Logo

Butler - Người phục vụ đẳng cấp

Khởi thủy của nghề butler chính là người bảo quản và hầu rượu cho các ông chủ. Suốt từ cổ đại đến trung cổ, đồ uống có cồn chủ yếu được lưu trữ trong chậu bằng đất nung rồi đến thùng gỗ, chứ không phải trong chai thủy tinh như bây giờ. Đó là một phần tài sản quan trọng, tượng trưng cho sự giàu có của một gia đình và việc trông coi chúng thường dành cho các người làm đáng tin cậy. Theo từ điển trực tuyến Wikipedia, từ butler là sự hòa quyện phái sinh từ các từ bouteleur (người hầu), bouteillier (người mang chai), bouteille (chai) trong tiếng Pháp; các từ butticula, buttis trong tiếng Latin hay là từ boteler trong tiếng Anh… 

 

Trong suốt thế kỷ XIX, số lượng butler cùng người phục vụ gia tăng ở nhiều nước châu Âu và Mỹ. Dần dà, butler trở thành một người hầu nam cao cấp nhất trong tất cả người làm thuê của một gia đình. 

 

Butler đứng đầu hệ thống phục vụ nghiêm ngặt cho chủ nhân của họ. Họ quản lý nhiều hơn là phục vụ. Ví dụ, mặc dù các butler đứng ngay cánh cửa để chào đón và công bố sự xuất hiện của một khách mời chính thức, nhưng cánh cửa thực sự được mở bởi một người hầu nào đó, người này sẽ nhận mũ và áo của khách. Mặc dù butler giúp chủ của mình mặc áo khoác, nhưng áo khoác sau đó lại được giao cho một người hầu khác. Tuy nhiên, những butler cao cấp nhất bao giờ cũng sẵn sàng bắt tay vào việc trong trường hợp cần thiết như là thiếu nhân viên, nhằm đảm bảo cho hệ thống phục vụ vận hành trơn tru.

 

Khi xã hội xóa bỏ dần sự chênh lệch giai cấp, tốc độ toàn cầu hóa diễn ra nhanh và mạnh thì phạm vi hoạt động của butler không còn hạn chế trong một gia đình. Nghề butler chính thức bước sang một kỷ nguyên mới với số lượng tăng lên đáng kể. Charles MacPherson, Phó Chủ tịch Hiệp hội Butler Chuyên nghiệp Quốc tế, cho biết một nguyên nhân nữa là số lượng triệu phú và tỉ phú đang tăng, đặc biệt là ở Trung Quốc, Trung Đông, Ấn Độ.... Tầng lớp nhà giàu mới nổi này mong muốn được hỗ trợ hết mức trong việc quản lý gia đình của họ. Năm 2007, số lượng butler ở Anh ước tính lên đến khoảng 5.000 người.

 

 

Butler có truyền thống mặc một bộ đồng phục khác hẳn so với người hầu thông thường. Mặc dù điều này nay vẫn được áp dụng nhưng butler có thể thay đổi đồng phục cho phù hợp với khí hậu nơi họ làm việc, bộ đồng phục sang trọng chỉ được dùng vào dịp đặc biệt. Tại Mỹ, butler có thể thường xuyên mặc áo sơ-mi hiệu Polo và quần Âu, trong khi ở Bali (Indonesia) họ thường mặc sarong (xà-rông).

 

Có rất nhiều trung tâm đào tạo butler, tập trung ở châu Âu như Viện Nghiên cứu Butler Anh, Học viện Quốc tế Butler Hiện đại, Hiệp hội Butler Chuyên nghiệp của Anh, Hiệp hội Butler & Quản lý Hộ gia đình Quốc tế. Các khách sạn hạng sang như Ritz-Carlton (Mỹ) cũng có thể tự đào tạo butler như một dịch vụ riêng của mình. Có thể gọi đó là “công nghệ butler”.

 

Butler thực sự đã trở thành một nghề có khả năng sinh lời cao. Tùy vào kỹ năng và sự cống hiến, mức lương trung bình của một butler trên thế giới dao động từ 50.000 USD đến 120.000 USD một năm. Một trong những butler được trả lương cao nhất nước Mỹ được người ta đồn kiếm đến 1.500.000 USD mỗi năm.

 

Butler ngày nay thường hoạt động như một trợ lý cá nhân, có thể được yêu cầu làm bất cứ nhiệm vụ nào của gia đình hay là cá nhân người chủ. Họ có thể đi du lịch với  chủ trên toàn thế giới, chuẩn bị chương trình hội thảo, làm sổ sách kế toán và nhiều hơn nữa.

 

Butler theo truyền thống phải là nam giới nhưng ngày nay, nữ butler đôi khi rất được ưa thích, đặc biệt là việc trong các gia đình giàu có ở Trung và Viễn Đông, nơi mà theo phong tục đạo hồi nam giới bên ngoài không được tiếp xúc với nữ giới trong gia đình. Và hãy nhớ rằng Bbutler phải làm việc cả 24 giờ. 

