Logo

Dò đá qua sông

Ngay khi được phép ra đường, ông Trần Thái Nguyên, chủ nhà hàng Kế Việt ở quận 3 đã lập tức đến nhà hàng bắt tay vào việc sửa sang, chuẩn bị mở cửa. “ Nhiều thứ bị hư hỏng khá nặng nên phải sữa chữa lớn. Mấy ngày nay, tôi ở đây suốt”, ông nói, giọng khan khan vì bụi.
 

Doanh nhân này cho biết, tuy thành phố đã nới lỏng việc đi lại và cho phép mở nhiều dịch vụ nhưng việc sửa sang, đưa nhà hàng hoạt động trở lại trong giai đoạn này là hết sức khó khăn. Công việc thực hiện rất chậm vì phần lớn nhà thầu xây dựng, đơn vị cung cấp nguyên liệu vẫn chưa thể làm việc lại.
 

“Chỉ chuyện sửa cái trần thạch cao bong tróc là đã khó vì nguyên liệu không có, rồi khâu tìm nguồn cung thực phẩm cũng không dễ do nhiều đơn vị cung ứng đã ngưng hoạt động”, ông Nguyên nói và cho biết hiện đang phải thương thảo với chủ mặt bằng để có giá thuê hợp lý trong thời gian khó khăn sắp tới cũng như tìm hiểu nhu cầu mới khách hàng sau dịch.
 

Ngổn ngang ngày quay lại
 

Cũng như Khế Việt, từ cuối tuần qua nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn, lữ hành … tại TPHCM đã khởi động để chuẩn bị quay lại thương trường trong một sự ngổn ngang dè dặt. Nếu như ở những lần bùng dịch trướcnhiều doanh nhân tự tin cho rằng, thị trường sẽ “bung” như lò xo bị nén thì ở lần này, hầu hết rất thận trọng.
 

Công nhân sản xuất bánh tại một doanh nghiệp ở TPHCM

 

“ Tôi đã họp bàn để nhân viên bắt đầu làm lại nhưng chưa mở văn phòng vì mở chưa chắc đã có khách mà lại tốn chi phí, sơ sẩy là mất hết vốn còn lại”, bà Phan Thị Thu Hiền, CEO Công ty Amazing Our World Travel nói.


Theo bà, hiện rất khó để hoạt động bình thường vì nhiều dịch vụ cho du lịch vẫn chưa thể nối lại, giao thông chưa thông suốt, nhiều nhân viên vẫn phải ở nhà trông con vì học sinh chưa thể đến trường và lý do quan trọng nhất là chưa đoán được thị trường.

 

Nhiều doanh nhân ngành khách sạn và lữ hành cũng cho biết đang gặp rất nhiều khó khăn để trở lại. Ở mảng khách sạn, nhiều nơi đã mở cửa từ cuối tuần qua nhưng chỉ là mở để đó vì không có khách nhưng tiền lương cho nhân viên, tiền mặt bằng, chi phí xét nghiệm … vẫn phải trả.

“Cả khách sạn chả có nổi một khách”, giám đốc kinh doanh của một khách sạn cao cấp tại trung tâm thành phố nói.

 

Trên các kênh bán hàng trực tuyến, khách sạn này rao giá 90 đô la Mỹ/ đêm phòng, giảm 30 đô la so với trước đây. Tuy nhiên, đó chỉ là giá “ rao cho người ta thấy” nhằm giữ hình ảnh của một khách sạn cao cấp còn thực tế, nếu khách trả chừng 1,2 triệu đồng thì khách sạn sẽ bán phòng ngay.
 

Hiện tại, trừ một số nơi đang thực hiện dịch vụ cách ly Y tế, phục vụ cho lực lượng Y bác sĩ và một số nơi đang cung cấp  chỗ ở cho những công ty thực hiện “ 1 cung đường 2 điểm đến” thì gần như chẳng có khách sạn nào nó khách lưu trú.
 

Mảng lữ hành cũng tương tự, ngoại trừ vài trường hợp  hiếm hoi như Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, đơn vị đầu tiên được chính quyền thành phố chọn thực hiện thí điểm nối tour đến Cần Giờ và Củ Chi nhận được hợp đồng tổ chức tour cho khách đoàn, gần như chưa có công ty nào có đơn hàng mang lại doanh thu thật sự.
 

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Công ty Vietravel Holdings, công tu cũng đã làm tour tham quan TPHCM cho lực lượng thuộc tuyến đầu chống dịch vào tuần qua. Tuy nhiên, đó chỉ là tour tri ân và để hâm nóng thị trường, cho khách hàng biết là cuộc sống đang trở lại bình thường. “ Doanh thu trong giai đoạn đầu này không ăn thua”, ông nói
 

Thận trọng “ đọc” thị trường
 

Một thông tin chung mà KTSG ghi nhận được sau nhiều cuộc trò chuyện với giới kinh doanh dịch vụ du lịch và có liên quan đến du lịch là, rất hiếm có người tự tin là hiểu được thị trường sau dịch. Người cung cấp dịch vụ chưa biết sự tự tin tham gia các hoạt động xã hội và mức độ sẵn sàng của khách hàng đến đâu để tinh toán các kế hoạch làm ăn.
 

