Lợi suất trái phiếu tăng, giá cổ phiếu giảm
Từ đầu năm 2021, lợi suất trái phiếu 10 năm của Mỹ đã không ngừng tăng với độ dốc ngày càng “dựng đứng”. Lợi suất này cho đến ngày 19-2 đã vượt mức 1,3% và đang trên đà tiến về mốc 1,5%.
Nhiều người dự đoán, trong năm nay lợi suất này sẽ quay lại mốc 1,8% trước khi dịch Covid-19 diễn ra. Điều này làm dấy lên nỗi lo ngại trên thị trường là lãi suất trong nền kinh tế sẽ từng bước tăng trở lại và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ không tiếp tục bơm thanh khoản mạnh để hỗ trợ nền kinh tế nữa.
Vì sao như vậy? Trước tiên, lợi suất trái phiếu Mỹ 10 năm là một trong những mức lãi suất các ngân hàng và công ty tài chính tham khảo để đưa ra lãi suất cho vay, bao gồm mua nhà. Đây cũng là mức lãi suất được tham khảo cho một số khoản vay ký quỹ của thị trường tài chính.
Nói nôm na, khi lợi suất này tăng lên, đặc biệt tăng nhanh, lãi suất mua nhà và cho vay ký quỹ cũng sẽ được điều chỉnh nhanh theo. Điều này tạo áp lực điều chỉnh danh mục đầu tư của một số quỹ. Bởi khi chi phí vay ký quỹ tăng nhanh, danh mục cổ phiếu sẽ gặp rủi ro, nhất là nếu nó được tài trợ bằng vay nợ lớn.
Ngoài ra, việc lợi suất trái phiếu tăng cũng tạo áp lực tái cơ cấu danh mục theo hướng chuyển sang nâng tỷ trọng trái phiếu, giảm tỷ trọng cổ phiếu. Nhiều cổ phiếu Mỹ thuộc loại có giá ít biến động, nhưng trả cổ tức cao được hưởng lợi khi lợi suất trái phiếu 10 năm chỉ 0,6% còn tỷ suất cổ tức trên 1,5%.
Ở thời điểm quý III năm ngoái, nhiều quỹ đầu tư phải “cắn răng” đổi tôn chỉ đầu tư, tăng tỷ trọng cổ phiếu vì trái phiếu tạo ra lợi suất quá thấp. Nay khi trái phiếu có lợi suất 1,5%, áp lực chạy sang mua cổ phiếu rủi ro cao hơn để hưởng cổ tức cao đã không còn, một số quỹ sẽ quay lại mua trái phiếu.
Yếu tố quan trọng nhất của đợt tăng lợi suất trái phiếu này là tâm lý. Nhà đầu tư mua vào cổ phiếu liên tục chiến thắng từ tháng 3-2020 với khẩu hiệu “tiền nhiều quá, lãi suất quá thấp, không mua cổ phiếu thì biết làm gì”. Nay khẩu hiệu đó đã bớt hiệu quả khi lợi suất trái phiếu đã tăng trở lại, đặc biệt tăng quá nhanh so với dự đoán.
Nhiều nhà quản lý quỹ dự đoán lãi suất dài hạn của nền kinh tế có thể trở lại 1,5%, thậm chí 2% đến cuối năm 2021. Vậy nhưng lợi suất trái phiếu lại tăng một mạch từ 0,8% lên 1,3% chỉ trong hơn 1 tháng.
Yếu tố tâm lý của thị trường vì vậy đột ngột xấu đi vì nhiều nhà đầu tư không ngờ họ phải đối mặt với lợi suất 1,3% nhanh như vậy. Nếu tiếp tục, nó có thể tác động xấu đến cổ phiếu, đặc biệt những cổ phiếu công nghệ đã tăng 100-200% từ tháng 3-2020. Thị trường đang cần lý do để điều chỉnh lại với mức định giá quá cao của cổ phiếu công nghệ và cú hích tâm lý này đến vừa đúng lúc.
Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi các cổ phiếu công nghệ lớn như Apple, Microsoft, Google, Facebook và Netflix là nhóm giảm không ít trong tuần vừa rồi. Và người ta gọi đây là sự xoay chuyển của dòng vốn sang các cổ phiếu giá trị và cổ phiếu theo chu kỳ.
