Dòng tháo vốn kỷ lục
Ấn Độ đang hứng chịu làn sóng Covid-19 khủng khiếp, với mức gia tăng trên 300.000 ca mắc mới và hơn 3.000 người chết mỗi ngày. Tỷ lệ thuận với sự gia tăng dịch bệnh là dòng chảy vốn đầu tư.
Theo dữ liệu từ các trung tâm lưu ký, các nhà đầu tư danh mục nước ngoài (FPI) đã rút tổng cộng 96,59 tỷ Rs (hơn 1,3 tỷ USD) khỏi thị trường chứng khoán Ấn Độ trong tháng 4. Đây là lần rút ròng đầu tiên kể từ tháng 9-2020, khi FPI rút ròng 77,82 tỷ Rs khỏi cổ phiếu.
Trước đó, các FPI đã đầu tư hơn 1.970 tỷ Rs (26,6 tỷ USD) vào cổ phiếu từ tháng 10-2020 đến tháng 3-2021. Con số này bao gồm khoản đầu tư ròng 7,52 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm nay. Theo báo cáo của ngân hàng Pháp Societe Generale, nhà đầu tư quốc tế đã rút hơn 6 tỷ USD ra khỏi Ấn Độ trong tháng 4; cùng kỳ, đồng rupee trượt giá gần 2%.
"Trong trường hợp của Ấn Độ, làn sóng coronavirus thứ 2 dữ dội và ảnh hưởng của nó với nền kinh tế đã dẫn đến áp lực bán ra của các tổ chức nước ngoài" - Gaurav Dua, Trưởng chiến lược thị trường vốn của BNP Paribas, nói.
Ngoài vốn chủ sở hữu, các FPI đã bán bớt chứng khoán nợ trị giá ròng 15,9 triệu USD vào tháng trước. Các FPI đã bán ròng trong phân khúc này kể từ tháng 1.
"Đại dịch Covid-19 đã lan rộng khắp các quốc gia và khu vực, nhà đầu tư nước ngoài đã tìm cách giảm bớt rủi ro. Họ chuyển sang các thị trường an toàn hơn như vàng hoặc USD” - Himanshu Srivastava, Giám đốc Nghiên cứu Phân tích Cấp cao tại Morningstar India, cho biết.
Nền kinh tế kéo lùi 20 năm?
Vào hạ tuần tháng 4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vẫn dự báo lạc quan về Ấn Độ, với GDP tăng trưởng khoảng 12,5% trong năm nay, mức cao nhất trong những nền kinh tế lớn trên thế giới. Song giờ đây, khi số ca mắc Covid-19 tại Ấn Độ tăng với tốc độ chóng mặt, triển vọng tăng trưởng kinh tế của nước này gặp thách thức lớn.
Tổng mức bán lẻ suy giảm mạnh, trong khi các thông số đo lường hoạt động của doanh nghiệp cũng thay đổi theo chiều hướng tiêu cực. Đây được xem là nguy cơ lớn, bởi tiêu dùng chiếm khoảng 60% GDP của Ấn Độ. Các nhà kinh tế dự báo tác động của làn sóng lây nhiễm lần này sẽ mạnh lên trong vài tuần tới, khi dịch còn chưa lên đỉnh, còn hoạt động di chuyển, sản xuất sẽ tiếp tục bị hạn chế.
Chuyên gia Kristy Fong, Giám đốc cấp cao bộ phận đầu tư tài sản ở các thị trường châu Á thuộc quỹ Aberdeen Standard, cho rằng lây nhiễm gia tăng sẽ khiến Ấn Độ tái áp đặt phong tỏa một phần ở các thành phố, bang bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí có thể phải đóng cửa toàn bộ nếu tình hình không được cải thiện.
Đây sẽ là cú giáng mạnh vào nỗ lực mở cửa trở lại cũng như triển vọng phục hồi của nền kinh tế nước này. Bi quan hơn, chuyên gia Hu Zhiyong, người đang theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh ở Ấn Độ, cho rằng đại dịch lần này có thể sẽ kéo nền kinh tế Ấn Độ quay trở lại quy mô như 20 năm trước, thậm chí còn ảnh hưởng đến cả sự ổn định của Nam Á.
