Đón năm mới trong sự mất mát
“Thầy chúc em và gia đình năm sau sẽ thịnh vượng hơn năm mất mát này”- Norman, một trong hai giáo sư hướng dẫn luận văn tiến sĩ của tôi gửi email chúc Giáng sinh như vậy.
Pamela và Tony, vợ chồng luật sư đã về hưu cũng chia sẻ với chúng tôi rằng, kế hoạch Giáng sinh và đón năm mới của họ đã đổ vỡ sau khi con trai của mình bị nhiễm Covid-19, và gia đình nhỏ của anh ấy đã bị “mắc kẹt” ở London vì thành phố này đã bị đưa vào tình trạng Tier 4, nghĩa là tình trạng “phải ở nhà” (Stay at home). Hai bác luật sư già rất thất vọng. Vì với họ Giáng sinh và đón năm mới mà không được thăm con cháu là một sự mất mát.
Nước Anh đang chia cả nước thành nhiều nhóm (tier), nhóm có hạng càng cao thì mức độ cho phép hoạt động kinh tế-xã hội vận hành bình thường càng thấp. Đất nước ngoài khơi lục địa già này đang trải qua một mùa Giáng sinh và đón năm mới buồn với mức chi tiêu bán lẻ sụt giảm 3,8% trong tháng 11.
Một số mặt hàng như quần áo được dự đoán sẽ thất thu nghiêm trọng. Trong khi đó, số ca Covid-19 lại một lần nữa tạo đỉnh cao mới: hơn 39.000 ca một ngày.
Không chỉ có nước Anh mới như vậy. Juan, một học trò cũ đang làm trong lĩnh vực ngân hàng ở Tây Ban Nha, cho biết tình hình kinh doanh của nhiều ngân hàng nước này đang rất khó khăn.
Đa số ngành kinh doanh của Tây Ban Nha như du lịch, nghỉ dưỡng vốn chỉ thật sự “kiếm tiền” 4-5 tháng/năm và năm nay nó hoàn toàn “bất động”. Vì vậy, có rất nhiều khoản cho vay tưởng chừng là “ăn chắc” cho các khu nghỉ dưỡng cao cấp luôn chật kín phòng, giờ đang trở thành nợ xấu.
Đông tàn, hoa có nở?
Vaccine của Pfizer/BioNTech đã bắt đầu được tiêm cho 600.000 người đầu tiên ở Anh. Hy vọng bắt đầu nhen nhóm ở một số cộng đồng người Anh. Ở châu Âu, vaccine này cũng đã được EMA (European Medicines Agency), cơ quan quản lý dược phẩm của cộng đồng gần 450 triệu dân EU, phê chuẩn và khuyến nghị các chính phủ đồng ý triển khai.
Một số nước đã nhanh chóng chấp thuận, ví dụ như Ireland. Một dòng vaccine của Oxford/AstraZeneca dự kiến sẽ được thông qua chỉ vài ngày sau lễ Giáng sinh.
Hy vọng về miễn dịch cộng đồng đạt được từ vaccine khiến một số quỹ đầu tư lạc quan về tương lai của kinh tế toàn cầu nói chung và châu Âu nói riêng. Họ mong đợi một đợt hồi phục kinh tế vững chắc kể từ mùa hè năm 2021 – thời điểm mà người ta hy vọng rằng những người bị “nhốt” ở nhà trong năm 2020 sẽ đổ ra các khu du lịch và bắt đầu chi tiêu trở lại.
Nhiều công ty sau khi tích lũy tiền mặt, giảm đầu tư và đi vào trạng thái phòng thủ trong suốt năm 2020 cũng có thể bắt đầu tăng đầu tư trở lại.
Ngoài vấn đề bất ổn về triển vọng kinh tế được giảm bớt, người ta còn chỉ ra rằng tình hình chính trị ở châu Âu cũng “dễ thở” hơn. Vào “phút 90”, EU đã đạt được một loạt thỏa thuận quan trọng trong và ngoài khối.
Trong khối, kế hoạch tài khóa 1.800 tỷ Eur đã được thông qua, mặc dù có những bất đồng sâu sắc với Ba Lan và Hungary. Chương trình đầu tư hồi phục kinh tế 750 tỷ EUR cũng được thông qua.
Ngay trước Giáng sinh, phái đoàn đàm phán của EU và Anh đạt được đồng thuận về hiệp định thương mại vào giờ chót. Những bất ổn do chính trị gây ra kéo dài trong suốt năm 2020 được hóa giải vào thời điểm cuối năm, mặc dù đều chỉ đạt được đồng thuận vào phút chót.
Mọi thứ có vẻ rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, còn đó những rủi ro không nhỏ. Thứ nhất, đa số đánh giá lạc quan về châu Âu dựa trên giả định nền kinh tế khu vực này sẽ hồi phục lại ít nhiều nhờ vào một nền kinh tế trở lại “bình thường mới”.
Tuy nhiên, liệu vaccine có giúp ích thật sự hay không? Đạt miễn dịch cộng đồng thì cần 70-90% - ông Anthony Fauci, gương mặt hàng đầu trong hàng ngũ chuyên gia chống dịch của Mỹ vừa nhận định.
Chủng virus mới phát hiện ở Anh và đã lan ra một số nước châu Âu được cho là có mức độ lây lan cao hơn. Mà về nguyên tắc căn bản khi mà tốc độ lây lan cao hơn thì ngưỡng đạt miễn dịch cộng đồng phải nâng lên, tức có thể không phải 60-70% như trước nữa mà cần cao hơn. Vấn đề là số người đồng ý tiêm vaccine của châu Âu có thể sẽ khó mà đạt được con số 60%, chứ chưa nói đến mức cao hơn.
Thứ hai, trong nền kinh tế châu Âu vẫn đang tồn tại những xác chết biết đi, đang không ngừng hút đi sinh lực của nền kinh tế châu Âu và tiền từ các gói hỗ trợ kinh tế (ĐTTC đã có bài “Những công ty “ma cà rồng” ở châu Âu”, số ra ngày 7-12).
Khi Covid-19 diễn ra, ở châu Âu đã xuất hiện nhiều lời kêu gọi bảo vệ các công ty hàng đầu của quốc gia (national champions) trong nhiều lĩnh vực, thay cho những lời kêu gọi đổi mới. Những công ty đạt đến mức niềm tự hào của một tỉnh hay một quốc gia châu Âu vì vậy rất khó bị thách thức, cho dù chúng chỉ tồn tại như những “xác chết biết đi”.
Tiếp tục lãng phí nguồn lực vào những công ty này sẽ hạn chế sự bật dậy của kinh tế châu Âu. Những trở lực này sẽ khiến cho châu Âu khó mà đạt được một sự hồi phục nhanh chóng như Trung Quốc đạt được kể từ tháng 4 cho đến nay, bất kể sự xuất hiện của vaccine.
Mùa đông sẽ đi qua, nhưng e rằng hoa sẽ nở muộn ở châu Âu.
TS. HỒ QUỐC TUẤN, Giảng viên Đại học Bristol, Anh - Theo Báo Sài Gòn giải phóng - Đầu tư tài chính
Điện thoại: 0909.140.866
Email: info@irrmanagement.com.vn