Một trong những lĩnh vực mà các công ty khởi nghiệp đã bỏ qua nhiều nhất trong quá trình khởi nghiệp là sở hữu trí tuệ (SHTT). Và việc bỏ qua hay không dành sự quan tâm đúng mức cho SHTT có thể là một sai lầm mà họ sẽ phải trả giá đắt.
Khi đề cập đến doanh nghiệp và SHTT, nhiều công ty non trẻ không nhận ra bề rộng của tài sản sở hữu trí tuệ ở dạng tiềm năng hoặc không đánh giá cao tầm quan trọng của chúng. Họ sẽ phạm phải một số lỗi, nhiều lần trong suốt quá trình huy động vốn cho đến khi cho ra mắt sản phẩm… cuối cùng phải nhận lấy hậu quả đáng tiếc. Dưới đây là năm sai lầm lớn, theo thứ tự giảm dần mà tôi đã chứng kiến trong thực tế và các doanh nghiệp không nên bỏ qua.
1. Phương pháp tiếp cận SHTT theo kiểu “tự làm”
Doanh nghiệp khởi nghiệp không nên chọn lối tiếp cận SHTT theo kiểu tự làm (Do It Yourself – DIY). Do tình trạng khan hiếm nguồn lực ban đầu, nhà sáng lập doanh nghiệp thường đảm nhận các nhiệm vụ mà bản thân họ có ít hoặc không có khả năng (hoặc kinh nghiệm) để xử lý chúng. Cách này được cho là tốt nhất, hợp túi tiền lúc ban đầu nhưng phần lớn trường hợp là mang tới cho công ty rủi ro cao nhất.
Các công ty khởi nghiệp cần phải tham vấn chuyên gia SHTT có trình độ để giúp xác định nhu cầu và hướng dẫn các giải pháp ngay từ đầu. Một cuộc tư vấn như vậy sẽ giúp đặt nền tảng cho các quyền SHTT mà công ty khởi nghiệp có thể có (hoặc tìm kiếm) và các nhu cầu về SHTT của họ. Ít nhất, nó sẽ trang bị cho công ty sự hiểu biết về những gì họ cần phải làm để có thể lập kế hoạch cho phù hợp. Và dù bạn có tin hay không, dịch vụ tư vấn này không hề đắt!
2. Nền tảng tài liệu không phù hợp và cách thức bảo mật tài liệu sai
Vấn đề này xảy ra với hầu hết các công ty khởi nghiệp vì nhiều lý do. Doanh nghiệp khởi nghiệp hãy để tâm tới việc lựa chọn nền tảng lưu trữ thông tin và sắp xếp sao cho kín kẽ và chặt chẽ, đồng thời phải luôn tính tới bảo mật tài liệu liên quan tới SHTT, đặc biệt là trong trường hợp không thể đăng ký bảo hộ cho tài liệu này. Chẳng hạn như người sáng lập công ty khởi nghiệp có thể tìm cách sử dụng thỏa thuận không tiết lộ thông tin theo quy ước (NDA) với các nhà đầu tư tiềm năng. Những thỏa thuận này thường được dùng để xác định “thông tin bí mật” liên quan tới phát minh, các điều khoản liên quan tới phát minh, các hành động cần làm, thỏa thuận cần những gì, loại trừ những gì và thời hạn của nó.
Và trong mọi trường hợp tiết lộ thông tin bí mật liên quan tới SHTT của bạn, hãy yêu cầu các bên ký NDA. Thông thường, tôi khuyên các công ty khởi nghiệp nên đăng ký bằng sáng chế và dùng cả NDA khi tiết lộ cho người mua hoặc bên công ty khác có tính rủi ro cao để được bảo vệ hai chiều.
3. Bỏ qua các thông lệ SHTT trong cuộc đua giành thị trường
Như đã trình bày ở trên, quyền SHTT bảo vệ những thứ khác nhau và trong một số trường hợp, quyền SHTT không thể có được trừ khi thực hiện các bước cụ thể. Ví dụ, một công ty khởi nghiệp không thể hưởng lợi từ việc bảo vệ bí mật kinh doanh của mình trừ khi họ có cách thức bảo vệ bí mật thông tin đó.
Tại Mỹ, điều này thường đòi hỏi các biện pháp vật lý và kỹ thuật để bảo vệ vốn sở hữu trí tuệ quý giá đó. Hơn nữa, các doanh nghiệp có trụ sở tại Mỹ có thể loại bỏ quyền bảo hộ sáng chế của nước ngoài đối với một sáng chế nếu đã có sự tiết lộ công khai (mặc dù có ngoại lệ là có thể xin gia hạn 12 tháng sau khi tiết lộ để nộp đơn xin quyền bằng sáng chế của Mỹ).
Ở những nơi có liên quan đến nhãn hiệu, ít nhất, các công ty khởi nghiệp cần đảm bảo rằng họ đã thực hiện tìm kiếm nhãn hiệu để xem liệu nhãn hiệu đề xuất của họ đã được sử dụng bởi một công ty khác hay không. Thông thường, những thực hành như vậy là quy trình vận hành tiêu chuẩn, nhưng đối với nhiều công ty khởi nghiệp, các nhà sáng lập bỏ qua những thực hành này ngay từ đầu, có thể là vì họ không biết hoặc vì họ quá bận rộn với việc ra mắt sản phẩm hoặc dịch vụ.
