Phân lô cát cứ, băm nát dải bờ biển
Thế giới hiện có hơn 200 quốc gia, trong đó 45 quốc gia không có biển. Việt Nam là một trong số các nước có biển dài và rộng trên thế giới, với 3.260km. Từ sau năm 1995, đặc biệt giai đoạn 2000-2010, việc đầu tư cho phát triển du lịch biển khởi sắc, tất cả TP ven biển đồng loạt bung ra, hàng trăm resort, hàng ngàn khách sạn được xây dựng mới.
Các TP có biển như Sầm Sơn, Nha Trang, Đà Nẵng, Phan Thiết, Vũng Tàu… đã trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước.
Nhưng cũng ngay từ khi đó, do chúng ta không có quy hoạch vùng ven biển bài bản, thống nhất từ Bắc chí Nam và xây dựng bộ tiêu chí cho các TP biển, đã làm nảy sinh nhiều vấn nạn, khiến chính quyền các TP ven biển phải tiến hành dọn dẹp những tiêu cực phát sinh.
Đó là việc các dải du lịch ven biển đều rơi vào tình trạng cắt khúc rời rạc bởi hiện tượng cát cứ và phân lô. Dải bờ biển Quảng Ninh, Nha Trang, Đà Nẵng, Phan Thiết, Vũng Tàu bị băm nát bởi các resort, khách sạn; mỗi ông chủ chiếm một khoảng bờ biển và phân định biên giới bởi các hàng rào hữu hình và vô hình.
Các bảng tên, màu sắc của vật dụng (dù, phao, ghế bố, bàn ghế…), thậm chí cả tường vây xác định ranh giới chủ sở hữu. Khách du lịch ở đâu sử dụng không gian biển và dịch vụ ở đó. Việc bờ biển bị phân lô bán nền mang lại rất nhiều tiêu cực.
Để có thêm diện tích, nhiều nhà hàng, khách sạn lấn biển, xây dựng các bờ kè, đổ đá, bao cát, lưới sắt nhằm cơi nới tăng diện tích sử dụng, thậm chí làm kè chắn sóng cho du khách tắm biển.
Về nguyên lý, khi gặp các công trình bê tông cứng lấn ra bên ngoài, sóng biển đổi chiều dẫn đến bãi biển bị xói lở, cát trôi, bờ mất chân làm nhà cửa các làng chài, nhà dân kế cận bị sóng cuốn trôi, còn bản thân nhà hàng, khách sạn, resort lấn biển cũng bị sụt do trôi cát, tạo hàm ếch dưới chân các công trình bê tông.
Thực trạng này khiến các bãi biển phải vất vả với việc gia cố kè, đóng cọc, thả rọ sắt giữ bờ. Các biển Cửa Đại, Hội An, Phan Thiết, Nha Trang, Long Hải đều bị rơi vào tình trạng này, rất nhiều làng ven biển bị xóa sổ, chính quyền địa phương và người dân bỏ ra biết bao nhiêu công sức nhưng đều vô vọng.
Việc cắt khúc theo kiểu phân lô cát cứ đã ngăn người dân bản địa không được tự do tiếp cận tới biển, phải chi trả phí để đến được với biển. Điều này gây bức xúc cho người dân, bởi từ xưa tới nay biển là phần không tách rời cuộc sống của họ.
Khi Đà Nẵng phát triển kinh tế biển, du lịch biển, dân hết đường xuống biển, thậm chí tầm nhìn, gió biển cũng bị che chắn hết. 48 dự án, 12 công trình, gồm nhà hàng, khách sạn, resort, dịch vụ biển đã được các ông chủ cho xây tường che kín mặt biển, các nhà đầu tư theo kiểu “tay không bắt giặc” cũng tranh thủ xí phần, xây tường bít bùng để đó chờ thời.
Lãng phí tài nguyên
Không gian bị cắt khúc này không chỉ tạo hình ảnh rất xấu về cảnh quan với dải bờ biển nhô ra thụt vào, cao thấp, to bé lổn nhổn và rất phản cảm về tâm lý. Hơn thế, về kinh tế học rõ ràng là lãng phí tài nguyên và khai thác không hiệu quả.
Mỗi khách sạn sở hữu vài chục mét bờ biển nhưng có đủ các thứ như nhà tắm, bãi giữ xe, nhà vệ sinh, đường lên xuống… Nếu cả dải bờ biển được liên thông, việc tổ chức không gian sẽ mạch lạc hơn, số công trình dịch vụ dùng chung sẽ giảm, dành đất cho công viên, vườn dạo, không gian công cộng…
Các công trình ven biển đều có tư duy “mặt tiền” đã làm hỏng các khu du lịch biển, dẫn đến tình trạng xô bồ, nhếch nhác, hối hả, vội vã, chụp giựt và tràn ngập rác thải, nước thải trực tiếp từ nhà hàng, khách sạn làm môi trường ô nhiễm trầm trọng.
Mấy năm gần đây, việc khắc phục tình trạng phân lô bán nền, che chắn bờ biển đang được cố gắng sửa sai, nhưng kết quả rất thấp. Cách đây 3 năm, tỉnh Bình Định quyết định dời 3 khách sạn án ngữ mặt tiền biển ở TP Quy Nhơn là Hải Âu, Hoàng Yến, Bình Dương, nhưng cho đến nay vẫn chưa dời được vì còn vướng nhiều thứ.
TP Đà Nẵng cũng mới mở được 2 con đường nhỏ xuống biển, còn các nơi khác vẫn trong tình trạng lùng nhùng. Trong bối cảnh này, việc chính quyền TP Hội An đã dọn sạch sẽ bờ biển An Bàng dài hơn 1km thuộc phường Cẩm An, là thành công đáng ghi nhận.
Trước đó từ năm 2015, nơi này xuất hiện dày đặc khách sạn, nhà hàng, biệt thự, chòi tre đua nhau lấn chiếm bãi biển công cộng, cùng với đó là những đống rác, vỏ lon bia, chai nhựa từ các hàng quán kinh doanh không phép vứt la liệt trên bãi biển.
Nhiều chủ villa, khách sạn, nhà hàng nằm dọc biển còn ngang nhiên phá bỏ rừng dương phòng hộ, quây hàng rào và biến thành không gian của mình, thu lợi nhuận từ các hoạt động kinh doanh.
Hàng chục hộ dân đổ trụ bêtông, đem nhà tre ra dựng chòi ngay trên bãi tắm công cộng. Nhiều thời điểm đã xảy ra tranh chấp, gây mất an ninh trật tự giữa người dân với chủ các cơ sở lưu trú.
Theo Hòa Minh - Nhịp cầu đầu tư
Điện thoại: 0909.140.866
Email: info@irrmanagement.com.vn