Thịt gà đen và tắm lá thuốc của người Dao
Từ đầu thị trấn Tam Sơn (Quốc lộ 4C) rẽ vào khoảng 2km là tới làng homestay Nậm Đăm thuộc xã Quản Bạ, nằm dưới chân đèo Quản Bạ, cách núi đôi một quãng. Đây là ngôi làng với 100% người Dao Chàm. Nhà cửa thưa thớt nhưng rất ấn tượng khi gần như 100% ngôi nhà ở đây được làm bằng đất và gỗ tạp, kết hợp giữa kiểu nhà trình tường của người Hà Nhì ở Y Tý (Bát Xát - Lào Cai) và nhà sàn của người Tày, người Mường (mái lợp có khác một chút). Bao quanh các ngôi nhà trình tường là những bờ dậu đan bằng tre, gỗ, vườn cây.
Con đường dẫn vào làng quanh co uốn lượn dưới những cánh rừng sa mộc, những lạch suối nhỏ, đẹp như tranh của Levitan. Mặt đường hiện nay đã được thảm bê-tông nhờ chương trình nông thôn mới. Thi thoảng có những con đường đất dẫn vào rừng. Đường làng đã có đèn chiếu sáng. Cột đèn được làm bằng chính những cây sa mộc, rất độc lạ. Ngay đầu làng, bảng biển chỉ dẫn homestay treo chi chít.
Nơi chúng tôi chọn nghỉ lại qua đêm là ngôi nhà trình tường của Lý Thị Hịp, có tên chỉ dẫn trên Google Map là “Hồng Thu Homestay”, nằm giữa làng, trong khuôn viên khoảng 3.000m2. Theo lời hẹn, trời nhá nhem, vợ chồng Hịp đang vội vã dọn nhà cửa, nhóm củi lửa để nướng thịt treo gác bếp (thịt heo) trong chái nhà lá góc sân đất. Bên kia đường là ngôi nhà của bố mẹ chồng cô, cũng làm bằng đất và gỗ. Ông Lý Tà Cái (57 tuổi) đang vặt lông gà bên bể nước, cho biết đặc sản ở đây là gà đen, nên thường làm món này để phục vụ mỗi khi có khách du lịch.
Chồng Hịp là Lý Tà Hí (kém vợ 2 tuổi) tất bật chạy vào chạy ra, xắn tay giúp làm các món, xào măng, luộc rau... Giúp khách chuyển hành lý vào nhà, Hịp bảo ở đây có “món” ngâm chân với nước lá thuốc nóng, để khách tranh thủ thư giãn trước giờ ăn tối, trút bỏ tất cả đau nhức, mỏi mệt sau hành trình dài từ cao nguyên đá. Nếu ai muốn tắm lá thuốc thì đi thêm vài trăm mét vào sâu trong làng có “nhà bồn” của HTX dược liệu, chuyên phục vụ món tắm lá thuốc của người Dao.
Chúng tôi lên ô tô đi vào trụ sở HTX dược liệu. Đây là HTX của 29 thành viên gồm các gia đình người Dao trong thôn “góp cổ phần” để làm kinh tế. Mục đích ban đầu thành lập (năm 2014) là trồng các loại dược liệu, tinh chiết thành các sản phẩm OCOP để đưa về xuôi tiêu thụ. Trong đó, hai đặc sản đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao là cao atiso và trà gừng cao nguyên đá. Giám đốc HTX là Lý Tà Dèn cho biết, chính anh phải tay xách nách ôm sản phẩm OCOP về Hà Nội để tiếp thị.
Cứ nghe ở đâu có hội chợ là đi giới thiệu sản phẩm. Nhưng trong một lần “họp cổ đông”, các xã viên nhận ra rằng lợi thế của Nậm Đăm là du lịch, có thể bán ngay sản phẩm cho du khách. Hơn thế, các thành viên còn quyết định mở thêm dịch vụ xông, tắm lá thuốc để đa dạng hóa dịch vụ, đáp ứng nhu cầu phong phú của du khách, kết hợp với các gia đình làm homestay tạo chuỗi kinh tế khép kín. Thế là ai có ruộng đất thì góp ruộng đất. Ai không có đất thì góp cây thuốc, nhiên liệu, nguồn nước hoặc ngày công, nhân lực... để xây dựng, khai trương ngay trung tâm tắm lá thuốc ở Nậm Đăm.
Trực lễ tân ở khu dịch vụ tắm lá là cô gái trẻ tên Tẩn Thị Lan (cũng là thành viên của HTX) dẫn chúng tôi vào từng phòng tắm, hướng dẫn cách mở vòi nóng lạnh, cách ngâm mình, điều chế lượng nước. Sau khi tắm xong, khách được Lan mời thưởng thức ấm trà atiso nóng đã pha sẵn và tham quan khu trưng bày các sản phẩm dược liệu. Cô cho biết, khu nhà tắm mới đưa vào hoạt động 3 năm, chỉ tạm vắng từ khi có dịch Covid-19, còn trước đó rất đông khách. Ở đây có tất cả 16 bồn tắm, đặt trong các phòng ốp gỗ, có view ra một thung lũng toàn cây sa mộc qua các khung kính. Giá vé là 100.000 đồng/người.
