Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) vừa ký thỏa thuận hợp tác với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thúc đẩy triển khai Đề án 06 và phục vụ quá trình chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, C06 cho biết quá trình phối hợp với bưu điện, Bộ Công an đang tham mưu giải pháp minh bạch thị trường bất động sản thông qua kế hoạch định danh số nhà.
Về quy trình định danh số nhà, Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh – giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư cho hay hiện Bộ Xây dựng cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường là hai cơ quan quản lý nhà nước chủ trì việc xây dựng dữ liệu về số nhà, nhà ở.
Mục tiêu là đánh số cụ thể đến từng ngôi nhà, từng căn hộ hay thửa đất theo quy luật thống nhất. Từ quy luật đó, Bộ Công an thu thập cơ sở dữ liệu về số nhà, cộng với thông tin thu thập từ Ủy ban nhân dân các cấp, trên nguyên tắc chuẩn hóa số liệu để định danh số nhà(1).
Có dữ liệu này, ngoài lợi ích mang lại là các đơn vị như bưu điện, chuyển phát nhanh sẽ dễ dàng khai thác thông tin khi giao hàng thì chúng tôi cho rằng hệ thống dữ liệu này còn có thể được khai thác, phát huy tối đa hiệu quả dưới những khía cạnh khác như hoạt động quản lý thuế, hoạt động xác minh thi hành án dân sự, hoạt động quản lý thị trường bất động sản, hoạt động phòng chống tội phạm “rửa tiền”, minh bạch tài sản của cán bộ công chức và người thân khi kê khai tài sản biến động mỗi năm.
Công cụ hỗ trợ cơ quan quản lý thuế
Định danh số nhà, số căn hộ sẽ giúp minh bạch được mỗi cá nhân đang có bao nhiêu bất động sản (địa chỉ nhà ở, số căn hộ), từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của cơ quan quản lý thuế khi xác định nghĩa vụ về thuế đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản.
Việc định danh số nhà, căn hộ, minh bạch thông tin về số lượng bất động sản của mỗi cá nhân và xây dựng một hệ thống dữ liệu thông tin hoàn chỉnh, toàn diện, chính xác sẽ là công cụ hiệu quả hỗ trợ cho các cơ quan quản lý thuế trong nhiệm vụ chống thất thu nguồn ngân sách nhà nước từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản.
Xác minh tài sản thi hành án dân sự
Hệ thống dữ liệu về số lượng tài sản là bất động sản của mỗi cá nhân sẽ có ý nghĩa quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho chấp hành viên trong quá trình xác minh điều kiện thi hành án đối với trường hợp cá nhân đó đang là người phải thi hành bản án, quyết định của cơ quan tài phán.
Quá trình xác minh điều kiện của người phải thi hành án là quá trình khó khăn, tốn nhiều thời gian trong giai đoạn thi hành án khi chưa có một hệ thống dữ liệu về tài sản của người phải thi hành án.
Đặc biệt, hệ thống dữ liệu này sẽ rất có ý nghĩa đối với việc thi hành các bản án tín chấp của các tổ chức tín dụng khi số lượng bản án cần phải thi hành chiếm tỷ trọng cao nhưng thời gian xác minh tài sản của người phải thi hành án lại là một trong những yếu tố cản trở, gây khó khăn, kéo dài cho hoạt động thu hồi khoản nợ của các tổ chức tín dụng.
Hạn chế rửa tiền qua bất động sản
Khi minh bạch về số lượng bất động sản mỗi cá nhân đang đứng tên, “tiền không minh bạch” sẽ khó khăn hơn khi tiếp tục tìm nơi “trú ngụ” là bất động sản, góp phần hạn chế tình trạng “đầu cơ” bất động sản nhằm mục đích rửa tiền dẫn đến tình trạng bất động sản tăng giá không đúng với giá trị thật của bất động sản dẫn đến tình trạng người có nhu cầu nhà ở khó tiếp cận với cơ hội sở hữu nhà ở(2).
Để thực hiện đánh thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều nhà ở, đầu cơ đất, bỏ hoang đất thì hệ thống dữ liệu từ định danh số nhà, căn hộ sẽ là nền tảng dữ liệu, thông tin cần thiết để triển khai trên thực tế khi xác định chính xác số lượng bất động sản mỗi cá nhân đang có, tiến tới ngăn chặn tình trạng “đầu cơ” bất động sản, đưa bất động sản về với giá trị thực, tạo điều kiện để người dân sở hữu nhà ở dễ dàng hơn, đất đai sẽ được khai thác hiệu quả hơn.
Cần làm gì để dữ liệu định danh số nhà phát huy hiệu quả?
Từ những lợi ích và ứng dụng thực tiễn như phân tích bên trên, khi xây dựng được hệ thống dữ liệu hoàn chỉnh, toàn diện, chính xác qua hoạt động tiến hành định danh số nhà và căn hộ, để hệ thống dữ liệu này phát huy tối đa lợi ích, cần phải liên tục cập nhật biến động về thông tin, dữ liệu liên quan đến bất động sản, cá nhân đứng tên trên bất động sản.
Ở góc nhìn chủ quan của người viết, ngoài sự phối hợp với thông tin do cơ quan quản lý về đất đai, nhà ở cung cấp, Bộ Công an cần phối hợp với cơ quan quản lý hành chính nhà nước, cơ quan tư pháp… trong những trường hợp thay đổi quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định hoặc bản án của tòa án, quyết định của cơ quan thi hành án. Vì không phải trong mọi trường hợp, ngay khi quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật thì người có quyền, lợi ích hợp pháp đối với bất động sản đều thực hiện ngay thủ tục kê khai, đăng ký, cập nhật biến động về người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở.
Bên cạnh đó vấn đề bảo mật thông tin cũng vô cùng quan trọng để đảm bảo quyền được bảo vệ về nhân thân, tài sản của công dân, cơ quan quản lý cần xây dựng các quy trình bảo mật, chế độ cung cấp thông tin, chế tài trong việc làm thất thoát, rò rỉ dữ liệu của công dân.
Cùng với đó, việc xây dựng quy trình phối hợp giữa các bộ, ngành cơ quan liên quan là hết sức cần thiết để đảm bảo thông tin được cập nhật kịp thời, chính xác, hạn chế việc người có tài sản cố tình che giấu thông tin.
——————————
Theo Ths. Dương Thị Chiến – Ls. Nguyễn Thị Hoàn (Công ty Luật TNHH CNC Việt Nam) - Báo Kinh tế Sài Gòn
(1) https://tuoitre.vn/bo-cong-an-se-dinh-danh-so-nha-de-minh-bach-thi-truong-bat-dong-san-20231022093757147.htm, truy cập 21h ngày 26-10-2023
(2) https://cand.com.vn/dia-oc/Rua-tien-qua-bat-dong-san-chong-bang-cach-nao-i529371/, truy cập ngày 27-10-2023
Điện thoại: 0909.140.866
Email: info@irrmanagement.com.vn