Thời điểm biên giới các nước vẫn mở cửa và các khách sạn luôn đầy khách, Oyo, chuỗi startup khách sạn Ấn Độ do tập đoàn viễn thông Nhật SoftBank hậu thuẫn, đang không ngừng tăng tốc hướng đến mục tiêu trở thành chuỗi khách sạn lớn nhất thế giới. Nhưng nay Oyo là một bức tranh khác hẳn. Hãng này đã rút khỏi thị trường châu Âu và Mỹ và đã cắt giảm tới 2/3 trong số 30.000 nhân viên trên toàn cầu.
Ra mắt vào năm 2013, Oyo vẫn chưa mang lại lợi nhuận trong khi SoftBank đã giảm mạnh mức định giá của startup này từ 10 tỉ USD năm 2019 xuống còn chỉ 3 tỉ USD và trong vài tuần gần đây đã chấm dứt liên doanh Mỹ Latinh chỉ sau 6 tháng. “Tăng trưởng sẽ khiêm tốn so với trước đây", Ritest Agarwal, nhà sáng lập kiêm CEO Oyo, cho biết khi công ty này tập trung sự chú ý vào các khách sạn ở Ấn Độ và Đông Nam Á và phân khúc cho thuê kỳ nghỉ ở châu Âu. Đầu tư vào Trung Quốc, Anh, Mỹ - các thị trường trước nay là tâm điểm trong chiến dịch toàn cầu của Oyo - sẽ rất “hạn chế", Agarwal nói thêm. Ông thừa nhận Oyo sẽ khó có thể trở thành kẻ dẫn đầu ở các thị trường này. Theo tiết lộ của Oyo, số phòng đã giảm 16%.
Được rót hàng tỉ USD từ SoftBank và các hãng đầu tư mạo hiểm như Sequoia Capital và Lightspeed Venture Partners, Oyo đã ra sức nhân bản sự thành công của Công ty khi bắt tay với các khách sạn giá rẻ Ấn Độ để ứng dụng công nghệ đặt phòng và làm thương hiệu nhằm bành trướng mạnh mẽ ra khắp thế giới. Oyo đã phình to trở thành một trong những chuỗi khách sạn lớn nhất Trung Quốc sau khi đặt chân vào năm 2017 trước khi bước vào Anh năm 2018 và Mỹ trong năm tiếp theo. Oyo cũng đã bành trướng vào châu Âu với thương vụ thâu tóm hãng cho thuê kỳ nghỉ @Leisure từ Axel Springer với giá 415 triệu USD.
Ở thời đỉnh điểm, Oyo tuyên bố đã có tới 1,2 triệu phòng ở 80 quốc gia, nhắm đến các đơn vị hoạt động độc lập đang chật vật cạnh tranh với các chuỗi lớn hơn. Nhưng chiến dịch bành trướng này đã làm Công ty loạng choạng thậm chí trước cả khi đại dịch bùng nổ. Oyo khi đó đã “chảy máu" ở các thị trường cốt lõi do chính sách thanh toán các khoản bảo đảm tối thiểu hằng tháng cho các khách sạn buộc startup nay phải tiếp vốn cho các đơn vị đang làm ăn thua lỗ. Hiện tại, Oyo đã chuyển sang mô hình cùng chia sẻ doanh thu.
Oyo vẫn chưa công bố báo cáo kinh doanh của năm tài chính kết thúc vào tháng 3.2020 nhưng năm trước đó, mức lỗ ròng của Oyo đã gấp 6 lần lên tới 335 triệu USD. Năm ngoái Oyo đã lỗ hằng tháng lên tới 15 triệu USD khi đại dịch COVID-19 buộc các khách sạn phải đóng cửa và hoạt động lữ hành trên thế giới bị đóng băng, nhưng Agarwal cho biết tình hình đã cải thiện hơn trước. Tại Ấn Độ, thị trường lớn nhất của Oyo, tỉ lệ lấp đầy hiện chỉ bằng khoảng phân nửa thời điểm trước COVID-19. Oyo đã rút lui khỏi hàng trăm thành phố trong khi nhảy vào các mô hình kinh doanh phụ trợ khác như mô hình căn hộ chia sẻ co-living.
