Khách quốc tế còn mơ hồ
Năm 2022, du lịch quốc tế được xem là mảng màu tối bên cạnh gam màu sáng của du lịch nội địa, khi chúng ta không thể hoàn thành mục tiêu đón 5 triệu lượt khách, dù là một trong những quốc gia mở cửa du lịch sớm. Nguyên nhân thì nhiều nhưng một trong số đó là bởi khách Trung Quốc (lượng khách vốn chiếm 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm cao điểm 2019) vẫn chưa trở lại nên khoảng trống chưa thể lấp đầy.
Bước qua năm 2023, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách du lịch quốc tế, do kỳ vọng khi Trung Quốc đã chính thức mở cửa vào đầu 2023. Thậm chí các chuyên gia của HSBC nhận định, du lịch Việt Nam có những lý do chính đáng để nhìn về một sự phục hồi mạnh mẽ hơn, tỷ lệ khách du lịch Trung Quốc quay lại từ 50-80%, tương ứng từ 3 - 4,5 triệu lượt khách.
Thế nhưng, khi Trung Quốc công bố danh sách 20 quốc gia cho phép tổ chức tour outbound, thì nhiều người làm du lịch Việt Nam không khỏi ngỡ ngàng khi không có Việt Nam trong danh sách.
Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Vietcircle, cho rằng sẽ là thách thức lớn cho du lịch Việt Nam khi thiếu vắng khách Trung Quốc, nhất là với các địa phương phụ thuộc nhiều vào nguồn khách này như Khánh Hòa, Quảng Ninh, Đà Nẵng… Nhiều người làm du lịch đang kỳ vọng vào khách Trung Quốc đã trở nên thất vọng.
Nhìn lại thị trường khách du lịch nước ngoài những năm trước dịch, có thể thấy phân khúc khách cao cấp, chi tiêu nhiều thường không ưu tiên chọn điểm đến Việt Nam, và khách Trung Quốc cũng không thuộc diện cao cấp. Chính vì thế, thị trường khách Trung Quốc nhìn tưởng dễ thu hút trở lại nhưng xem ra vẫn còn ẩn số. Khi việc hút khách Trung Quốc vướng, thì việc đa dạng hóa thị trường lại được nhắc đến.
Và ông Huê cho rằng, Việt Nam có thuận lợi khi khai thác khách ở những thị trường như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia… nhưng cho đến nay việc thu hút khách từ các thị trường khách đông dân như Ấn Độ vẫn không được bao nhiêu. Ngay cả du khách từ các nước ASEAN chúng ta cũng chưa khai thác tốt.
“Cần có những nghiên cứu thị trường cụ thể, từ đó có những phương thức xúc tiến quảng bá phù hợp, đồng thời phải chuẩn bị hạ tầng cơ sở du lịch đáp ứng nhu cầu của những nhóm khách mục tiêu” - ông Huê nhấn mạnh.
Thực tế như câu chuyện thu hút khách Ấn Độ đã được nói tới từ năm ngoái, nhưng đến nay vẫn bỏ ngỏ. Đúng là thị trường đông dân lại khá ưa thích Việt Nam như Ấn Độ, nhưng họ lại có những nét văn hóa riêng mà muốn đón được chúng ta phải chuẩn bị, đơn giản nhất là hệ thống nhà hàng riêng, song hiện nay vẫn chỉ có rất ít tỉnh/thành có nhà hàng Ấn.
Còn nhớ năm ngoái, khi yêu cầu phân tích nguyên nhân tại sao du lịch quốc tế “đi trước về sau”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra hàng loạt câu hỏi: “Do cơ chế hay cách làm? Do tổ chức thực hiện hay các bộ, ngành chưa làm đầy đủ trách nhiệm? Các doanh nghiệp đã làm gì? Đã đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng trong lĩnh vực du lịch chưa? Sản phẩm du lịch có nhiều đổi mới sáng tạo chưa? Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đã đưa vào ngành du lịch chưa? Công tác truyền thông, quảng bá du lịch đã xứng tầm?…”.
Rất nhiều nội dung trong câu hỏi này là điểm yếu cố hữu của du lịch Việt Nam như sản phẩm, truyền thông, quảng bá… Và cho đến nay mọi chuyện cũng không có nhiều chuyển biến tích cực.
Khách nội địa tăng nhưng doanh thu giảm
Năm 2022, khách nội địa là điểm sáng của toàn ngành khi lượng khách cả năm đạt 101,3 triệu lượt, tăng 1,5 lần so với mục tiêu đặt ra là 60 triệu lượt khách, vượt cả năm cao điểm trước dịch 2019. Từ đà tăng trưởng này, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 102 triệu lượt khách nội địa trong năm 2023. Thoạt nhìn mục tiêu tăng trưởng khách nội địa 2023 so với năm 2022 là không lớn, nhưng nhiều ý kiến lại cho rằng mục tiêu này không dễ hoàn thành.
Nhìn vào 6 ngày Tết Nguyên đán Quý Mão, ngành du lịch phục vụ gần 9 triệu lượt khách, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng doanh thu và lượng khách lưu trú lại giảm mạnh. Cụ thể tổng thu từ khách du lịch ước đạt 17.500 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ.
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, một trong những nguyên nhân là do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu và biến động kinh tế xã hội trong nước, sức mua giảm do khách hạn chế chi tiêu khi sử dụng các dịch vụ trung và cao cấp. Trong khi đó, một lượng không nhỏ khách nội địa có khả năng chi tiêu nhiều lại chọn các tour outbound đi các nước như Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia…
Có thể thấy kinh tế khó khăn sẽ là yếu tố khiến du khách cân nhắc hơn trong chi tiêu cho các chuyến du lịch, nhưng khi du khách trong nước không còn lựa chọn các điểm đến trong nước là vấn đề cần xem lại về các sản phẩm du lịch.
Minh chứng thực tế là nhiều điểm đến có sản phẩm na ná giống nhau, và quan trọng hơn vẫn cung cấp cho du khách cái mình có chứ không phải điều khách cần. Rất nhiều điểm du lịch lớn trên cả nước năm qua tung ra các sản phẩm mới, nhưng lại thiếu đi những sản phẩm du lịch mà du khách “phải trải nghiệm” như cách mà nhiều nước trong khu vực đã làm được.
Chưa hết, các vấn nạn chặt chém, chèo kéo vẫn chưa có điểm dừng dù du khách đã lên tiếng nhiều lần, các địa phương cũng nhiều lần ra quân chấn chỉnh. Một vài ý kiến cho rằng mùa hè này có thể sẽ thấy những tín hiệu không tích cực tiếp theo của du lịch nội địa.
Chúng ta luôn tự hào du lịch Việt Nam luôn nỗ lực đạt nhiều giải thưởng quốc tế, nhưng khi có giải thưởng trong tay chúng ta lại không biết biến nó thành thế mạnh để thu hút du khách quốc tế.
Điện thoại: 0909.140.866
Email: info@irrmanagement.com.vn