Như ở khách sạn cao cấp vừa kể trên, ở ba lần bùng dịch trước, khách sạn đã đưa ra các chương trình như hỗ trợ đối tác lữ hành để có các đoàn du lịch, giảm giá phòng ngủ và dịch vụ hội họp cho khách doanh nghiệp, bán phiếu ở khách sạn giá thấp cho những người mua số lượng lớn, cung cấp miễn phí dịch vụ họp trực tuyến để thu hút khách hội nghị … Tuy nhiên, ở lần này, tuy đã mở cửa trở lại nhưng mọi thứ vẫn …. Đứng.
 

“Chúng tôi chưa thể biết khách đang muốn gì, chẳng biết họ ở đâu để tiếp cận. Thị trường bị đóng trong thời gian quá dài đã khiến mọi thứ tắc nghẽn”, giám đốc kinh doanh của khách sạn cao cấp và cho biết, khách sạn không dám kỳ vọng vào thị trường trong những tháng cuối năm. Mục tiêu chỉ là cố gắng giữ cho khách sạn mở cửa và đội ngũ an toàn trước chủng Delta.
 

Bà Hiền, CEO công ty Amazing Our World Travel tuy có lạc quan hơn, kỳ vọng đến tuần thứ tư của tháng này hoặc tuần đầu tháng 11 là có thể có giao dịch nhưng theo bà, đó chỉ là kỳ vọng dựa trên việc một số khách hàng doanh nghiệp hỏi thông tin du lịch vào cuối năm. Những phân khúc khác như khách gia đình, đoàn, hội vẫn im hơi lặng tiếng.
 

“Chúng tôi đang cố kết nối với khách hàng nhưng có lẽ ai cũng quá mệt vì dịch nên chưa có phản hồi. Chúng tôi phải chờ thêm một thời gian nữa để tìm hiểu nhu cầu của khách”, bà nói.
 

Khách hàng “ im hơi lặng tiếng” quá lâu đem đến áp lực rất lớn cho doanh nghiệp khi tính toán các kế hoạch nối lại thị trường thì sẽ không còn đường quay lại. Lưng vốn ít ỏi còn lại sau gần 2 năm đương đầu với đại dịch Covid -19 khiến giới kinh doanh không dám mạo hiểm.
 

“ Tôi đã nói rồi, đã vào trận này kỳ không thể thoái lui được nữa”., ông Kỳ (Vietravel) nói.
 

Doanh nhân này cho rằng, rất khó có khách lữ hành trong tháng 11 vì nếu muốn có khách vào thời điểm đó thì đơn vị cung cấp dịch vụ đã phải bán dịch vụ từ trước tháng 10. Với dịch vụ hàng không, công ty sẽ không để cho máy bay cất cánh trong tháng này nếu bị siết chặt hệ số chỗ.
 

“Máy bay mà chỉ chở được một nửa khách thì cứ bay là lỗ. Tôi cho rằng, phải đến khi các dịch vụ được nối lại nhiều hơn, người dân tự tin hơn và đặc biệt là trẻ em được tiêm vaccine ngừa covid – 19 thì du lịch mới có sức sống”, ông nói.
 

Theo đó, việc tiêm vaccine cho trẻ em là yếu tố quan trọng để kích thịch thị trường nội địa hầu như có rất ít cha, mẹ chịu bỏ con lại để đi du lịch. Trẻ em, tuy nhỏ nhưng lại có tầm quan trọng rất lớn trong quyết định đi du lịch của khách hàng
 

Doanh nhân này kỳ vọng, du lịch sẽ dần có khách từ tháng 12 trở đi, khi các dịch vụ liên quan đến kết nối lại nhiu hơn và sau khi trẻ em bắt đầu được tiêm vaccine như dự tính của ngành y tế. Đến đầu năm sau thì thị trường mới tốt hơn.
 

Viettravel Holdings cũng có một kế hoạch khác, rất lạc quan là sự tự tin và mức độ quay lại của khách hàng sẽ tốt vẫn như những lần bùng dịch trước. Nếu như vậy, sau khi chính quyền công bố dịch được kiểm soát, mạng lưới dịch vụ ở TPHCM sẽ kết nối lại rất nhanh có thể chỉ trong vòng một tháng, giúp doanh nghiệp nối lại thị trường sớm.
 

“ Cho dù chúng tôi đã khảo sát khách hàng thân thiết và biết phần lớn trong số đó muốn đi du lịch trở lại nhưng cũng chỉ dám xem kế hoạch lạc quan này là kế hoạch 2 vì nó rất rủi ro” ông kỳ nói.
 

Ở nhà hàng Kế Việt, tuy đã bắt tay vào sữa chữa nhưng theo ông Nguyên, con đường để thực sự quay lại thị trường vẫn còn rất dài. Ban đầu, nhà hàng chỉ mở một phần để phục vụ khách mua mang về, đến khi chính quyền cho phép nhận khách tại chỗ mới có thể mở toàn bộ. “ Nhưng với chủng Delta này, mọi thứ đều có thể thay đổi vào phút chót. Tôi cũng đã nói với nhân viên, là vào việc vậy thôi chứ biết đâu đột ngột lại phải dừng như những lần trước. Thị trường rất khó đoán,”  ông nói.
 

Theo Đào Loan

Tư vấn - Hỗ trợ

Tư vấn - Hỗ trợ

Điện thoại: 0909.140.866

Email: info@irrmanagement.com.vn