Sợ Mỹ vỡ nợ?
Ngày 23-5-2023, NHNN ra quyết định giảm lãi suất điều hành, đánh dấu lần giảm thứ 3 liên tiếp từ giữa tháng 3-2023 đến nay, kéo theo động thái giảm lãi suất tiền gửi của hàng loạt ngân hàng sau đó. Cũng trong ngày này, sau những phút hứng khởi đầu ngày, chỉ số VN-Index kết thúc phiên giảm gần 8 điểm từ mức đỉnh cao nhất trong ngày.
Ngày kế tiếp (24-5), một kịch bản tương tự, sau những thời điểm sắc xanh tràn ngập trên bảng điện, chốt phiên VN-Index lại đóng cửa trong sắc đỏ với mức giảm gần 8 điểm. Hai phiên còn lại trong tuần, thị trường gần như đi ngang trong một biên độ hẹp, trong bối cảnh khối tự doanh công ty chứng khoán và khối ngoại vẫn bán ròng. Như phiên cuối tuần ngày 26-5, hai nhóm này cùng bán ròng với giá trị lần lượt 70,3 tỉ đồng và hơn 244 tỉ đồng.
Diễn biến này khiến có những ý kiến cho rằng việc giảm lãi suất của NHNN đã không ảnh hưởng nhiều đến xu hướng thị trường hiện tại, hoặc thậm chí nhiều nhà đầu tư đã tận dụng tin ra là bán. Việc giảm lãi suất đã được thị trường dự báo trước, nên không phải là một tác động lớn đối với thị trường trong ngắn hạn, nhất là khi những khó khăn của nền kinh tế Việt Nam thời gian qua có phần chịu ảnh hưởng bởi sự suy yếu của các đối tác thương mại lớn, mà giảm lãi suất sẽ không thể giải quyết hoàn toàn các thách thức này.
Nhưng có lẽ diễn biến thị trường chứng khoán còn do không ít nhà đầu tư thời gian qua lo ngại khả năng Mỹ vỡ nợ, mà được dự báo sẽ có những tác động tiêu cực lên thị trường tài chính toàn cầu.
Một minh chứng là sau khi có thông tin Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện McCarthy đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về vấn đề nợ công vào cuối ngày 27-5, chỉ số VN-Index đầu tuần này (ngày 29-5) tăng mạnh 12 điểm, cùng thanh khoản gia tăng, với khối tự doanh công ty chứng khoán cũng như khối ngoại cùng quay lại mua ròng giá trị lần lượt là 338 tỉ đồng và hơn 123 tỉ đồng (tính riêng trên sàn HOSE).
Dù vậy, cần biết rằng mọi thứ vẫn chưa có gì chắc chắn. Theo thỏa thuận trần nợ công, hai bên thống nhất sẽ đình chỉ việc áp trần nợ đến tháng 1-2025, nhưng nhiều thành viên cứng rắn trong đảng Cộng hòa đã lên tiếng chỉ trích và dọa không thông qua thỏa thuận đang được đề xuất.
Đảng Cộng hòa hiện kiểm soát Hạ viện với số ghế 222-213, trong khi đảng Dân chủ kiểm soát Thượng viện với số ghế 51-49, do đó Chủ tịch Hạ viện McCarthy đang đứng trước thách thức thuyết phục Hạ viện thông qua thỏa thuận này.
Lưu ý rằng quá trình đàm phán để tránh nguy cơ vỡ nợ sẽ đe dọa xếp hạng tín nhiệm của Mỹ, thậm chí ngay cả khi thỏa thuận này được Quốc hội Mỹ thông qua. Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch ngày 24-5 đã đưa Mỹ vào diện cần giám sát về nguy cơ bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm do rủi ro vỡ nợ.
Ngoài ra, các chuyên gia phân tích cũng chỉ ra việc tăng trần nợ dự kiến được thực hiện bằng việc phát hành gần 1.100 tỉ đô la tín phiếu Chính phủ Mỹ mới trong bảy tháng tới, điều này đồng nghĩa với một lượng lớn đô la sẽ bị rút khỏi thị trường và có thể gây nên những biến động khó lường.
