Thời gian gần đây có nhiều thông tin phấn khởi về những dự án phát triển lớn, có tác dụng như đòn bẩy để giúp tăng trưởng kinh tế và đời sống của nhân dân trong thời gian tới...
Tuy vậy, vẫn có những băn khoăn, lo lắng trước những dự án quy mô lớn có thời gian sử dụng hàng trăm năm hoặc lâu hơn, như các đô thị mới, dự kiến được đặt tại hai vùng đồng bằng này. Đó là những dự án có giá trị tài sản lớn như khu đô thị ven biển ở Quảng Ninh, đô thị ở đảo Phú Quốc, đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ hoặc sân bay ở vùng ven biển nhờ có không gian rộng, như sân bay mới ở Hải Phòng, sân bay ở Bạc Liêu...
Nhưng cũng cần bình tĩnh để nhìn thấy những vấn đề khác có thể ảnh hưởng tới thành công của các dự án phát triển này. Đó là những băn khoăn về khả năng ứng phó trước những biến động khó lường của biến đổi khí hậu - nước biển dâng trong tầm nhìn dài hạn.
Mực nước biển dâng trong tương lai đã được các nhà khoa học dự báo, có thể +1 mét vào cuối thế kỷ này và +2 mét đến +5 mét vào các thế kỷ tiếp theo. Thế giới đã có những nghiên cứu dự báo xuyên thế kỷ nhưng Việt Nam chỉ mới có dự báo quốc gia về nguy cơ ngập tới cuối thế kỷ 21 của Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố vào năm 2016 (1).
Các dự báo đang đến dồn dập thì càng cho thấy tình hình chìm ngập ven biển càng nguy cấp hơn. Nếu không kiểm soát được hiện tượng ấm dần gây tan băng thì ngay cuối thế kỷ này sẽ có khoảng 80% vùng bờ biển và thành phố ven biển sẽ bị ngập khi mực nước dâng tới 1,8 mét (2).
Tốc độ dâng nước này đã được tái khẳng định là nhanh hơn tốc độ mà chúng ta vẫn biết (3) và tổng thiệt hại có thể còn tăng nhanh hơn cả tốc độ nước dâng (4) nếu không có giải pháp tích cực ứng phó từ bây giờ.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy hiện tại đã có 269 sân bay bị uy hiếp ngập, trong đó có các sân bay Suvarnabhumi (Bangkok) và Phố Đông - Thượng Hải. Và đến năm 2100 thì sẽ có 100 sân bay ở dưới mực nước biển và có 572 sân bay có nguy cơ cao (5).
Chìm ngập các thành phố ven biển sẽ tới nhanh hơn 4 lần so với nguy cơ chung toàn cầu khi các thành phố này xây dựng trên nền đất yếu (6).
Theo kinh nghiệm quốc tế, đứng trước những nguy cơ to lớn này thì chính quyền có vai trò đi đầu, dẫn dắt trong việc xây dựng chính sách thích ứng thức thời như tại Hà Lan hay ở các quốc gia khác. Những dự báo này không phải là viển vông vì trên thực tế thì chính quyền Indonesia và Thái Lan đang xây dựng kế hoạch di dời thủ đô Jakarta và Bangkok tới địa điểm cao hơn.
Nhìn rộng hơn thì đã có nhiều bằng chứng của việc biển nổi sóng từ quá khứ đến hiện tại. Trước Công nguyên, nhà triết học cổ đại Plato đã ghi chép về việc thành phố Atlantis cổ đã bị chìm ngập dưới Địa Trung Hải hàng ngàn năm trước. Bằng chứng khảo cổ cũng đã phát hiện thành phố Ai Cập cổ có tên gọi Thonis-Heracleion hiện bị chìm dưới 50 mét nước cách bờ biển hiện tại 6,5 ki lô mét và nguyên nhân được quy kết là do nước biển dâng và nền bị lún chìm (European Institute for Underwater Archaeology).
Tiếp sau này là bằng chứng đê biển không ngừng được đắp cao hơn từ khoảng 1.000 năm qua, hiện khoảng gần 10 mét để bảo vệ một phần đất nước Hà Lan; cả vùng bờ lân cận của nước Đức; chùa Wat Khun Samut Chin ở phía Nam Bangkok ở Thái Lan từ mấy chục năm qua.
Nếu sư tổ trước đây khi lập chùa Wat Khun Samut Chin mà thấy tình cảnh hôm nay chắc cũng đã có quyết định xây chùa ở nơi khác để hậu bối không phải vất vả như ngày hôm nay, hay đó là một thử thách cho hậu bối chăng?