Trở về homestay để ăn bữa tối ngay trên bộ bàn đá nguyên tấm lớn đặt dưới mái lá góc sân, được vợ chồng Lý Thị Hịp thiết kế đơn sơ, dân dã mà thú vị. Đồ ăn được bày trên cái mẹt tre, gồm: gà đen luộc, gà đồi luộc, thịt heo hun khói, các món măng chua, măng đắng, canh lá rừng, ngũ gia bì... Thịt gà bản địa có vị thơm, ai cũng khen “thật là gà”. Món thịt hun khói cũng ngon, ngậy mà không ngấy.
Trời khá lạnh nên rượu dễ uống. Vợ chồng Hịp sẵn sàng ngồi cùng mâm khách nếu được mời uống rượu đến tận khuya. Hịp bảo: “Cũng có những đoàn muốn yên tĩnh, không muốn bị ai làm phiền khi ăn. Nhưng đoàn nào mời giao lưu là nhà em giao lưu ngay”. Bên chén rượu, mọi người ngỡ ngàng khi biết vừa mới đây Hịp vinh dự là người phụ nữ duy nhất ở huyện Quản Bạ được tỉnh Hà Giang chọn đi dự Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII.
Cô gái Dao sinh năm 1990 kể, trước khi vợ chồng bàn bạc quyết định mở cửa làm homestay đón khách du lịch, cô đã có 3 năm làm nhân viên ở Dao Lodge (một ngôi nhà lớn nằm ngay đầu làng Nậm Đăm, được kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào thiết kế cho một công ty ở Hà Nội làm du lịch theo mô hình nhà trình tường đất).
Một đêm, vợ chồng cô thao thức bảo nhau: Tại sao nhà mình cũng có nhà đất, cũng nằm trong không gian văn hóa đậm bản sắc của bản làng vùng cao, mà người ta đón được khách tới thăm, tới ở (với giá thấp nhất cũng 700.000 đồng/đêm - cao điểm lên tới 1-2 triệu đồng) mà mình lại không làm được. “Mình chỉ lấy giá phòng 100.000 đồng/đêm thôi. Hướng đến những khách bình dân”- cô nói với chồng.
Ngay sau đó họ vay mượn, đầu tư một cái nhà trình tường dạng nhà sàn với chi phí 400 triệu đồng để đón khách. Để xem người dưới xuôi làm du lịch thế nào, thị hiếu của khách ra sao, Hịp bỏ 3 tháng xuống khu Ngõ Huyện (Hà Nội) để học kỹ năng nghiệp vụ. Rồi trở về quyết định rằng phải làm thêm 3 cái bungalow bên cạnh ngôi nhà sàn chính. Bởi không phải ai lên Nậm Đăm cũng thích ngủ chung nhà sàn, đi WC chung. Mà họ muốn có phòng riêng tư, vệ sinh khép kín, nhất là các cặp uyên ương, vợ chồng.
Tuy nhiên cô không xây kiểu nhà bê-tông, phòng hộp như ở bản Lác (Mai Châu - Hòa Bình) và nhiều nơi khác, mà phát triển từ một mẫu lều lắp ghép, bungalow biển nhưng vật liệu làm hoàn toàn bằng đất và gỗ, như chính những ngôi nhà bản địa, để tạo nên sự đồng nhất và đơn giản, không hổ lốn.
Đến nay, cũng có thêm 3-4 nhà xây dựng được bungalow như vợ chồng Hịp. Mỗi căn cũng chỉ 100 triệu đồng là xong, không tốn quá nhiều, mà tạo thêm sự thoải mái cho du khách, còn tạo thêm không gian kiến trúc. Tôi ngỡ ngàng hơn khi biết vợ chồng Hịp còn đưa homestay của mình lên cả hai mạng đặt phòng trực tuyến nổi tiếng là Agoda.com và Booking.com để tiếp cận khách quốc tế.
Vui - buồn và những trăn trở
Được hỏi những kỷ niệm vui thì chồng Hịp là Lý Tà Hí bảo có nhiều chuyện lắm. Nhưng ấn tượng nhất là ngay khi khai trương homestay thì có hai khách là cặp đôi đến ở. Thời gian sau họ gọi lên báo đã cưới nhau vì có “thành quả” từ “cái đêm hôm ấy” ở Nậm Đăm. Nhưng câu chuyện buồn cũng rất nhiều.