Những mối lo khác
Trong khi đó, giới phân tích cũng cho rằng thỏa thuận nợ công của Mỹ nếu được thông qua có thể là một lý do nữa để Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cảm thấy tự tin tăng lãi suất một lần nữa. Cuộc họp chính sách gần nhất của Fed sẽ diễn ra vào giữa tháng 6 này và nhiều nhà đầu tư lo ngại cơ quan này có thể còn tiếp tục tăng lãi suất, bất chấp những dự báo trước đó cho rằng lộ trình thắt chặt chính sách đã dừng lại hoặc sẽ sớm đổi chiều.
Theo công cụ FedWatch của CME Group, xác suất Fed tiếp tục nâng lãi suất trong tháng 6-2023 cập nhật tại ngày 30-5-2023 đã tăng lên tới 63%, cao hơn nhiều so với mức 25,7% của tuần trước đó. Xác suất nâng lãi suất tăng vọt sau khi biên bản họp tháng 5-2023 cho thấy các quan chức Fed bất đồng về hướng đi của lãi suất trong thời gian tới.
Phố Wall hiện cũng dần nghiêng về kịch bản Fed tăng lãi suất trong tháng 6-2023, đồng thời tin rằng Fed nhiều khả năng sẽ chưa sớm giảm lãi suất trở lại trong năm nay.
Mặc dù lạm phát của Mỹ đã hạ nhiệt gần đây nhưng vẫn còn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,4%, mức thấp nhất kể từ năm 1969. Theo đó hầu hết các quan chức Fed đều thừa nhận lạm phát vẫn còn quá cao và cho rằng tăng lãi suất thêm một lần nữa có thể dẹp tan áp lực lạm phát trong nền kinh tế.
Thậm chí, Chủ tịch Fed St. Louis, ông James Bullard, còn kỳ vọng Fed sẽ thực hiện thêm hai đợt tăng lãi suất để ghìm cương lạm phát trong năm 2023. Dù vậy, vẫn có một ít thành viên, bao gồm cả Chủ tịch Fed là Jerome Powell, lại cho rằng họ có thể giữ nguyên lãi suất để đánh giá tác động từ các đợt tăng lãi suất và căng thẳng ở ngành ngân hàng.
Bên cạnh đó, một nỗi lo ngại khác là xu hướng nợ xấu trong nền kinh tế đang có dấu hiệu tăng nhanh gần đây, bên cạnh số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục tăng, cũng ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.
Những sai phạm trong lĩnh vực bất động sản tiếp tục bị xử lý, thể hiện qua việc các cơ quan điều tra gần đây khởi tố thêm các vụ án liên quan một số dự án nhà đất vi phạm pháp luật của một số doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn.
Ngoài ra, những căng thẳng tại khu vực biển Đông tái xuất hiện cũng có thể tác động tiêu cực lên thị trường chứng khoán, vốn rất nhạy cảm với những diễn biến địa chính trị. Gần đây, Việt Nam đã lên tiếng phản đối việc Trung Quốc có những hành động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam…
Bất chấp những lo ngại này, một thực tế không thể phủ nhận là nền kinh tế Việt Nam đang có những dấu hiệu cải thiện nhất định, chính sách tiền tệ và tài khóa đều đang trong xu hướng cùng mở rộng để hỗ trợ nền kinh tế, lãi suất giảm nhanh khiến các kênh đầu tư rủi ro như chứng khoán có thể hút tiền trở lại. Do đó, những nhà đầu tư trung và dài hạn có lẽ vẫn đang tìm kiếm bất kỳ đợt điều chỉnh nào để tích lũy thêm hàng.
Theo Triều Dương - Báo Kinh Tế Sài Gòn
Điện thoại: 0909.140.866
Email: info@irrmanagement.com.vn