Logo

Kinh tế thế giới sau đại dịch

Tác động lên kinh tế lớn hơn mọi kịch bản

 

Theo tờ Economist, thiệt hại có thể đo đếm được ngay chính là con số hơn 500 triệu việc làm toàn thời gian đột ngột biến mất do các biện pháp giãn cách xã hội, đóng cửa kinh tế để đối phó với dịch bệnh từ đầu năm đến nay. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), dịch Covid-19 có thể lấy mất đến 8% GDP của toàn thế giới trong năm nay, tức thay vì tăng trưởng chừng 3% như mọi năm, tổng sản lượng toàn cầu có thể giảm đến 5%, mức sụt giảm lớn nhất kể từ Thế chiến thứ hai. Để tiện so sánh, nên nhớ khủng hoảng tài chính năm 2009 chỉ làm GDP thế giới giảm 0,1%!

 

Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng đại dịch Covid-19 đã đẩy 89 triệu người vào chỗ nghèo đói cùng cực; việc đóng cửa trường học kéo dài sẽ có hậu quả đến tận nhiều thập niên sau; cách ly vì dịch bệnh cũng tác động đến sức khỏe tâm thần – hơn 10% người Mỹ nói họ có y định tự tử. Tác động của dịch bệnh lên kinh tế lẽ ra còn lớn hơn nhiều nếu chính phủ các nước không có những biện pháp giải cứu chưa từng thấy. Tại châu Âu, 5 nước lớn nhất đã trả lương cho hơn 40 triệu công nhân phải ngưng việc. Mỹ tăng quyền lợi bảo heierm thất nghiệp lên cao đến mức hai phần ba người nhận trợ cấp thất nghiệp có thu nhập còn cao hơn lương cũ.

 

Cái giả phải trả không hề nhỏ: nợ công các nước tăng vọt, cũng theo dự báo của IMF, tỷ lệ nợ công trên GDP của các nước giàu sẽ tăng từ 105% năm 2019 lên 132% vào năm 2021. Bảng cân đối tài chính của các ngân hàng trung ương phình to ra khi họ “in” hàng ngàn tỉ đô la để mua trái phiếu chính phủ.

 

Tuy nhiên, theo Economist, tác động lớn nhất của đại dịch là thúc đẩy những xu hướng đã manh nha trong nhiều lĩnh vực, từ thương mại, công nghệ đến tài chính và chính sách kinh tế vĩ mô. Theo phân tích của tờ báo này, ba dòng chảy kinh tế lớn nhất của thế kỷ 21 trước dịch là vai trò của Trung Quốc trong hệ thống giao thương thế giới, cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và sự trỗi dậy của nền kinh tế số. Trung Quốc đóng vai trò làm công xưởng sản xuất cho toàn cầu, hàng hóa giá rẻ chảy từ Đông sang Tây, vốn tài chính lại chảy từ Tây sang Đông; hệ quả là lạm phát giảm, lãi suất cũng giảm và các nước giàu đánh mất thị trường lao động trong các ngành chế tạo. Cuộc khủng hoảng tài chính làm mức cầu giảm sut, càng làm lãi suất giảm mạnh trong khi toàn cầu hóa chững lại. Đồng thời, sự trỗi dậy của công nghệ đã triệt tiêu cạnh tranh, thu nhập quốc dân chia phần ít cho người lao động mà dồn về một số đại công ty đang hưởng lợi thế độc quyền tự nhiên.

 

Đại dịch Covid-19 tô đậm các xu hướng này: cầu đã giảm nay càng giảm mạnh thêm, lãi suất thấp, thậm chí laaix suất âm sẽ kéo dài trong nhiều năm, từ đó giá tài sản như cổ phiếu lại tăng mạnh cho dù hoạt động kinh tế đi vào chỗ suy thoái. Doanh nghiệp nay ý thức mối rủi ro phụ thuộc vào chuỗi cung ứng xa xôi, họ sẽ chuyển sang hoạt động gần thị trường tiêu thụ hơn, đa dạng hóa nguồn cung. Covid-10 cũng làm xu hướng số hóa nền kinh tế tăng nhanh hơn, từ mua bán trên mạng đến họp hành làm việc từ xa, từ khám chữ bệnh đến học hành đều chuyển dần lên môi trường trực tuyến.

