Logo

Sức ép lạm phát bủa vây nền kinh tế Mỹ

Lạm phát Mỹ tăng nhanh nhất trong gần 40 năm

 

Báo cáo được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 12-1 cho thấy lạm phát tại nước này trong tháng 12 đã tăng gần 7% so với cùng kỳ năm trước - tốc độ nhanh nhất trong gần 40 năm qua. Tỷ lệ lạm phát cốt lõi (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng) cũng đã tăng 5,5% trong tháng 12, mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Bên cạnh đó, lạm phát giá sản xuất cũng gia tăng mạnh. Chỉ số giá sản xuất (PPI) tại Mỹ đã tăng 9,7% trong năm 2021, mức tăng hằng năm cao nhất kể từ năm 2010.
 

Lạm phát leo thang đã làm tăng chi phí sinh hoạt, ăn mòn tiền lương, đồng thời gây áp lực lớn, buộc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phải tìm cách ứng phó trước mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế.
 

Giá ô tô, khí đốt, thực phẩm và đồ nội thất đã tăng mạnh trong năm 2021 khi nền kinh tế phục hồi nhanh chóng sau đại dịch. Những khoản hỗ trợ lớn từ chính phủ và mức lãi suất cực thấp cũng đã giúp thúc đẩy nhu cầu hàng hóa, trong khi các chương trình tiêm chủng giúp người dân tự tin đi ăn ngoài và đi du lịch. Khi người dân Mỹ tăng cường chi tiêu, các chuỗi cung ứng vẫn bị siết chặt bởi tình trạng thiếu nhân công và nguyên liệu thô, từ đó làm tăng áp lực giá cả.
 

Theo AP, đà tăng này có thể chậm lại khi các khó khăn của chuỗi cung ứng được giải tỏa dần. Tuy nhiên, hầu hết các nhà kinh tế đều cho rằng lạm phát sẽ không sớm trở lại mức trước đại dịch.
 

Theo một cuộc khảo sát mới được Đại học Michigan thực hiện, những người được hỏi cho biết họ tin rằng lạm phát tiêu dùng sẽ tăng khoảng 4,9% trong năm tới - mức cao nhất kể từ năm 2008. Với lạm phát trong giai đoạn từ 5-10 năm tới, mức tăng hàng năm được dự báo sẽ là 3,1% - mức cao nhất kể từ năm 2011.
 

Lạm phát ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng
 

Sức ép lạm phát hiện đã bắt đầu đè nặng lên người tiêu dùng Mỹ. Những người mua sắm đang cảm thấy ngột ngạt trong chi tiêu, từ trạm xăng cho đến cửa hàng tạp hóa. Bà Vicki Bernardo Hill, 65 tuổi, sống tại Gaithersburg, Maryland, không còn dám lấy thêm thức ăn đóng hộp, ngũ cốc hoặc các loại bánh vào giỏ hàng khi đi mua sắm tại Giant Food.
 

“Tôi đang cố gắng bám sát vào danh sách hàng mình cần mua và chọn những thứ đang được giảm giá”, bà nói. Vì không tìm được giá tốt cho một chiếc xe đã qua sử dụng, bà Hill đã mua một chiếc Mazda mới, chi nhiều hơn 5.000 đô la so với dự định ban đầu.
 

Những số liệu vừa được Bộ Thương mại Mỹ công bố cho thấy, doanh số bán hàng của các cửa hàng bán lẻ, trực tuyến và nhà hàng đã giảm 1,9% trong tháng 12 - tệ hơn dự báo của giới chuyên gia, dù đây là tháng cao điểm của mùa mua sắm cuối năm tại Mỹ. Bên cạnh đó, dữ liệu nghiên cứu sơ bộ của Đại học Michigan cũng chỉ ra rằng, tâm lý người tiêu dùng Mỹ đã giảm xuống 68,8 điểm trong tháng 1-2022 - mức thấp thứ hai trong vòng một thập kỷ qua.
 

Theo các số liệu, có tới một phần ba số người tham gia trả lời khảo sát cho biết họ gặp nhiều khó khăn về tài chính hơn so với một năm trước đó kết quả tệ nhất kể từ năm 2014.

 

Các doanh nghiệp chật vật tìm cách thích nghi
 

Các doanh nghiệp Mỹ cũng đang phải đối mặt với sức ép ngày càng tăng cao. Fed cho biết sản lượng công nghiệp của Mỹ trong tháng 12 đã ghi nhận lần sụt giảm đầu tiên kể từ tháng 9, trong bối cảnh lạm phát và tắc nghẽn chuỗi cung ứng tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà máy.
 

Các doanh nghiệp từ lớn đến nhỏ hiện đang tìm cách thích ứng tốt nhất có thể. Nicole Pomije, chủ một tiệm bánh ở Minneapolis, bang Minnesota, đã lên kế hoạch tăng giá bánh quy vì chi phí nguyên liệu tăng cao.
 

Vấn đề tương tự cũng xảy đến với bà Quin McCormick, chủ cửa hàng bán lẻ Leather and Moss Mercantile tại California.
 

