố thu hút dòng tiền đầu tư.

Một trong những điều nhà đầu tư kỳ vọng nhất cho năm 2024 là Việt Nam lọt vào rổ xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi. Hệ thống KRX sẽ triển khai trong năm 2024 cũng giúp thỏa các yêu cầu về định lượng. Do đó, nhà đầu tư có cơ sở để tin rằng năm 2024 là năm bản lề cho việc đáp ứng các tiêu chí để Việt Nam chính thức nâng hạng vào cuối năm 2025.

Quyết định 1726/QĐ-TTg ngày 29-12-2023 phê duyệt Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 được ban hành mới đây cho thấy, Chính phủ đặt mục tiêu đạt chín triệu tài khoản chứng khoán và nâng hạng lên thị trường mới nổi trong năm 2025, trong đó tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.

Điều quan trọng là lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong năm 2024 này. Theo dự báo của Công ty Chứng khoán MBS, lợi nhuận ròng thị trường sẽ tăng 16,8%, phần lớn là nhờ sự phục hồi của các ngành ngân hàng, vật liệu xây dựng, bán lẻ và tiêu dùng. Điểm rơi lợi nhuận của thị trường chủ yếu vào hai quí cuối của năm 2024, chủ yếu là do nền thấp trong cùng kỳ năm 2023.

Còn tại báo cáo triển vọng 2024, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, mặt bằng lãi suất thấp tiếp tục là yếu tố chính hỗ trợ cho mức định giá của thị trường trong năm 2024. Về dài hạn, VCBS kỳ vọng, Việt Nam sẽ là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế trong khu vực giai đoạn hậu đại dịch Covid-19 và tiếp tục duy trì sức hút lớn đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài, cả trực tiếp (FDI) và gián tiếp (FII). VCBS dự báo, chỉ số VN-Index có thể đạt đỉnh tại vùng 1.300 điểm trong năm 2024.

Theo Triều Dương - Báo Kinh tế Sài Gòn

Tư vấn - Hỗ trợ

Tư vấn - Hỗ trợ

Điện thoại: 0909.140.866

Email: info@irrmanagement.com.vn