Điều đáng lo ngại là chính phủ Ấn Độ hầu như còn rất ít dư địa cho các biện pháp tài chính, vì đã tung ra khoản vay gần kỷ lục 12.100 tỷ Rs (tương đương 162 tỷ USD) trong năm nay để thúc đẩy chi tiêu trong nền kinh tế. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) cũng đã cắt giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục vào năm ngoái. Ấn Độ cũng có thể phải phát hành trái phiếu nhiều hơn để huy động tiền nhằm đối phó với làn sóng dịch bệnh lần thứ 2.
Tuy nhiên, theo chuyên gia B. Prasanna tại ICICI Bank, những lo ngại về tăng trưởng xuất hiện khi đợt dịch mới bùng lên, cộng với lạm phát có thể vẫn tiếp tục duy trì, sẽ khiến lợi suất trái phiếu khó giảm, bất chấp những nỗ lực của RBI.
Cơ hội cho Việt Nam?
Theo báo cáo của Đơn vị phân tích kinh tế (EIU) thuộc tạp chí The Economist hồi tháng 1, đối thủ chính của Việt Nam trong việc thay thế Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới chính là Ấn Độ, với nhiều chỉ số vượt trội so với Việt Nam.
Chẳng hạn, về cơ sở hạ tầng cảng, Ấn Độ đứng thứ 51 trong số 139 quốc gia về Chỉ số Chất lượng cơ sở hạ tầng cảng, trong khi Việt Nam giữ vị trí thứ 85. Về áp dụng công nghệ và tự động hóa, Ấn Độ đứng thứ 18, Việt Nam đứng thứ 24 về Chỉ số sẵn sàng tự động hóa. Ngoài ra, tổng chi tiêu cho nghiên cứu phát triển (R&D) của Ấn Độ tính theo phần trăm GDP gần như gấp đôi so với Việt Nam.
Về nguyên liệu, các ngành công nghiệp Việt Nam dựa vào nhập khẩu để sản xuất hàng hóa. Phần lớn nguyên liệu được lấy từ bên ngoài. Trên thực tế 70-80% nguyên liệu dệt và nhựa, 75-80% linh kiện điện tử và 85-90% nguyên liệu dược phẩm đến từ Trung Quốc. Trong khi đó, năng lực sản xuất nguyên liệu thô của Ấn Độ rất mạnh. Đồng thời, nước này là nhà sản xuất bông lớn nhất và nhà sản xuất thép lớn thứ 2 trên toàn cầu. Do đó, nguồn nguyên liệu sẵn có rất dễ dàng.
Về lao động, dù báo cáo của EIU chấm điểm Việt Nam cao hơn Ấn Độ, nhưng dữ liệu khác cho thấy Ấn Độ vượt trội so với Việt Nam. Ấn Độ có lực lượng lao động hùng hậu hơn 500 triệu người, với khoảng 5-10 triệu người được bổ sung mỗi năm. Mức lương ngành sản xuất hàng tháng dao động trong khoảng 110-130USD. Trong khi đó, Việt Nam có khoảng 57,5 triệu lao động, với mức lương trung bình dao động 130-190USD/tháng.
Tuy nhiên, với làn sóng Covid-19 thứ 2 đang hoành hành dữ dội, chắc chắn các chỉ số này sẽ thay đổi. Đặc biệt, về lao động, đại dịch khiến việc tìm kiếm nhân công ở Ấn Độ sẽ khó khăn hơn, nhất là khi chính phủ hoặc các chính quyền tiểu bang buộc phải tiến hành các biện pháp đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.
Vì vậy, nếu Việt Nam tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh như thời gian qua, đây sẽ là cơ hội để Việt Nam thu ngắn khoảng cách với Ấn Độ trong việc thu hút đầu tư nước ngoài thời gian tới.
Văn Cường – Sài Gòn đầu tư
Điện thoại: 0909.140.866
Email: info@irrmanagement.com.vn