Logo

Đất thương mại dịch vụ, cần cụ thể trong luật

Với lượng du khách được dự báo có xu hướng tăng trong tương lai, Việt Nam cần có những định hướng, chính sách phát triển hạ tầng du lịch phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững, trở thành điểm tựa cho tăng trưởng của ngành du lịch.

Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đã nhấn mạnh cần tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch; khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược đầu tư hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao tại các địa bàn trọng điểm…

Muốn vậy, để phát triển cơ sở hạ tầng du lịch cần những điều kiện thuận lợi trong sử dụng đất thương mại, dịch vụ. Về sở hữu, đất thương mại, dịch vụ là đất thuê nên mãi mãi là đất công. Hết vòng đời dự án, Nhà nước thu hồi để giao dự án mới hoặc xem xét gia hạn. Về tiền thuê đất, Nhà nước sẽ có nguồn thu ổn định, lâu dài và có xu hướng tăng thêm từ việc thu tiền thuê đất thương mại, dịch vụ do giá đất tăng nhờ hạ tầng ngày càng được hoàn thiện.

Về Thuế Giá trị gia tăng, Thuế Thu nhập doanh nghiệp và Thuế Thu nhập cá nhân, bất động sản trên đất thương mại, dịch vụ được đưa vào vận hành kinh doanh tạo ra doanh thu thường xuyên, mang lại các loại thuế này nhiều hơn…

Có thể nói, trong các loại đất, đất ở và đất sản xuất kinh doanh, đất thương mại, dịch vụ mang lại lợi ích rất lớn xét dưới góc độ kinh tế, xã hội. Nếu đất ở mang đến lợi ích thiên về xã hội, thì đất thương mại, dịch vụ mang lại cả lợi ích kinh tế và xã hội, có sức lan tỏa, ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế. Do vậy việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất thương mại, dịch vụ cần cách tiếp cận và sự quan tâm như đối với đất ở.

Thực tế ở nước ta từ trước đến nay, đất ở được chú trọng và có hệ thống chính sách, pháp luật tương đối hoàn thiện, trong khi đất thương mại, dịch vụ thiếu những quy định cụ thể, phù hợp, nên một số địa phương vận dụng theo chiều hướng áp dụng cơ chế đất ở đối với đất thương mại, dịch vụ để thu hút đầu tư. Điều này ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của cả chủ đầu tư dự án, nhà đầu tư, thậm chí gây khiếu nại, tranh chấp và có nguy cơ gây bất ổn xã hội nếu không được giải quyết kịp thời.

Trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, các quy định về đất sản xuất kinh doanh, trong đó có đất thương mại, dịch vụ, được đề cập rất mờ nhạt. Cụ thể, chưa có quy định rõ ràng về việc người nước ngoài mua bất động sản trên đất thương mại, dịch vụ để thu hút đầu tư nước ngoài và hỗ trợ phát triển ngành kinh tế mũi nhọn du lịch.

Chưa có quy hoạch cơ sở lưu trú du lịch, nên mạnh tỉnh thành nào tỉnh thành đó làm, dẫn đến chỗ thừa (như Phú Quốc, Kiên Giang), chỗ thiếu (như Cà Mau). Vì vậy nhà đầu tư không có căn cứ để phân kỳ đầu tư cho từng tỉnh, thành phố, từng khu vực trọng điểm du lịch, gây lãng phí nguồn lực đầu tư xã hội…

Như vậy, vai trò của đất thương mại, dịch vụ cần được cụ thể hóa trong Luật Đất đai sửa đổi lần này. Thí dụ, Chính phủ có chính sách và các biện pháp hữu hiệu khuyến khích người nước ngoài mua bất động sản trên đất thương mại, dịch vụ để thu hút các nguồn vốn đầu tư thứ cấp vào các dự án condotel, vừa để tăng nguồn khách du lịch quốc tế có mức chi tiêu cao.

Luật Đất đai cũng cần xây dựng quy hoạch cơ sở lưu trú du lịch tổng thể cả nước, cũng như quy hoạch cơ sở lưu trú du lịch từng tỉnh (có thể tích hợp trong quy hoạch chung của tỉnh).

Tóm lại, để tạo đất cho du lịch, Luật Đất đai sửa đổi cần có quy định cụ thể về đất du lịch theo hướng bổ sung các dự án du lịch lớn như khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng, các dự án nhà ở/khu đô thị kết hợp với du lịch, thương mại dịch vào diện Nhà nước thu hồi đất. Đồng thời hoàn thiện cơ chế, khuôn khổ pháp lý việc cho thuê, chuyển nhượng quyền sử dụng đất thương mại và dịch vụ để phát triển du lịch.

Theo Hoàng Nhân Chính, Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam - Báo Sài Gòn giải phóng - Đầu tư tài chính

Tư vấn - Hỗ trợ

Tư vấn - Hỗ trợ

Điện thoại: 0909.140.866

Email: info@irrmanagement.com.vn