Oyo cho biết các mô hình phụ trợ này đã ghi nhận những dấu hiệu phục hồi rất tốt. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh tại các thị trường khác vẫn lao đao. Tại Anh, thị trường đầu tiên của Oyo ở bên ngoài châu Á, Công ty đã cắt giảm số nhân viên từ 550 xuống còn chưa tới 100. Trong khi đó, thành công ở thị trường Trung Quốc đóng vai trò quan trọng đối với nỗ lực vực dậy mức định giá của Công ty, nhưng tại đây, số phòng trên nền tảng của Oyo đã giảm từ 500.000 xuống còn chưa tới 100.000 phòng. Công ty đã giảm số lao động ở Trung Quốc từ mức đỉnh 8.000 9.000 người vào năm 2019 xuống còn chưa tới 2.000 người vào cuối năm 2020.
Các cựu nhân viên nhận xét Oyo là nền văn hóa bị ám ảnh bởi mục tiêu, trong khi một số chủ khách sạn than phiền công nghệ của Công ty kém cỏi, giá phòng thấp và thanh toán lại trễ. Doug Pudney, nhà điều hành ngành khách sạn lâu năm từng dẫn dắt các bộ phận ở Anh của Oyo, cho rằng Oyo khó có thể bám trụ ở Anh đến cuối năm nay. "Đang tồn tại những vấn đề toàn cầu rất lớn ở Oyo nhưng họ sẽ đổ lỗi cho COVID-19".
Không chỉ vậy, các chủ khách sạn ở nhiều nơi đều nói rằng Oyo đã đẩy giá xuống mức đáy để lấp đầy phòng trống và để đạt các mục tiêu đặt ra trong khi bóp biên lợi nhuận của các chủ sở hữu khách sạn xuống mức gần như không còn gì cả. Oyo giải thích thuật toán định giá của Công ty được căn cứ dựa trên “các xu hướng sức cầu đang thay đổi" cũng như những yếu tố địa phương và thuật toán này nhằm cải thiện doanh thu thuần của các khách sạn. “Họ chỉ đưa ra lời hứa sáo rỗng mà thôi. Ai nấy cũng chán nản và mệt mỏi", Vikram Shetty, một thành viên của Hiệp hội Các chủ khách sạn ở Pune, một thành phố phía Tây Ấn Độ, cho biết. Tại Ấn Độ và Trung Quốc, các khách sạn đối tác của Oyo đã phản đối trước việc thu nhập tôi thiểu được cam kết trong khi cuộc theo đuổi tăng trưởng ráo riết của Công ty đang bị săm soi bởi các nhà chức trách chống cạnh tranh Ấn Độ.
Agarwal nói rằng Oyo đã thay đổi thuật toán để cho phép các chủ khách san điều chỉnh giá 10%, mà ông cho rằng đã giúp giảm tới 70% lời than phiền từ các chủ khách sạn về giá phòng. Ông cũng đang giám sát công nghệ chặt chẽ hơn và cho biết Oyo đang tăng thêm 30.000 đến 40.000 phòng mỗi tháng". Vào tháng 1 vừa qua Công ty tuyên bố nhận được 7,8 triệu USD vốn đầu tư từ Hindustan Media Ventures cũng như một khoản đầu tư chưa được tiết lộ từ tỉ phú Thuỵ Điển Martin Soderstrom.
Oyo có khoảng 1 tỉ USD tiền mặt tính đến tháng 9.2020 nhưng Agarwal cho biết các khoản chi tiêu hằng tháng đã ăn vào số tiền này. “Với số vốn hiện có, chúng tôi có thể xây dựng một công ty có căn cơ tốt một cách an toàn", ông nói. Agarwal dự đoán một cuộc phục hồi đáng kể trong thời gian tới nhưng nhấn mạnh đây có thể chỉ là phục hồi tạm thời vì không biết rõ khi nào làn sóng COVID-19 thứ 3, thứ 4 xảy ra. It nhất, cuộc đua vaccine COVID-19 trên toàn cầu cũng giúp cho Agarwal cảm thấy tự tin hơn về triển vọng sắp tới.
Theo Quốc Ngô - Nhịp cầu đầu tư
Điện thoại: 0909.140.866
Email: info@irrmanagement.com.vn