Nhiều người tiêu dùng hiểu rõ những khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải. Chị Kelly Maughn, một cư dân tại Oakland nói rằng “bạn có thể thông cảm với các doanh nghiệp đang phải tăng giá sản phẩm bởi họ chỉ đang cố ứng phó với lạm phát và trả cho người lao động của mình một mức lương hợp lý. Tuy nhiên, thật khó để chi tiêu trong những ngày này. Bạn sẽ phải rất thận trọng khi quyết định tiêu tiền cho một sản phẩm nào đó”.
 

Các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự đã chấp nhận tăng lương. Nhưng đà tăng giá hàng hóa và dịch vụ cũng đã làm xói mòn mức tăng thu nhập đó của nhiều người Mỹ. Bộ Lao động Mỹ cho biết, thu nhập theo giờ của người lao động trong lĩnh vực tư nhân trong tháng 11 đã giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước, sau khi tính đến yếu tố lạm phát.

 

Chính phủ Mỹ và Fed đối mặt với nhiều sức ép
 

Các đảng viên Cộng hòa trong Quốc hội và một số nhà kinh tế nói rằng Tổng thống Joe Biden ít nhất phải chịu một phần trách nhiệm về lạm phát cao. Lý do là bởi gói giải cứu tài chính mà chính quyền của ông thông qua hồi tháng 3 năm ngoái đã làm gia tăng động lực lạm phát đáng kể cho một nền kinh tế vốn đã mạnh lên.
 

Fed hiện đã chuẩn bị tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát và có thể sẽ tăng lãi suất ba lần trong năm 2022, sớm nhất là vào tháng 3 tới. Việc tăng lãi suất sẽ làm cho việc vay mua nhà hoặc ô tô trở nên đắt đỏ hơn, từ đó giúp giảm bớt áp lực lên nền kinh tế. Chủ tịch Fed Jerome Powell thậm chí đã nói với quốc hội rằng nếu cần thiết phải chống lạm phát cao một cách quyết liệt hơn, Fed sẵn sàng đẩy nhanh việc tăng lãi suất, so với dự kiến ban đầu.
 

Tuy nhiên, thực hiện điều này là không hề đơn giản, bởi một số nhà kinh tế và các thành viên của quốc hội lo ngại rằng Fed đã hành động quá chậm để ngăn chặn lạm phát, từ đó buộc phải mạnh tay hơn trong các đợt tăng lãi suất sắp tới, và điều này có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ.
 

Việc tăng trưởng kinh tế Mỹ giảm tốc trong quí 3-2021 giữa lúc lạm phát leo thang đã dấy lên những hồi chuông cảnh báo về tình trạng lạm phát đình trệ hay đình lạm - cơn ác mộng tồi tệ nhất đối với nền kinh tế Mỹ.
 

Cách tốt nhất để kích thích một nền kinh tế suy yếu là giảm lãi suất, điều Fed không thể thực hiện được bởi lãi suất đã ở gần mức 0 trong suốt hai năm qua. Ngược lại, việc tăng lãi suất theo kế hoạch của Fed sẽ giúp ngăn chặn lạm phát, nhưng đồng thời cũng khiến nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.
 

Giới quan sát hiện đã bắt đầu lo ngại rằng, nếu quá lo lắng về vấn đề lạm phát mà quên đi việc thúc đẩy thị trường việc làm, Fed hoàn toàn có thể chọn sai thời điểm hành động và thắt chặt chính sách quá mạnh tay. “Cần chuẩn bị cho nguy cơ Fed đưa ra một chính sách sai lầm”, bà Kristina Hooper, Giám đốc chiến lược thị trường toàn cầu của Invesco cảnh báo.
 

CNN nhận xét, Fed đang đối mặt với một tình huống chưa từng có. Các ngân hàng trung ương đã phải xử lý nhiều cuộc khủng hoảng trong những thập kỷ gần đây, nhưng lại chưa từng đối mặt với mối đe dọa lạm phát tiếp sau một đại dịch toàn cầu. “Khung chính sách tiền tệ của Fed về cơ bản đang được thử nghiệm trong thời gian thực. Không có nhiều hướng dẫn đối với các chính sách này”, ông John Leer, chuyên gia kinh tế trưởng của công ty dữ liệu Morning Consult thận trọng nhận định.
 

CNN NHẬN XÉT, FED ĐANG ĐỐI MẶT VỚI MỘT TÌNH HUỐNG CHƯA TỪNG CÓ. CÁC NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG ĐÃ PHẢI XỬ LÝ NHIỀU CUỘC KHỦNG HOẢNG TRONG NHỮNG THẬP KỶ GẦN ĐÂY, NHƯNG LẠI CHƯA TỪNG ĐỐI MẶT VỚI MỐI ĐE DỌA LẠM PHÁT TIẾP SAU MỘT ĐẠI DỊCH TOÀN CẦU.

 

SONG THANH

 

Tư vấn - Hỗ trợ

Tư vấn - Hỗ trợ

Điện thoại: 0909.140.866

Email: info@irrmanagement.com.vn