Vào khoảng năm 1960 thì chùa này còn ở cách bờ biển khoảng 350 mét, nhưng gần 30 năm sau thì nước biển đã đến chân chùa. Còn đến nay thì chùa đã nằm chơi vơi giữa biển, cách bờ hơn 400 mét và phải gia cố tường bao bằng bê tông cao hơn 3 mét để chống sóng và nước tràn.
Để ứng phó với tình trạng nước biển dâng, suy nghĩ đầu tiên trong đầu nhiều người là phải đắp đê, có thể là đê đất, đê bê tông, rồi đê kết hợp với các giải pháp mềm khác. Tuy vậy, nếu nhìn tới thế kỷ 22 hay thế kỷ 25 khi mực nước biển có thể dâng cao hơn +5 mét thì liệu con cháu chúng ta có đủ sức để tiếp tục đắp đê to hơn và cao hơn? Và đây là vấn đề mà hơn 10 năm trước các chuyên gia Hà Lan đã bàn tới và họ thấy rằng sẽ có rất ít cơ hội bởi chi phí quá cao, đặc biệt là liên quan tới duy tu các công trình kiểm soát ngập theo thời gian.
Đây cũng là câu hỏi về hiệu quả tổng đầu tư và thời gian đầu tư các dự án lớn chống ngập. Cũng tại Hà Lan, các chuyên gia chống ngập cũng cho rằng không có kế hoạch hành động hiện có nào (trung hạn) là hoàn hảo, nên chúng luôn cần được định kỳ rà soát, cập nhật.
Nhìn lại vấn đề của Việt Nam, tham vọng đắp đê bảo vệ toàn vùng đất thấp dọc bờ biển cũng có thể gắng sức thực hiện được, nhưng sẽ suy giảm nguồn lực cho các vấn đề phát triển khác và kể cả duy tu sau này. Chưa kể ngoài nước biển dâng, lún nền thì tần suất các hiện tượng cực đoan là bão biển cực lớn cũng sẽ xuất hiện thường xuyên hơn, nên cũng cần tăng hệ số an toàn lên nhiều lần và công trình bảo vệ chống ngập cũng phải cần xây to và cao hơn một cách tương ứng.
Đối với TPHCM hay Cần Thơ, lún và ngập đang là những vấn đề bức thiết, thu hút nhiều tài chính và nhân lực để thực hiện các giải pháp kiểm soát. Tuy vậy, qua nhiều năm nhưng vấn đề ngập úng hiện vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, trong số các lý do thì có cả vấn đề về kỹ thuật cũng như tài chính. TPHCM cũng đang thực hiện điều chỉnh lớn quy hoạch đô thị tới năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Những thông tin tổng hợp nêu trên cho thấy chúng ta cần đẩy mạnh kinh tế biển như chủ trương chung, nhưng cần thận trọng hướng phát triển hạ tầng về phía biển, đặc biệt là đối với những dự án xây dựng hạ tầng có vòng đời xuyên thế kỷ để tránh phải tìm giải pháp ứng cứu, hay để lại di sản phức tạp cho thế hệ sau giải quyết.
Theo TS. Lê Xuân Thuyên (*) - Thời báo kinh tế Sài Gòn
(*) Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM
Tài liệu tham khảo:
(1) Kịch bản Biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam. Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2016.
(2) Jevrejeva S., Jackson L. P., Riva R.E.M., Grinsted A., Moore J.C., 2016. Coastal sea level rise with warming above 2 °C. Proceedings of the National Academy of Sciences, 201605312 DOI: 10.1073/pnas.1605312113.
(3) Grinsted A., Christensen J. H., 2021. The transient sensitivity of sea level rise. Ocean Science, 2021; DOI: 10.5194/os-17-181-2021
(4) Wagenaar D. J., de Bruijn K. M. , Bouwer L. M. , de Moel H., 2016. Uncertainty in flood damage estimates and its potential effect on investment decisions. Natural Hazards and Earth System Sciences; 16 (1): 1 DOI: 10.5194/nhess-16-1-2016
(5) Yesudian A. N., Dawson R.J., 2021. Global analysis of sea level rise risk to airports. Climate Risk Management, 31: 100266 DOI: 10.1016/j.crm.2020.100266
(6) Nicholls, R.J., Lincke, D., Hinkel, J. et al. A global analysis of subsidence, relative sea-level change and coastal flood exposure. Nat. Clim. Chang., 2021 DOI: 10.1038/s41558-021-00993-z.
Điện thoại: 0909.140.866
Email: info@irrmanagement.com.vn