 

Butler ở Việt Nam

 

Tại đất nước đang phát triển như Việt Nam, nghề butler thực sự chưa phổ biến. Nó dường như chỉ mới xuất hiện ở một số khách sạn, resort cao cấp như Sofitel Legend Metrople Hà Nội, Park Hyatt Sài Gòn hay là The Nam Hải… International Recreation & Resort Management Group (IRR Group) đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi với anh Bùi Đức Hoan, một butler dày dạn kinh nghiệm tại khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội.

 

 

Anh theo nghề butler bao lâu rồi và vì sao lại chọn nghề này?  

 

Tôi làm butler ở khách sạn được hơn 10 năm và bắt đầu làm butler từ tháng 10 năm 2006. Những ngày đầu chỉ có 3 người trong đội ngũ Butler, tự làm và tự học hỏi, tuân theo theo các tiêu chuẩn của khách sạn. lắng nghe phản hồi của khách hàng và thay đổi dần dần.  Tháng 3 năm 2008, tôi được tập huấn trong 10 ngày bởi Mr. Hugo R. Mechelse, Giám đốc Điều hành của International Butlers. Lúc này, đội ngũ butler tăng lên 8 người. 

 

Lúc đầu khi khách sạn thông báo tuyển nhân viên butler, tôi chỉ đăng ký với mục đích thay đổi công việc nhằm nâng cao kỹ năng phục vụ khách hàng. Nhưng càng làm càng thấy thích thú với công việc đó đòi hỏi tính phục vụ chi tiết cá nhân khá cao này.

 

 Anh có biết nghề này có xuất xứ từ đâu và phát triển nhất tại đâu? Ở Việt Nam thì như thế nào?  

 

Theo tôi được biết thì nghề butler xuất phát từ Rome (Ý) nhưng hiện phát triển nhất ở Anh. Còn ở Việt Nam thì butler mới bắt đầu phát triển. Các khách sạn có đội ngũ butler chuyên nghiệp hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay như Sofitle Legend Metropole, Park Hyatt, The Nam Hai… Butler ở mỗi nơi này đều mang những đặc trưng riêng, thể hiện chất lượng dịch vụ và đẳng cấp rất riêng.


Công việc này mang lại cho anh điều gì và có khiến anh phải hy sinh điều gì không? 

 

Chăm sóc tốt khách hàng là nhiệm vụ của tất cả nhân viên trong khách sạn. Làm ở khách sạn và đặc biệt làm butler đã mang đến cho tôi rất nhiều kinh nghiệm và sự hiểu biết, rèn luyện tôi trở thành một con người tốt hơn khi làm trong một môi trường làm việc chuyên nghiệp, kỷ luật cao. Ở vị trí này, tôi được gặp rất nhiều khách hàng khác nhau, từ đó học được nhiều phong cách, văn hóa của các nước. Tuy nhiên, công việc butler mất rất nhiều thời gian, áp lực lớn, đòi hỏi sự tập trung rất cao.


Những khó khăn trong nghề mà anh hay gặp phải?  

 

Khách dễ tính khá nhiều mà khó tính cũng không ít. Họ đến và đi giờ giấc khác nhau, có người đến sớm, có người đến muộn, cũng có người đi sớm, đi muộn… Do đó, butler phải biết sắp xếp thời gian và phục vụ hợp lý theo lịch trình của khách. Nhu cầu của khách rất đa dạng, phải chú ý học hỏi, chú ý tìm hiểu để đáp ứng.

 

Chất lượng dịch vụ butler là một cách để giữ gìn danh tiếng của khách sạn đối với khách VIP. Khách sạn Metropole trở thành Sofitel Legend từ tháng 7 năm 2009 với đội ngũ butler chuyên nghiệp, được khách hàng đánh giá rất cao. Điều đó càng đòi hỏi ở tôi trách nhiệm rất cao.


 Mong muốn của anh đối với nghề này?  

 

Như trên đã nói, tôi đã tham gia một đợt tập huấn 10 ngày. Đây là khoảng thời gian rất hữu ích giúp tôi hiểu rõ hơn về công việc của butler. Tuy nhiên, đó là khoảng thời gian rất ngắn. Tôi mong muốn có thêm nhiều cơ hội được tham gia các khóa học huấn luyện hoặc trao đổi kinh nghiệm với các đồng nghiệp trong tập đoàn (Accor, quản lý và điều hành Sofitel Legend Metropole Hà Nội) thì sẽ tốt hơn. Đó cũng là một khó khăn trong nghề này.

 

Xây dựng đội ngũ butler liên kết giữa các khách sạn để có thể cùng nhau học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, phát triển nghề butler tại Việt Nam.

 

Cám ơn anh! Chúc anh cùng Sofitel Legend Metropole Hà Nội thành công hơn nữa trong năm 2012.

 

Thu Thảo - International Recreation & Resort Management Group (IRR Group)

 

Tư vấn - Hỗ trợ

Tư vấn - Hỗ trợ

Điện thoại: 0909.140.866

Email: info@irrmanagement.com.vn