Logo

Nghịch lý và hơi lạ ở nền kinh tế Việt Nam

Việt Nam cơ bản chỉ tính GDP theo phương pháp sản xuất rồi phân bố cho các nhân tố của sử dụng cuối cùng như tiêu dùng của hộ gia đình, tiêu dùng chính phủ, tích lũy gộp tài sản (bao gồm khấu hao tài sản cố định) và chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ. Phương pháp thu nhập chỉ được tính khi cơ quan thống kê lập bảng cân đối liên ngành.

 

GDP theo thu nhập bao gồm: thu nhập của người lao động; thặng dư sản xuất gộp (bao gồm khấu hao tài sản cố định); thuế sản xuất (bao gồm thuế sản phẩm và thuế sản xuất khác) trừ đi các khoản trợ cấp của Chính phủ. Như vậy việc đánh đồng GDP với thu nhập là không đúng dẫn đến những nhận định lệch lạc.

 

Ngày 29-4-2021, Tổng cục Thống kê công bố kết quả khảo sát mức sống dân cư, theo đó thu nhập bình quân của một người năm 2020 theo giá hiện hành đạt khoảng 4,230 triệu đồng/tháng. Như vậy, năm 2020 thu nhập của dân cư xấp xỉ khoảng 5 triệu tỉ đồng, chiếm khoảng 79% GDP (GDP khoảng 6,3 triệu tỉ đồng).

 

Tổng thu nhập của dân cư, theo Hệ thống các tài khoản quốc gia của Liên hiệp quốc cũng như của Tổng cục Thống kê Việt Nam, bao gồm thu nhập từ sản xuất và các khoản thu nhập khác ngoài sản xuất (thu từ sở hữu và thu từ chuyển nhượng).

 

Kết quả khảo sát mức sống dân cư của Tổng cục Thống kê cho thấy, khoảng 89% là thu nhập từ sản xuất và 11% là thu nhập khác ngoài sản xuất, tức là trong 5 triệu tỉ đồng thu nhập của dân cư có gần 4,5 triệu tỉ là thu nhập từ sản xuất và trên 0,5 triệu tỉ đồng là thu nhập ngoài sản xuất.

 

Cần chú ý rằng, chỉ có thu nhập từ sản xuất được tính vào GDP, còn thu nhập ngoài sản xuất được tính vào tổng thu nhập quốc gia (GNI) và thu nhập quốc gia khả dụng (NDI - National Disposable Income).

 

Như vậy tỷ lệ thu nhập của người lao động (Consumption Of Employees - COE) chiếm trong GDP khoảng 71%. Theo bảng cân đối liên ngành năm 2012 của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ này của năm 2012 chỉ khoảng 60%. Như vậy, hệ số co giãn về lao động (được tính bằng tỷ lệ giữa thu nhập của người lao động so với tổng giá trị tăng thêm (Gross Value Added - GVA) theo giá cơ bản) lên đến 78% và hệ số co giãn về vốn chỉ là 22%. Thông thường tỷ lệ này của các nước trong khu vực khoảng 60 - 40 hoặc 65 - 35.

 

CHỈ CÓ THU NHẬP TỪ SẢN XUẤT ĐƯỢC TÍNH VÀO GDP, CÒN THU NHẬP NGOÀI SẢN XUẤT ĐƯỢC TÍNH VÀO TỔNG THU NHẬP QUỐC GIA (GNI) VÀ THU NHẬP QUỐC GIA KHẢ DỤNG.

 

Các hệ số co giãn về lao động và vốn như vậy cho thấy có sự mất cân đổi rất lớn giữa thu nhập của người lao động và thặng dư sản xuất. Điều này cũng cho thấy Việt Nam là quốc gia thâm dụng vốn rất lớn khi phải cần một lượng vốn lớn mới tạo ra tăng trưởng, hoặc lợi nhuận của khâu sản xuất trong nền kinh tế là rất thấp.

 

Những số liệu này cũng tương thích với Sách trắng về doanh nghiệp Việt Nam năm 2020, theo đó tỷ lệ lợi nhuận trước thuế trên tổng tài sản của khối doanh nghiệp tư nhân chi là khoảng 3,5%, thấp hơn cả lãi suất tiền gửi của ngân hàng. Hiệu quả thấp như vậy khiến cho việc huy động phần tiền dư của dân cư để đầu tư vào sản xuất trở nên khó khăn hơn. losd

 

Tổng thu nhập của hộ gia đình cao hơn mức tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình khoảng 15%, nên về lý thuyết thì số tiền dư trong các hộ gia đình nói chung là không nhỏ.

 

Tuy nhiên, tỷ lệ dư nợ của nhóm khách hàng hộ gia đình lại tăng mạnh, từ 28% năm 2013 lên tới 46%/ tổng dư nợ trong năm 2020. Đây là số liệu HSBC rút ra từ nghiên cứu báo cáo tài chính của bốn ngân hàng lớn nhất Việt Nam, gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank. Bốn ngân hàng này chiếm một nửa tổng dư nợ toàn thị trường.

 

Trước đây, tỷ lệ dư nợ lớn nhất luôn thuộc về nhóm doanh nghiệp. Tỷ lệ dư nợ hộ gia đình so với GDP hiện nay đã lên đến khoảng 61% là một nghịch lý và hơi lạ của nền kinh tế Việt Nam. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách cần có cái nhìn và đánh giá toàn diện về sự lệch lạc này, thay vì chỉ hoan hỷ với những thành tích tăng trưởng kinh tế hoặc thặng dư thương mại...

 

Theo Bùi Trinh - Kinh tế Sài Gòn

Tư vấn - Hỗ trợ

Tư vấn - Hỗ trợ

Điện thoại: 0909.140.866

Email: info@irrmanagement.com.vn