Một trong những "miếng mồi ngon" của bọn khủng bố là những khách sạn sang trọng, bởi vấn đề an ninh không được giới chức quan tâm cẩn trọng, lại luôn tập trung đông người, gây được tổn hại nặng nề về mặt tài chính nếu đánh bom thành công và “có tiếng vang lớn” do giới truyền thông luôn có mặt kịp thời để đưa tin. Một bằng chứng cụ thể là ngày 27/11/2008, bọn khủng bố xuất phát từ Pakistan đã tấn công khách sạn Taj Mahal Palace sang trọng bậc nhất tại trung tâm tài chính Mumbai của Ấn Độ, làm 119 người chết và hơn 300 người bị thương, trong đó có rất đông người nước ngoài.
Đó là khẳng định của ông Anthony C. Roman, Giám đốc điều hành Hãng Roman and Associates, một hãng chuyên tư vấn quản lý rủi ro và an ninh khách sạn trên khắp thế giới.
Theo ông Anthony C. Roman, những nhà quản lý khách sạn cần hiểu bản chất và cách hành động của bọn khủng bố để xây dựng chiến lược an ninh cho khách sạn; thấy được những điểm yếu của khách sạn mình để tăng khả năng chặn đứng các vụ tấn công của bọn khủng bố, và khi khủng bố đã xẩy ra thì có cách khắc phục nhanh nhất để hạn chế tối đa thiệt hại về người và của. Đối phó với những kẻ khủng bố không phải là công việc dễ dàng, nhưng cách có hiệu quả nhất là huấn luyện nhân viên an ninh của khách sạn giỏi võ nghệ, có chiến thuật trấn áp kẻ thù, sử dụng thành thạo một số loại vũ khí chuyên dụng. Muốn vậy, không có cách nào khác là gửi họ đi đào tạo ở những trường an ninh, quân sự chuyên nghiệp. Công việc rất quan trọng nửa là phối hợp chặt chẽ với cảnh sát địa phương để đánh giá đúng những rủi ro an ninh cho khách sạn; đặt ra các điều kiện khác thường trong việc tuyển nhân viên để làm nản lòng những kẻ có ý định xấu và lọc ra những nhân viên có lý lịch trong sạch nhằm tăng hiệu quả an ninh khách sạn; tham gia vào các tổ chức khách sạn để được cung cấp những công cụ và phương pháp mới nhất trong việc chống khủng bố. Chẳng hạn tham gia vào Hiệp hội Nhà hàng và Khách sạn Quốc tế (IH&RA), Hiệp hội Các Nhà quản lý khách sạn Châu Âu (EHMA)… Khách sạn luôn phải cử nhân viên trực nhận tin khủng bố, có thể xẩy ra khủng bố từ các cơ quan an ninh địa phương. Thường xuyên kiểm tra để phát hiện những lỗ hổng trong thủ tục check in nhằm ngăn chặn những kẻ khủng bố trà trộn vào khách sạn. Ứng dụng công nghệ hiện đại nhất để kiểm tra an ninh. Luôn cảnh giác với vành đai ngoài của khách sạn, các hành lang, những khu vực khuất tầm nhìn…
Nhân đây xin nêu một ví dụ về việc đảm bảo an ninh tại khách sạn Intercontinental Saigon (TP.Hồ Chí Minh) khi được Diễn đàn Kinh tế Thế giới chọn tổ chức hội nghị tại đây vào tháng 6-2010, quy tụ các nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo các công ty đa quốc gia bàn về các vấn đề kinh tế thế giới. Mặc dù giờ họp và các buổi hội thảo, gặp gỡ riêng lẻ được lên kế hoạch chi tiết từng phút một, nhưng sự xuất hiện của các nhân vật trọng yếu được giữ kín và không ai rõ họ đi qua cổng nào của khách sạn. Xe vào bãi đậu ngầm đều được lực lượng an ninh kiểm tra chất nổ. Mọi đại biểu bắt buộc phải để túi xách, điện thoại, laptop chạy qua máy kiểm tra vũ khí và chất nổ, và bản thân họ cũng phải được kiểm tra an ninh bằng cách như vậy. Các phóng viên trong và ngoài nước được mời buộc phải đăng ký qua mạng để lấy thẻ. Các mẫu khai báo trên mạng rất chi tiết, đủ để gây nản lòng những người nếu không vì công việc sẽ phải từ bỏ đang ký dự hội nghị. Toàn bộ thông tin cá nhân sẽ được chuyển đến cơ quan an ninh để kiểm tra, ai đáp ứng đủ các điều kiện của họ mới được cấp thẻ ra vào.
Dĩ nhiên toàn bộ công tác vừa kể trên đều do cơ quan an ninh Việt Nam đảm nhiệm và thực hiện luôn việc bảo vệ quan khách, lực lượng an ninh của khách sạn chỉ phụ giúp.
Rõ ràng cuộc chiến chống khủng bố phải phụ thuộc rất nhiều vào lực lượng chuyên nghiệp.
Thiên Thảo
Điện thoại: 0909.140.866
Email: info@irrmanagement.com.vn