Nỗi lo lạm phát trở lại
Sự xoay tua dòng tiền từ cổ phiếu công nghệ chạy sang cổ phiếu hưởng lợi từ mở cửa kinh tế, khi cổ phiếu công nghệ lớn có thể giảm 10-15% là sự điều chỉnh cần thiết. Điều nhiều người lo sợ là sự gia tăng lợi suất này hàm ý các nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu đang dự báo lạm phát sẽ gia tăng nhanh hơn dự đoán nên đã điều chỉnh lợi suất trái phiếu (thông qua việc bán trái phiếu) để tính đến việc phần bù lạm phát đang gia tăng.
Điều này chỉ là kỳ vọng của thị trường, nhưng nó có lý lẽ khi gói kích thích mới của Mỹ dự kiến mang lại nhiều tác động thúc đẩy nhu cầu của nền kinh tế mạnh lên. Người ta cũng chỉ ra rằng đang có sự phục hồi trong giá thương phẩm, bao gồm dầu thô và kim loại phục vụ sản xuất công nghiệp.
Vậy lạm phát có gì đáng sợ? Không phải nó chỉ phản ánh là nền kinh tế quay lại trạng thái bình thường? Đúng, nhưng nó có thể trói tay các ngân hàng trung ương (NHTW) trong việc bơm tiền ra tiếp tục để hỗ trợ thị trường tài chính.
Bởi lẽ, bản thân thị trường cổ phiếu nhiều nước tăng giá mạnh do thanh khoản bơm ra không ngừng để ổn định thị trường, đến mức lợi suất của một trái phiếu đầy rủi ro, thuộc loại trái phiếu rác cũng đang có mức lợi suất gần như là lợi suất phi rủi ro của vài năm trước.
Điều bất thường như vậy diễn ra nhờ vào việc các NHTW giữ lãi suất rất thấp (thậm chí âm ở châu Âu) và không ngừng mua vào trái phiếu, bơm thanh khoản ra thị trường.
Nếu lạm phát tăng nhanh, các NHTW sẽ gặp tình thế lưỡng nan. Họ không thể vừa bơm tiền hỗ trợ thị trường tài chính và nền kinh tế, vừa chống lạm phát được. Thế lưỡng nan chính sách này sẽ sớm xuất hiện nếu lạm phát tăng quá mục tiêu của Fed là 2%. Điều này đáng ngại nếu Fed thật sự dừng mua trái phiếu, đẩy lợi suất trái phiếu càng tăng mạnh hơn còn cổ phiếu rớt giá mạnh.
Liệu Fed sẽ gây bất ngờ và lạm phát sẽ tăng? Hồi tháng 12-2020, Chủ tịch Powell đã hứa sẽ thông báo trước cho thị trường đủ thời gian để chuẩn bị việc Fed dừng mua trái phiếu. Ông cũng cho rằng nền kinh tế cần được tiếp tục hỗ trợ, nên quá sớm để bàn việc dừng mua trái phiếu trong cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 1.
Thế nhưng, những con số khả quan về kinh tế như doanh số bán lẻ, chỉ số giá thương phẩm và dấu hiệu khởi sắc của nền kinh tế Mỹ qua việc điều chỉnh dự báo GDP quý I-2021 theo hướng tăng lên, có làm Powell thay đổi quan điểm?
Thị trường sẽ vẫn chú ý tới các động thái của Fed, bao gồm cuộc điều trần tại thượng viện Mỹ vào ngày 23-2 tới để cố gắng giải mã phản ứng chính sách tiền tệ sắp tới. Nhiều khả năng sẽ khó có sự giảm giá mạnh vì nền kinh tế chỉ đang bắt đầu phát ra những tín hiệu hồi phục, nhiều tín hiệu lạc quan còn đang ở phía trước.
Nhưng với những cổ phiếu hưởng lợi từ xu thế làm việc tại nhà có giá quá cao, một đợt điều chỉnh cũng là cần thiết. Lợi suất trái phiếu, lạm phát, hay phát biểu của Fed chỉ là tác nhân kích thích.
Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Anh - Báo Sài Gòn giải phóng - Đầu tư tài chính
Điện thoại: 0909.140.866
Email: info@irrmanagement.com.vn