 

Đại dịch cũng tác động mạnh lên tâm lý của người dân các nước; người dân sẽ phẫn nộ khi bị mất việc làm trong khi giá cổ phiếu vẫn cứ tăng, người giàu càng giàu thêm. Dù có lúc giảm, tính chung cổ phiếu của các công ty công nghệ từ đầu năm đến nay vẫn tăng chừng 60%. Quan hệ giữa các nước cũng căng thẳng hơn như giữa Mỹ và Trung Quốc; Mỹ vận động cả thế giới loại bỏ công nghệ 5G của Trung Quốc, cấm cửa nhiều công ty công nghệ Trung Quốc như TikTok.

 

Phục hồi – nơi nhanh nơi chậm

Trật tự kinh tế thế giới có thể thay đổi trong những năm tới do đại dịch. Chẳng hạn, theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), đến hết năm 2021, quy mô nền kinh tế Mý có thể sẽ bằng năm 2019 nhưng quy mồ nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng hơn trước 10%. GDP của châu Âu cứ bình bình trong vài ba năm tới bằng mức trước dịch – tương tự như Nhật Bản. Theo ngân hàng UBS, tốc độ tăng trưởng của 50 nền kinh tế trong quí 2 năm nay đang ở mức khác nhau và mực độ khác biệt này là lớn nhất trong hơn 40 năm qua.

 

Tốc độ phục hồi khác nhau trước hết la do tình hình dịch bệnh. Dịch hầu như đã được dập tắt ở Trung Quốc trong khi đang bùng phát trở lại ở châu Âu và sắp tới có thể ở Mỹ. Phục hồi nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào cấu trúc của nền kinh tế: dù có giãn cách xã hội, tổ chức sản xuất, mở cửa nhà máy là dễ hơn nhiều so với điều hành các hoạt động dịch vụ đòi hỏi phái tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Còn yếu tố thứ ba tác động lên tốc độ phục hồi là quy mộ biện pháp giải cứu, như Mỹ đã tung tiền nhiều hơn châu Âu, lên đến 12% GDP và cắt giảm lãi suất 1,5 điểm phần trăm.

 

Tờ Economist dự báo trong những năm tới sẽ có những thay đổi to lớn liên quan đến nền kinh tế sau dịch. Chẳng hạn, kinh tế toàn cầu sẽ ít mang tính toàn cầu hóa hơn, ứng dụng kỹ thuật số sẽ nhiều hơn và cách biệt giữa các nền kinh tề sẽ lớn hơn. Trước mắt, các nhà sản xuất sẽ đẩy mạnh tự động hóa, đưa sản xuất về gần thị trường tiêu thụ. Nhân viên văn phòng sẽ tiếp tục làm việc từ nhà hay ít nhất cũng chia thời gian làm việc ra, một ít ngày tập trung còn một ít ngày làm từ xa. Nhân viên trong các ngành dịch vụ lương thấp sẽ phải tìm việc mới ở gần nơi sinh sống hoặc chịu cảnh thất nghiệp kéo dài.

 

Khi nền kinh tế kỹ thuật số lên ngôi thì doanh nghiệp nào đã có những tài sản trí tuệ trong lĩnh vực này cùng với kho dữ liệu khổng lồ sẽ thẳng thế, nhất là ngành tài chính, ngân hàng. Khoản cách giữa Main Street (tức khu vực sản xuất) và Wall Street (khu vực tài chính) sẽ ngày càng cách biệt; khoảng cách này đã nổi lên từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, càng giãn ra do đại dịch. Khó khăn cho chính phủ các nước là thích ứng với các thử thách mới này mà đồng thời vẫn tìm được sự ủng hộ của người dân khi áp dụng các chính sách kinh tế thị trường.