Theo Hịp, buồn nhất là homestay khai trương được thời gian thì đại dịch Covid-19 đến. Buồn hơn là không phải ai cũng biết, cũng tới Nậm Đăm. Trước đây từ TP Hà Giang, người ta thường chỉ dừng lại ngắm núi đôi chốc lát rồi đi thẳng lên Đồng Văn - Mèo Vạc chứ không ở lại. Cảnh quan ở Quản Bạ cũng đẹp lắm, nhưng chưa được đầu tư khai thác, nên vẫn ngủ vùi.
Câu chuyện người Nậm Đăm làm homestay cũng chỉ là may mắn, tình cờ! Lý Tà Đành, chủ một homestay ở Nậm Đăm từng kể với tôi rằng, cách đây khoảng 8-9 năm, khi khách du lịch bắt đầu nườm nượp đổ lên Hà Giang để ngắm hoa tam giác mạch, có một số đoàn du khách nước ngoài đi phượt đã tình cờ gặp vẻ đẹp độc lạ của những ngôi nhà trình tường bằng đất ở Nậm Đăm, nên ngỏ lời muốn ngủ lại một đêm, muốn ăn một bữa với chính gia chủ, bằng những món ăn dân dã của người sở tại. Sau đó, các đoàn khách ngày càng nhiều hơn.
Một nhà mở cửa đón khách làm homestay rồi 2-3-4 nhà... Những ngôi nhà to, đẹp nhất thường được lựa chọn. Gặp nhau ở nhà văn hóa của thôn, Lý Tà Thi cũng cho biết đang vội về để hướng dẫn thợ thi công căn nhà trình tường mới, khẩn trương đưa vào làm homestay đón khách. Đến khoảng những năm 2018-2019 thì không chỉ có khách nước ngoài mà lác đác khách Việt cũng bắt đầu biết tới Nậm Đăm, số lượng đặt phòng ngày càng nhiều hơn.
Trong tổng số hơn 60 nóc nhà ở đây, đến nay đã có 25-26 nhà mở cửa đón khách. Theo Lý Tà Đành và Lý Tà Thi, chính quyền và Phòng VH-TT-DL huyện Quản Bạ rất quan tâm tới mô hình homestay ở Nậm Đăm, luôn hỗ trợ về chính sách, giúp vay vốn, hướng dẫn kỹ năng nghiệp vụ du lịch để bà con đầu tư, nâng cấp nhà cửa đón khách. Tuy nhiên huyện yêu cầu những gia đình nào đảm bảo tiêu chuẩn về nhà vệ sinh, phòng ngủ và an toàn thực phẩm mới cho đăng ký làm cơ sở lưu trú.
Kế hoạch mà huyện Quản Bạ đặt ra là đến năm 2020 sẽ có 100% gia đình ở đây làm homestay, đưa Nậm Đăm trở thành mô hình tiêu biểu của Hà Giang. Nhưng đại dịch Covid-19 xảy ra đã gây xáo trộn về du lịch. Có những homestay phải tạm đóng cửa vì không có khách. Chủ homestay phải đi xa để làm thuê. Nhiều người cũng không còn hứng thú nữa hoặc do dự có nên làm homestay hay không? Mặc dù vậy, vẫn có những chủ homestay miệt mài đổi mới cách nghĩ, cách làm để bám trụ với mô hình, chẳng hạn như vợ chồng Lý Thị Hịp.
Tôi thực sự ấn tượng với “phong cách” làm homestay của người Dao ở Nậm Đăm là trong thời gian tiếp đón khách đến ở cũng như khi lao động sản xuất trên nương rẫy, bà con vẫn mặc nguyên bộ trang phục dân tộc của mình, chứ không chuyển sang các loại trang phục, “style” hiện đại như nhiều nơi đang bị đô thị hóa - hiện đại hóa, như ở Sa Pa chẳng hạn. Bây giờ ở Hà Giang đã mọc lên rất nhiều làng homestay như tại bản Tha, bản Tùy ở quanh TP Hà Giang và hàng trăm homestay nằm rải rác ở Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh...
Thậm chí ngay tại Mèo Vạc còn có làng homestay du lịch cộng đồng Pả Vi của người Mông ở dưới chân đèo Mã Pì Lèng. Nhưng ở nhiều nơi, chủ homestay lại là các nhà đầu tư ở dưới xuôi lên mua đất làm du lịch. Còn ở Nậm Đăm, gần như 100% là người Dao, người làng Nậm Đăm. Ông Lý Tà Cái (bố chồng Hịp) kể cũng có nhiều người Hà Nội hỏi mua đất Nậm Đăm để xây dựng homestay nhưng bà con không bán. “Để bảo tồn bản sắc văn hóa, thôn có quy định nhà nào mà muốn xây dựng nhà mới thì phải làm đúng y nguyên mẫu nhà trình tường truyền thống. Phải làm bằng đất, không được làm nhà xi măng, bê-tông cốt thép”- ông Lý Tà Cái nói.
Văn Phúc
Điện thoại: 0909.140.866
Email: info@irrmanagement.com.vn