Logo

Chưa tách bạch công - tư trong thu hồi đất

Nhà nước không nên đứng ra thu hồi đất cho các dự án vì mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội do tư nhân đầu tư. Trong ảnh: Một công trình thủy lợi ở Tây Ninh. Ảnh: H.P

Trong Tờ trình 276/ TTr-CP ngày 29-5-2023 gửi Quốc hội, Chính phủ cho biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hoàn thiện gồm 16 chương, 263 điều, trong đó tăng 5 mục, bổ sung mới 40 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến nhân dân.

Nội dung “Thu hồi đất, trưng dụng đất” được quy định tại chương VI, gồm 12 điều, từ điều 78 đến điều 89. Tiếp thu ý kiến góp ý, dự thảo luật đã sửa đổi toàn bộ nội dung điều 79 quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Theo đó, quy định rõ các trường hợp thật cần thiết phải thu hồi.

Cụ thể, Nhà nước sẽ đứng ra thu hồi đất trong 31 trường hợp – phân theo ba nhóm. Một là, để thực hiện các công trình công cộng như giao thông, thủy lợi, năng lượng, bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin… Hai là, để xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp như trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội; cơ sở văn hóa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; cơ sở y tế, dịch vụ xã hội, cơ sở giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, ngoại giao…

Ba là, để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng khác như: dự án nhà ở xã hội, nhà ở công vụ, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản, xây dựng công trình trên mặt đất phục vụ cho việc vận hành hay khai thác sử dụng công trình ngầm, dự án lấn biển, dự án nhà lưu trú công nhân, nhà ở cho lực lượng vũ trang và thu hồi đất để giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư trúng thầu thực hiện dự án nhà ở thương mại có quy mô từ 10 héc ta trở lên tại khu vực nông thôn và 5 héc ta trở lên tại khu vực đô thị.

Ban soạn thảo dường như đã rất nỗ lực trong việc liệt kê cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để tránh tình trạng lạm dụng, lách luật… nhưng vẫn không làm rõ được các điều kiện, tiêu chí thu hồi. Không có bất cứ quy định nào làm rõ bản chất, nội hàm của thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội; nội hàm của lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng trong chương VI này.

Một đại biểu Quốc hội bình luận: “31 trường hợp thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng giống như một sự thỏa hiệp của các bộ, ngành – theo nghĩa ai cũng có phần”. Phạm vi Nhà nước thu hồi đất vẫn mênh mông như vậy, sẽ không khó để các bên muốn lấy đất diễn giải và “lách” dự án cho vừa cái áo quá rộng này.

Bên cạnh đó, việc liệt kê các trường hợp thu hồi đất khó bảo đảm đầy đủ các trường hợp, nhất là những trường hợp có thể phát sinh trong tương lai. Điều này có thể dẫn đến tình trạng phải “sửa chân cho vừa giày”, phải “nắn chỉnh” dự án cho phù hợp với loại hình đã được liệt kê để đủ điều kiện thu hồi đất; hoặc phải sửa luật để bổ sung các loại dự án mới.

Đặc biệt, điều rất đáng lo ngại là yếu tố công và tư chưa được tách bạch trong nhiều trường hợp thu hồi đất. Ví dụ, các cơ sở y tế, cơ sở giáo dục nếu do Nhà nước đầu tư sẽ là “bệnh viện công”, “trường công lập”; nhưng nếu do tư nhân đầu tư sẽ là “bệnh viện tư”, “trường tư”, thực chất là dự án kinh doanh của tư nhân.

Tương tự với các dự án nhà ở xã hội; khu – cụm công nghiệp; khu chế xuất – chế biến nông, lâm, thủy hải sản tập trung; nghĩa trang hay cơ sở hỏa táng…, khi tư nhân đầu tư tất yếu sẽ là “dự án tư”, “vì lợi ích tư”.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này nếu không tách bạch được yếu tố công – tư trong thu hồi đất sẽ dẫn đến nguy cơ nối dài những hệ quả nghiêm trọng trong thời gian qua. Thực tế cho thấy, việc Nhà nước đứng ra thu hồi đất với những dự án do tư nhân đầu tư thường ảnh hưởng đến quyền lợi của người bị thu hồi đất, gây bức xúc, bất bình, khiếu kiện và không bảo đảm công bằng trong tiếp cận đất đai. Trong nhiều trường hợp, dự án không theo nhu cầu thị trường, dễ rơi vào tay doanh nghiệp thân hữu với chính quyền – chứ không phải là doanh nghiệp cần đất và có khả năng sử dụng đất với hiệu quả kinh tế cao nhất. Cách làm này cũng dẫn đến dễ làm suy thoái đội ngũ lãnh đạo, cán bộ công chức địa phương, gây mất niềm tin trong nhân dân.

Từ đây, bài học rút ra là: Nhà nước không nên đứng ra thu hồi đất cho các dự án vì mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội do tư nhân đầu tư. Với những dự án phục vụ mục đích xã hội do tư nhân xây dựng như bệnh viện, trường học, nhà ở xã hội…, việc lấy đất nên theo thỏa thuận giữa hai bên và Nhà nước có thể áp dụng chính sách ưu đãi thuế để khuyến khích, hỗ trợ.

Do tính chất phức tạp, phạm vi tác động sâu và rộng, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình ba kỳ họp. Dự kiến, Quốc hội sẽ bấm nút thông qua dự thảo luật này vào kỳ họp tháng 10 năm nay. Sau một thời gian dài chuẩn bị và lấy ý kiến đóng góp, việc dự thảo luật vẫn chưa làm rõ tiêu chí thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; chưa tách bạch được yếu tố công – tư trong các trường hợp thu hồi đất là điều rất đáng tiếc.

Theo An Nhiên – Báo Kinh tế Sài Gòn

Tư vấn - Hỗ trợ

Tư vấn - Hỗ trợ

Điện thoại: 0909.140.866

Email: info@irrmanagement.com.vn