 

Toàn cầu hóa chưa chấm dứt, chỉ thay đổi hình dạng

 

Thật ra toàn cầu hóa đã chững lại từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Trước đó, thương mại toàn cầu tăng đều từ giữa thập niên 1980 khi các chuỗi cung ứng dần hình thành: các nước không chuyên tâm làm ra các sản phẩm hoàn chỉnh nữa mà chỉ một phần sản phẩm như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc sản xuất linh kiện cho ngành lắp ráp điện tử tiêu dùng; Trung Quốc cung cấp linh kiện ô tô cho các nhà máy ở Đức… Khủng hoảng tài chính làm kim ngành thương mại toàn cầu chững lại, đầu tư nước ngoài giảm sút. Xu hướng tự động hoát làm chiệc lược đưa sản xuất đến nơi có giá nhân công rẻ nhất đã không còn nhiều tác dụng. Mạng xã hội làm thị hiếu người tiêu dùng chóng thay đổi hơn, buộc nhà sản xuất phải tăng tốc cho ra sản phẩm và đưa chúng đến tay người tiêu dùng trước khi họ đổi ý.

 

Trước đại dịch, các dây chuyên sản xuất đã chọn nhà cung ứng gần hơn về mặt địa lý bởi các thảm họa tự nhiên đã cho thấy, như khi sóng thần ập vào Nhật năm 2011 đã làm sản lượng Toyota ở Mỹ giảm đến hơn 30% vì thiếu linh kiện chở từ Nhật sang, hay lũ lụt ở Thái Lan từng làm các nhà máy sản xuất một phần tư đĩa cứng cho toàn thế giới phải đóng cửa. Xu hướng thương mại đã chuyển sang khu vực hóa rất rõ. Tuy dịch Covid-19 làm đứt gãy các chuỗi cung ứng trong một thời gian, ưu tiên của doanh nghiệp là tổ chức lại chuỗi cung ứng sao cho bền vững hơn chứ không phải ngắt hẳn. Trong khi nhà chính trị nghiêng về bảo hộ sản xuất trong nước, doanh nghiệp vẫn thực tế hơn vì không dễ ngắt dòng chảy toàn cầu hóa trong một sớm một chiều.

 

Vào tháng 4/2020, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) dự báo thương mại hàng hóa toàn cầu năm nay sẽ sụt giảm từ 13-32%. Đến nay mức giảm này có thể chỉ là khoảng 10%. Các chuỗi cung ứng nay đã hồi phục và trong nhiều trường hợp chính các chuỗi này đã giúp giải quyết thiếu hụt trang thiết bị y tế. Hàn Quốc đã tận dụng các chuỗi cung ứng có sẵn để tăng năng lực sản xuất và xuất khẩu hàng triệu bộ kit xét nghiệm cho Mỹ và châu Âu. Một nghiên cứu của Đại học Michigan cho rằng, người ta thường đòi hỏi các chuỗi cung ứng hai đặc tính: tính vững chắc (khả năng vẫn hoạt động khi có khủng hoảng) và tính bền bỉ (khả năng phục hồi sau khủng hoảng). Lịch sử cho thấy các cuỗi cung ứng có thể không có tính vững chắc nhưng rất bền bỉ nhờ doanh nghiệp luôn tìm cách giải quyết chướng ngại do khủng hoảng gây ra. Vấn đề của doanh nghiệp hiện nay là cải thiện tính vững chắc của chuỗi cung ứng mình tham gia trong khi chuẩn bị nhiều kịch bản để duy trì tính bền bỉ của chúng.

 

Theo Nguyễn Vũ – Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Tư vấn - Hỗ trợ

Tư vấn - Hỗ trợ

Điện thoại: 0909.140.866

Email: info@irrmanagement.com.vn