Logo

Kinh tế Việt Nam trước các trào lưu mới của thế giới

Những trào lưu mới của thế giới

 

Thứ nhất, chuỗi cung ứng toàn cầu, chuỗi giá trị toàn cầu đang có sự dịch chuyển. Từ thập niên 1990, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, xuất hiện sự phân công quốc tế mới trong sản xuất công nghiệp với các khái niệm “chuỗi cung ứng toàn cầu” (Global supply chain – GSC) và “chuỗi giá trị toàn cầu” (Global value chain – GVC).

 

Các nước đi sau có thể phát triển nhanh nếu thành công trong việc tham gia GSC và GVC, với điều kiện cải thiện được năng lực hạ tầng, cung cấp lao động có kỹ năng và đầu tư vào năng lực công nghệ của doanh nghiệp trong nước. Ngày nay, theo GS. Trần Văn Thọ, công nghệ và môi trường thế giới thay đổi rất nhanh nên các nước muốn thành công cần phản ứng mau lẹ trong các quyết định chính sách.

 

Thứ hai, cách mạng công nghệ và cung – cầu lao động có nhiều thay đổi. GS. Trần Văn Thọ phân tích, từ hơn 10 năm nay, công nghệ thông tin, kỹ thuật số, tự động hóa đã làm thay đổi sâu sắc cung – cầu lao động. Ước tính, đến năm 2030 thế giới có tới 400 triệu lao động bị thay thế bằng tự động hóa. Từ 400 triệu đến 1 tỉ lao động hiện đang làm việc sẽ phải tự thay đổi kỹ năng để thích ứng.

 

Việc sử dụng robot và thiết kế tự động hóa làm giảm nhu cầu lao động. Tại nhiều nước, sản lượng công nghiệp vẫn tăng nhưng số lượng nhân công giảm. Công nghệ thông tin thúc đẩy việc di chuyển dịch vụ lao động mà không cần di chuyển lao động. Thông qua hiện diện từ xa (telepresence), người máy điều khiển từ xa (telerobotics), lao động tại nước này hoàn toàn có thể làm việc ở nước khác.

 

Thứ ba, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu sắc tới thế giới, trong đó, GS. Trần Văn Thọ cho rằng hai điểm quan trọng nhất tác động trực tiếp tới Việt Nam là ảnh hưởng của đại dịch tới toàn cầu hóa và tới hướng phát triển của công nghệ nhìn từ cầu lao động.

 

Khuynh hướng chững lại của toàn cầu hóa càng mạnh hơn kể từ đầu đại dịch năm 2020, khi nhiều chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Thực tế, toàn cầu hóa đã gặp thách thức sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 khi các hoạt động kinh tế thế giới chịu nhiều rủi ro hơn. Tỷ lệ mậu dịch của nhóm FDI trên GDP toàn cầu giảm.

 

Đại dịch cũng làm trầm trọng thêm các vấn đề về lương thực. Một số nước tiêu thụ lương thực nhiều hiện có khuynh hướng phụ thuộc vào lượng nhập khẩu. Tỷ lệ tự cung cấp lương thực của Trung Quốc giảm từ 95% năm 2000 xuống 75% năm 2020. Ông chỉ ra việc đứt gãy chuỗi cung ứng do đại dịch không chỉ ảnh hưởng đến công nghiệp mà còn tác động trực tiếp tới sản xuất và phân phối lương thực thế giới. Mục tiêu năm 2030 thế giới không còn người thiếu ăn của Liên hiệp quốc bất khả thi với tình hình hiện nay.

 

Quá trình tự động hóa đang diễn ra càng được đẩy nhanh dưới sự tác động của đại dịch. Để tránh lây lan virus, các nước sẽ ít nhập khẩu lao động mà thúc đẩy thiết kế tự động hóa, dùng robot và telerobotics. GS. Thọ nhận định các công ty có khuynh hướng giảm lao động chính thức, gắn kết lâu dài, thay vào đó là tăng lao động làm khoán ngắn hạn và lao động đồng thời làm việc cho nhiều công ty theo các nhu cầu khác nhau.

 

Thứ tư, quan hệ kinh tế, chính trị thế giới nhiều biến động. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc cùng cuộc tranh chấp thương mại Mỹ – Trung năm 2018 tác động tới toàn cầu hóa và chuỗi cung ứng. Nhìn kỹ hơn vào nước láng giềng, GS. Trần Văn Thọ chỉ ra hai điểm cần lưu ý là yếu tố Trung Quốc trong quan hệ quốc tế và vai trò công xưởng thế giới của Trung Quốc.