4. Bảo vệ bí mật kinh doanh một cách hời hợt
Bạn sẽ nhận một vé thua kiện trong tranh chấp hoặc doanh nghiệp sẽ mất rất nhiều tiền nếu bảo mật kinh doanh một cách hời hợt.
Đóng dấu đỏ trên văn bản là không đủ. Về mặt bản chất, từ bí mật kinh doanh đã chỉ lối cho doanh nghiệp biết rằng đối với các văn bản về bí mật kinh doanh, càng ít người biết càng tốt, càng ít người được xem càng tốt. Doanh nghiệp của bạn không được xây dựng trong một sớm một chiều. Bạn đã làm việc chăm chỉ để tạo ra một doanh nghiệp độc nhất trong ngành. Đừng để việc quản lý kém các bí mật kinh doanh của bạn phá hủy tất cả công sức mà bạn đã bỏ vào công việc kinh doanh của mình.
Một trong những cách tốt nhất để bắt đầu bảo vệ bí mật kinh doanh của doanh nghiệp là tạo một danh mục hoặc tạo một hay nhiều tài liệu và lưu trữ một tủ có khóa chắc chắn. Ở trong tủ này, tất cả các tài liệu liên quan đến bí mật kinh doanh sẽ được để ở đây nhằm phục vụ cho vấn đề bảo mật. Đồng thời, hãy thu thập bằng sáng chế và nhãn hiệu của doanh nghiệp. Điều này cũng có thể bao gồm việc phỏng vấn những nhân viên quan trọng và thu thập bằng sáng chế và nhãn hiệu riêng của họ để đảm bảo rằng doanh nghiệp của bạn được bao phủ từ mọi góc độ.
Ngoài ra, tòa án sẽ xem xét một loạt các tài liệu pháp lý để xác định xem liệu doanh nghiệp của bạn có thực hiện các biện pháp thích hợp để giữ bí mật thông tin của bạn hay không trong trường hợp có tranh chấp hay kiện tụng. Vì vậy, hãy đảm bảo bạn triển khai các thỏa thuận và hợp đồng liên quan tới bí mật kinh doanh đầy đủ và toàn diện trong công ty.
Một số thỏa thuận mà doanh nghiệp của bạn và nhân viên cần hoàn thành trong quá trình hình thành công ty là: i. Thỏa thuận không cạnh tranh, ii. Thỏa thuận không tiết lộ, iii. Thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh khi nhân viên làm việc từ nhà.
Hơn nữa, trong quá trình thành lập công ty, để bảo vệ bí mật thương mại, bạn phải xây dựng chính chính sách bảo mật. Điều quan trọng là các chính sách bảo vệ của bạn phải được truyền tải đến nhân viên. Nhân viên của bạn thường xuyên tiếp xúc với những bí mật này, và nếu họ không được thông báo về các chính sách, họ và bạn đều có thể gặp nguy hiểm. Bằng cách giáo dục nhân viên của bạn về các chính sách bảo mật bí mật kinh doanh, bí mật của bạn sẽ được an toàn cùng với nhân viên của bạn.
5. Không có kế hoạch bảo vệ và phát triển SHTT
Các công ty trẻ thường phát triển tất cả các loại kế hoạch – kế hoạch kinh doanh để có vốn đầu tư, kế hoạch tiếp thị, kế hoạch tuyển dụng và thậm chí cả chiến lược tối ưu hóa công cụ tìm kiếm nhưng thường bỏ qua kế hoạch bảo vệ và phát triển SHTT. Việc không phát triển (hoặc thực thi) một chiến lược SHTT là sai lầm lớn nhất mà các công ty khởi nghiệp mắc phải.
Trong quá trình thương mại hóa sản phẩm của mình, hầu hết các công ty khởi nghiệp bỏ qua các bước xác định và bảo vệ tài sản SHTT của họ. Cách tiếp cận từng phần theo thời gian để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hầu như luôn tốn kém hơn nhiều so với cách tiếp cận toàn diện ngay từ đầu. Các công ty khởi nghiệp nên làm việc với các cố vấn SHTT nhằm phác thảo các tài sản SHTT hiện có và phát triển một kế hoạch hành động để có được các tài sản đó và bảo vệ chúng. Khi làm như vậy, một công ty khởi nghiệp có thể thu được giá trị đáng kể từ các tài sản SHTT mà công ty tạo ra và có thể tự bảo vệ mình khỏi nguy cơ bị bên thứ ba xâm phạm. Nói một cách đơn giản, nếu bạn không lập kế hoạch, thì thiệt hại sớm hay muộn cũng sẽ gõ cửa doanh nghiệp của bạn.
Những ý tưởng mà doanh nghiệp đã được đưa ra; Các kế hoạch tiếp thị, bao gồm logo, hình ảnh và ảnh chụp; Bất kỳ mã nào được viết riêng cho một trang web hoặc ứng dụng; Nguyên mẫu máy móc cải tiến; Một câu nói mang tính biểu tượng. Một khi những điều này được liệt kê, nhận thức và bảo hộ thì một doanh nghiệp đã bắt đầu sở hữu một cái gì đó là duy nhất – một cái gì đó mà những người khác trong cùng lĩnh vực muốn có được. Kết quả của việc bảo vệ hay không bảo vệ SHTT đều có thể tạo ra ảnh hưởng mang tính sống còn cho doanh nghiệp của bạn và bạn.
Theo Nguyễn Ngọc Trâm (TC KTSG)
Điện thoại: 0909.140.866
Email: info@irrmanagement.com.vn