6 tháng đầu năm đã trôi qua khá nặng nề với thực trạng khác hẳn so với các dự đoán lạc quan hồi đầu năm. 2 đợt dịch xảy ra liên tiếp và kéo dài làm đảo lộn mọi kế hoạch, dự định của các công ty BĐS. Đến đợt dịch lần 4 này thị trường gần như ngưng trệ hẳn. Đây như một rào chắn buộc tất cả hoạt động phải dừng lại vì an toàn sức khỏe. Nó là cú đánh trực diện vào thị trường BĐS không có cách nào né tránh được. Công ty nào nhanh chân, giữa 2 đợt dịch còn tranh thủ được đôi chút, còn không đành bó tay, bó chân ngồi chờ cơ hội khi dịch bệnh qua đi.
Nhìn lại 6 tháng đầu năm có thể gói gọn trong các đánh giá sau để dễ hình dung diễn biến thị trường: lạc quan - thận trọng - chờ đợi. Điều đó có nghĩa, chưa kịp trở tay dịch bệnh đã ập tới và phải chờ tiếp cơ hội ở 6 tháng cuối năm. Vậy 6 tháng cuối năm thị trường BĐS sẽ ra sao, câu trả lời không nằm ở yếu tố thị trường quyết định, mà hoàn toàn tùy thuộc khả năng kiểm soát dịch bệnh như thế nào, do đây là hoàn cảnh bất khả kháng.
Đến thời điểm này chúng ta phải nhìn nhận vào một thực tế, là dịch Covid-19 sẽ tiếp tục kéo dài, khó xác định thời điểm nào sẽ kết thúc. Việt Nam cũng như thế giới sẽ buộc phải tiến đến giai đoạn cùng chung sống với nó. Chúng ta có thể phải hy sinh tiếp quý III để truy vết dịch trong cộng đồng và triển khai tiêm vaccine tối đa cho người dân. 2 kịch bản có khả năng xảy ra vào 6 tháng cuối năm.
Kịch bản tích cực, là thị trường phục hồi một phần vào giữa quý III và khởi sắc trở lại trong quý IV, với giả thiết tối thiểu 50% người dân được triển khai chích vaccine, trong đó các công ty BĐS có 100% nhân viên được chích vaccine. Thị trường 6 tháng cuối năm có khả năng tăng trưởng ít nhất 25-30% so với 6 tháng đầu năm. Tỷ lệ lý tưởng này kỳ vọng đạt được với điều kiện các doanh nghiệp BĐS tăng tốc tối đa để bù lại 6 tháng đầu năm.
Kịch bản xấu hơn là tiếp tục mất thêm quý III để dập dịch, vaccine không đủ để triển khai cho dân và chỉ đạt mức dưới 30%. Các công ty BĐS vì vậy có chưa đến 50% nhân viên được chích. Thị trường 6 tháng cuối năm khả năng tăng trưởng không cao do các doanh nghiệp dần bị đuối sức. Việc duy trì bộ máy hoạt động đã là gánh nặng cho họ. Các kế hoạch sản xuất kinh doanh bị phá vỡ, doanh thu sẽ sụt giảm nghiêm trọng. Toàn thị trường chung sẽ khó tăng trưởng trên mức 20% so với 6 tháng đầu năm, nếu không nhận được các sự trợ lực cần thiết và kịp thời.
Tuy nhiên trong cả 2 kịch bản vẫn có những yếu tố ngoại lực tác động vào thị trường. Đó là trợ lực từ cơ chế chính sách của Nhà nước, các gói hỗ trợ doanh nghiệp, gói kích cầu tiêu dùng, tiến độ giải ngân các gói đầu tư công, tiến độ tháo gỡ nút thắt pháp lý... Sự trợ lực này sẽ ảnh hưởng trực tiếp lẫn gián tiếp đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư và tâm lý thị trường chung theo chiều hướng lạc quan hay thận trọng.
Nhìn về phía trước, chúng ta hiểu rằng cần phải nắm bắt mọi cơ hội vào 6 tháng cuối năm, tăng tốc tối đa để bù lại khoảng thời gian đã mất do ảnh hưởng dịch bệnh. Các doanh nghiệp vẫn rất bền bỉ để chiến đấu với cuộc chiến mang tính sống còn này. Chúng ta kỳ vọng kịch bản tích cực sẽ xảy ra và doanh nghiệp sẽ còn nhiều cơ hội để bật dậy, bước tiếp dù khó khăn và thử thách vẫn còn đó. Năm nay chỉ cần đạt được 50% so với mục tiêu kế hoạch đề ra đã là thành công lớn của các doanh nghiệp BĐS.
Nguyễn Thu Hương, Tổng giám đốc Vạn Phúc Land
Điện thoại: 0909.140.866
Email: info@irrmanagement.com.vn