 

Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này mang tham vọng trở thành cường quốc có ảnh hưởng lớn trên vũ đài quốc tế, theo chiến lược được tuyên bố tháng 10-2017. Doanh nghiệp – đặc biệt là những công ty đa quốc gia, doanh nghiệp FDI có thể được sử dụng để tạo các ảnh hưởng. Chính phủ Trung Quốc có khả năng can dự vào hoạt động của các doanh nghiệp, kể cả khối tư nhân. Các hoạt động đầu tư ra nước ngoài, kể cả qua FDI của Hồng Kông, cũng là một cách để mở rộng ảnh hưởng. Trung Quốc cũng tích cực tiếp cận TSMC (Đài Loan) – doanh nghiệp sản xuất bán dẫn chiếm thị phần lớn nhất thế giới.

 

Bên cạnh đó, vai trò công xưởng thế giới của Trung Quốc nhiều năm qua có tác động chặt chẽ tới chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngày nay, quy mô công nghiệp của Trung Quốc rất lớn, cơ cấu công nghiệp đa dạng, thâm sâu. Dưới sự ảnh hưởng của nước này, gần đây, một số doanh nghiệp tìm thêm cơ sở để mở rộng sản xuất bên ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên hiện tượng này vẫn còn hạn chế.

 

Căng thẳng giữa Nga và NATO, sau đó là cuộc chiến Nga – Ukraine làm đứt gãy chuỗi cung ứng lương thực và năng lượng thế giới. Hai nước chiếm tới 30% lượng lúa mì xuất khẩu thế giới. Thiếu hụt nguồn cung cấp và giá tăng vọt làm cho vấn đề lương thực và năng lượng thế giới trầm trọng hơn. Là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên và dầu thô hàng đầu thế giới, cuộc chiến của Nga đẩy giá năng lượng năm 2022 lên cao.

 

Với những xu hướng trên, hầu hết các nước đều ban hành các quy định nhằm đảm bảo an ninh kinh tế cho riêng mình như tăng cường tự cung tự cấp, đẩy nhanh quan hệ để chủ động hơn trong sản xuất chip bán dẫn. “Hiện tượng hồi quy về chủ nghĩa dân tộc đang diễn ra”, GS. Trần Văn Thọ nhận định.

 

Việt Nam nhìn về 2045

 

Phân tích các đặc tính của nền kinh tế, GS. Trần Văn Thọ bày tỏ quan ngại khi nền kinh tế Việt Nam dễ bị ảnh hưởng từ đại dịch và các trào lưu mới của kinh tế chính trị thế giới.
 


Trong trung hạn, ông Thọ cho rằng Việt Nam cần chú trọng hơn thị trường trong nước, làm thâm sâu (deepening) công nghiệp hóa, tăng cường sản xuất và củng cố mạng lưới các mặt hàng thiết yếu (thực phẩm, y tế), quan tâm đến an ninh kinh tế và ưu tiên các nguồn lực cho đào tạo lao động.

 

Ông phân tích, công nghiệp Việt Nam hiện nay còn yếu và mỏng. Gần 50% cấu thành hàng công nghiệp của Việt Nam phải nhập khẩu từ trung gian, tỷ lệ này ở Nhật Bản chỉ là 10%. Chưa tới 10% hàng công nghiệp của Việt Nam được các nước dùng làm sản phẩm trung gian trong sản xuất.

 

Nhìn vào cán cân thương mại các sản phẩm công nghiệp giữa Việt Nam với ba nước khu vực Thái Bình Dương, GS. Thọ chỉ ra tam giác cân nhưng không cân xứng khi giá trị xuất khẩu sang Mỹ bằng tổng giá trị nhập khẩu từ hai thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc. Cơ cấu công nghiệp thiếu bền vững khi xuất khẩu là các sản phẩm tiêu dùng, trong khi đó nhập khẩu hầu hết nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.

 

“Cần làm thâm sâu công nghiệp hóa, đẩy mạnh thay thế nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc để chuyển dịch cơ cấu công nghiệp và giảm phụ thuộc vào hai nước này, từng bước phá bỏ tam giác Thái Bình Dương. Dòng chảy vốn FDI cũng cần định hướng theo mục tiêu ấy”, GS. Trần Văn Thọ khuyến nghị.

Tư vấn - Hỗ trợ

Tư vấn - Hỗ trợ

Điện thoại: 0909.140.866

Email: info@irrmanagement.com.vn