Đợt dịch lần thứ 4 với một số biến chủng mới từ Anh, Ấn Độ diễn biến phức tạp, lây lan nhanh, nguy cơ tử vong cao khó đoán trước. Và một thực tế nữa cũng đang phơi bày ra trước mắt chúng ta. Bây giờ dường như rất khó truy F0. Có khi F1 bị dương tính sẽ trở thành F0. Có lúc F1 không dương tính mà F2 tiếp xúc với F1 này lại dương tính.
Cũng có người cách ly xét nghiệm ba hoặc bốn lần đều âm tính, nhưng tới lần xét nghiệm thứ năm lại dương tính; hoặc người thì tới sau 30 ngày mới phát hiện ra dương tính.
Nói chung bây giờ việc truy vết xác định các ca là khá khó khăn, không giống như những đợt dịch trước. Mọi thứ bây giờ dường như đã đảo lộn. Và như thế, công việc trị dịch, khoanh vùng, cách ly hay tuyên bố bất kỳ kết quả nào thì cũng phải có nhiều kịch bản và thận trọng hơn.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy năm 2020 có hơn 100.000 doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn; và làm thủ tục giải thể bình quân mỗi tháng là 8.500 doanh nghiệp.
Những tháng đầu năm 2021 con số phá sản, tạm dừng kinh doanh tiếp tục tăng. Cụ thể, quí 1-2021 có 40.323 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó có 23.837 tạm dừng kinh doanh chiếm 59,1% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong quí 1. Còn lại là số doanh nghiệp dừng hoạt động, chờ phá sản hay chờ hoàn tất thủ tục giải thể.
Bức tranh này phản ánh sự khó khăn của điều kiện sản xuất kinh doanh của nhiều ngành đã và đang giảm sâu do tác động của đại dịch Covid-19.
Một bức tranh khác do Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau khi khảo sát nhanh tại bốn địa phương Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng và Đà Nẵng với tổng số 350 doanh nghiệp, cho thấy có 24,2% doanh nghiệp đang thực hiện thủ tục tạm dừng kinh doanh; trong số này, một tỷ lệ rất lớn - 75,3% -, là các doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh do tác động của đại dịch Covid-19.
Khoảng 85% trong 350 doanh nghiệp nói trên chỉ rõ ra rằng chính dịch Covid-19 là nguyên nhân tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp của họ.
Dịch âm ỉ kéo dài bóp nghẹt doanh nghiệp, làm đứt gãy chuỗi cung ứng, phá vỡ các giao dịch thương mại quốc tế; ngành du lịch “đói” khách, ngành dệt may, da giày là đói đơn hàng.
Riêng Tổng cục Thuế thì cho rằng đến giữa tháng 5-2021 tổng thu ngân sách lũy kế cũng chỉ đạt 45,4%. Và căn cứ số liệu khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp của 2020 so với năm 2019 cùng với việc thực hiện Nghị định 52/2021/NĐ CP về gia hạn thuế, tiền thuế đất, dự kiến hai khoản này lần lượt sẽ thu được trong tháng 4-2021 là 10.500 tỉ đồng và 16.000 tỉ đồng. Nhưng thực tế hai khoản thuế này chỉ đạt lần lượt 7,1% và 8,3% của dự toán.
Ngọn nguồn của sự việc hay bức tranh toàn cảnh của kinh tế Việt Nam cần phải tiếp tục được mổ xẻ, phân tích thật kỹ và cho dù biết rằng chính Đại dịch Covid-19 là tác nhân chính, Chính phủ cũng cần có thêm các kịch bản cho kinh tế, để mục tiêu kép không bị phá sản.
Bởi sự khó khăn của từng doanh nghiệp phải tự hứng chịu thiệt tình phải nói là quá lớn, về lâu về dài sẽ không kham nổi.
Bởi hiện giờ khó khăn đang đến từ nhiều phía: từ sản xuất kinh doanh lưng chừng, thị trường bị đảo lộn, xuất nhập khẩu bị đảo lộn dòng tiền cũng thế. Đấy là chưa kể đến việc công nhân phải được nuôi dưỡng; đơn hàng bị giảm sút khiến cho, sản lượng cũng phải giảm, tồn kho tăng. Cần biết rằng chi phí khó giảm nhiều, thương người lao động thì không nỡ bỏ, và phải căng đầu để cố ngăn chặn hoặc giảm thiểu tình trạng mất thanh khoản, nợ xấu ngân hàng...
Có một số phóng viên đã đồng hành cùng doanh nghiệp và họ cũng đã nói rõ là, hiện nay doanh nghiệp rất cần được bảo vệ, cần có phao cứu sinh, qua đó mới nuôi dưỡng nguồn thu là thuế được.
Riêng đối với tôi, một người đã hơn 30 năm hoạt động sản xuất kinh doanh, đây có lẽ là thời khắc nhìn thấu rõ nhất nỗi thống khổ của doanh nghiệp nói chung; cũng thấy rõ rằng doanh nghiệp giàu hay doanh nghiệp ít tiền đều đang phải khóc.
Theo Đỗ Long - Kinh tế Sài Gòn
Điện thoại: 0909.140.866
Email: info@irrmanagement.com.vn