Logo

ĐIỀN TRANG JEAN MOREAU

Một góc bãi biển nhìn từ Zannier Hotel, nơi từng là điền trang Jean Moreau

Ảnh: TRẦN THANH TÙNG 

 

Khi Jean Moreau Dương Bá Lộc nghỉ hưu chúng tôi làm một bộ phim tài liệu về ông với tựa đề cùng tên ông. Khi đưa ông từ Nha Trang, Khánh Hòa về Sông Cầu, Phú Yên, nơi ông cất tiếng khóc chào đời, có hai bối cảnh quay quan trọng: ông thắp hương mộ phần thân phụ, thân mẫu mình ở phía Bắc thị xã Sông Cầu và thăm lại điền trang gia đình ông ở xã Xuân Cảnh. Hồi đó chưa có cầu bê tông, phải đi đò, rồi mượn xe máy rồi chở ông qua chiếc cầu gỗ, để leo lên ngọn núi là “bức tường” giữa đầm Cù Mông và biển cả. Dừng lại trên đỉnh núi, vì ông không thể đi hơn được nữa, ông chỉ tay về ngôi nhà còn lại nền móng, mấy bức tường đá, ông nói đó chính là điền trang của cha mẹ mình.

Và điều tôi thầm nghĩ khi nghe ông nói lúc đó, không lâu sau đó đã thành hiện thực: nơi đây trở thành khu nghỉ dưỡng Bãi Tràm và bây giờ là Zannier nổi tiếng của các tập đoàn du lịch nước ngoài…

 

Dương Bá Lộc là người mang hai dòng máu Pháp – Ý, sinh ra ở Phú Yên năm 1925. Cha ông là người Pháp, một viên chức hải quan Pháp làm việc ở Sông Cầu, bấy giờ là tỉnh lỵ Phú Yên, những năm 30 của thế kỷ trước. Mẹ ông là người Ý lai Việt Nam.

Dương Bá Lộc sống ở  làng biển Phú Yên từ nhỏ, nên có lẽ là người Tây sớm ăn được mắm nêm, nước mắm… và những nón yêu thích thuở thiếu thời đó theo ông mãi đến những năm cuối đời. Lớn lên ông học trung học ở Huế. Tháng 3-1945, Nhật đảo chính,  Dương Bá Lộc nhập quốc tịch Việt Nam, và lấy tên Việt này. Rồi ông tham gia Cách Mạng Tháng Tám, khởi nghĩa dành chính quyền ở xã Xuân Cảnh, Huyện Đồng Xuân-nay là thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Sau đó ông gia nhập quân đội Nhân Dân Việt Nam, được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Việt Nam năm 1947.

Gắn bó với những thăng trầm của cách mạng Việt Nam, ông cũng trải qua rất nhiều cương vị, lĩnh vực công tác: hoạt động tình báo trong thành phố Nha Trang bị quân Pháp chiến đóng, làm quân báo ở chiến trường Tây Nguyên trong kháng chiến chống thực dân Pháp, làm công tác chính trị, giảng dạy văn hóa trong quân đội… Dù ở cương vị nào, trong nhiều hoàn cảnh rất khó khăn, nguy hiểm, ông điều hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và quân đội giao. Sau đó ông được tập kết ra miền Bắc, vừa tiếp tục công tác trong quân đội, vừa tham gia đóng phim với các vai đại úy Pháp, đại tá và thiếu tướng Mỹ trong các bộ phim: hai người mẹ, rừng xà nu, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, chỉ một người còn sống… Khi ở tuổi 75 ông còn đóng vai bác sĩ Huy-be trong bộ phim những đứa con thành phố. Sau năm 1975, ông là giảng viên bộ môn chính trị, Mác-Lê Nin ở trường Đảng Khánh Hòa, trường cao đẳng sư phạm Nha Trang…

Điều đáng nói là năm 1989, ông về Pháp thăm bà con sống ở thủ đô Pari, nhiều người dân đã khuyên ông nên trở lại Pháp, nhưng ông đã từ chối. Thậm chí, một vị đại sứ Pháp ở Hà Nội muốn giúp ông nhập lại quốc tịch Pháp, nhưng ông cũng từ chối, chỉ muốn sống ở Nha Trang, Việt Nam như quê hương thứ hai của mình. Cả cuộc đời gắn bó với cách mạng Việt Nam, khi về hưu ông còn nhiệt thành làm Đảng ủy Phường, Ủy viên Ủy ban mặt trận tổ quốc tỉnh, Trưởng ban công tác Việt Kiều tỉnh Khánh Hòa, phó chủ tịch hội Pháp ngữ Nha Trang…

Ghi nhận những cống hiến của ông cho Cách Mạng Việt Nam, Đảng và nhà nước đã trao tặng nhiều phần thưởng cao quí như huân chương chiến công hạng nhất, huân chương chiến sĩ vẻ vang, huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, huy chương vì sự nghiệp đại đoàn kết, huy chương vì sự nghiệp giáo dục…

Đêm 19-4-2004, ông về cõi vĩnh hằng sau một cơn đau tim tại thành phố biển Nha Trang trước niềm tiếc thương vô hạn của bạn bè, đồng bào, đồng chí…

Cái điền trang của cha mẹ ông giờ là một khu nghỉ dưỡng cao cấp, hình dáng ngôi nhà giữa điền trang vẫn còn đó, những thửa ruộng in dấu chân người xưa vẫn được đơn vị kinh doanh du lịch cày cấy, trồng lúa sinh thái để lấy gạo cho bữa ăn hàng ngày của du khách…

Chắc dưới suối vàng, Jean Moreau Dương Bá Lộc cùng cha mẹ mình vui lắm, vì điền trang của họ vẫn còn đó, được tôn tạo khang trang hơn, xe điện đưa du khách đi mọi ngõ ngách… Nhưng nếu có một bảng tóm tắt về lịch sử của cái điền trang này, chắc chắn là nó sẽ hấp dẫn mọi người hơn bên cạnh một vịnh đẹp, bãi cát trắng xóa, rừng cây xanh bạt ngàn rì rào suốt đêm ngày như kể lại câu chuyện khai hoang, lập điền trang của đôi vợ chồng Pháp-Ý từ những năm 30 của thế kỷ trước.

Theo Báo Kinh Tế Sài Gòn

 

Tư vấn - Hỗ trợ

Tư vấn - Hỗ trợ

Điện thoại: 0909.140.866

Email: info@irrmanagement.com.vn