Logo

Trung Quốc đẩy mạnh kế hoạch đánh thuế bất động sản

 

Tín hiệu về việc đánh thuế bất động sản

 

Hôm thứ Ba tuần trước, các quan chức Bộ Tài chính, Bộ Nhà ở và Phát triển đô thị - nông thôn, Tổng cục Thuế và Ủy ban Công tác dự toán Quốc hội Trung Quốc đã tổ chức một cuộc hội thảo để lấy ý kiến của giới chuyên gia, quan chức chính quyền địa phương về việc thí điểm cải cách thuế bất động sản.

 

Theo các chuyên gia tài chính và thuế, hội thảo là một dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy, kế hoạch áp thuế bất động sản mới đang được đẩy nhanh. Giáo sư Cai Chang - chuyên gia về thuế tại Đại học Kinh tế Tài chính Trung ương nhận định: “Không có nghi ngờ gì nữa về việc bất động sản sẽ bị đánh thuế. Vấn đề duy nhất là thực hiện điều đó như thế nào”.

 

Trước đó ít tuần, Vụ trưởng Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính Trung Quốc Wang Jianfan cũng cho biết, giới chức nước này sẽ tích cực thúc đẩy các cải cách và luật thuế đối với bất động sản. Vấn đề này cũng được đề cập tới trong kế hoạch năm năm lần thứ 14 của Trung Quốc và trong một bài báo gần đây của Bộ trưởng Tài chính Lưu Côn.

 

Các tuyên bố này được đưa ra dồn dập trong bối cảnh những lo ngại về sự tăng giá trên thị trường nhà đất tại Trung Quốc đang ngày càng gia tăng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Trung Quốc, trong tháng 3 vừa qua, có tới 62/70 thành phố lớn của nước này ghi nhận xu hướng giá nhà tăng, mức cao nhất kể từ tháng 6-2019.

 

Trong những tháng gần đây, giới chức Trung Quốc đã nỗ lực hạ nhiệt thị trường bất động sản bằng cách thắt chặt các khoản vay mua nhà, cải cách phương thức bán đất của chính quyền các địa phương, cũng như ngăn chặn tình trạng đầu cơ nhà đất ở các khu vực tập trung nhiều trường học. Tuy nhiên, các biện pháp này nhìn chung chưa mang lại nhiều hiệu quả.

 

Những thách thức

 

Hiện tại, cơ chế thuế bất động sản của Trung Quốc chủ yếu tập trung vào thu thuế ở khâu giao dịch thay vì khâu nắm giữ. Bên cạnh đó, bất động sản nhà ở được chủ sở hữu sử dụng cũng không bị tính thuế. Việc này đã hạn chế khả năng thu thuế từ thị trường bất động sản đang bùng nổ.

 

Theo các nhà phân tích, việc Trung Quốc không đưa bất động sản nhà ở vào thuế bất động sản cũng góp phần dẫn đến sự chênh lệch giàu nghèo và nhu cầu nhà ở tăng đột biến cho mục đích đầu tư và đầu cơ, làm tăng tỷ lệ nhà trống tại nhiều thành phố ven biển.

 

Tuy nhiên, từ nhiều năm qua, các nỗ lực nhằm cải cách thuế bất động sản tại Trung Quốc đã phải đối mặt với nhiều thách thức lớn do tình trạng thiếu hệ thống thông tin về nhà ở cũng như các câu hỏi về tính hợp pháp của động thái này, bởi theo pháp luật Trung Quốc, đất xây nhà thuộc sở hữu nhà nước.

 

Bên cạnh đó, ý tưởng này cũng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ giới chức các địa phương, các nhà đầu tư và đầu cơ, những người cho rằng mức thuế mới sẽ làm ảnh hưởng đến giá trị bất động sản và làm giảm nhu cầu nhà đất.

 

Tại Trung Quốc, nguồn thu ngân sách của chính quyền các địa phương hiện vẫn chủ yếu dựa vào việc đấu giá quyền sử dụng đất, với mức thu đã tăng gần gấp ba trong vòng mười năm qua lên 8.400 tỉ nhân dân tệ (1.300 tỉ đô la Mỹ) vào năm 2020. Quý Dương, thành phố thủ phủ của tỉnh Quý Châu, miền Tây Trung Quốc, cho biết doanh thu thuần từ việc đấu giá quyền sử dụng đất tại đây đã đạt 61,7 tỉ nhân dân tệ (9,6 tỉ đô la Mỹ) vào năm ngoái, trong khi thu ngân sách chung chỉ đạt 39,8 tỉ nhân dân tệ.

 

Lo ngại thuế bất động sản sẽ làm giảm giá nhà, từ đó ảnh hưởng tới nguồn thu từ phí cho thuê đất cũng như các khoản phí, lệ phí khác, hầu hết chính quyền các địa phương tại Trung Quốc đều kịch liệt phản đối đề xuất này.

 

Hồi đầu tháng 3, tại kỳ họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã không đề cập tới vấn đề thuế bất động sản trong chương trình nghị sự của Chính phủ trong năm 2021. Theo Lu Wenxi, nhà phân tích trưởng của hãng bất động sản Centaline, Bắc Kinh đang muốn tập trung vào việc thúc đẩy tiêu dùng để củng cố sự phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

 

“Trong bối cảnh sự phục hồi kinh tế còn đối mặt với nhiều bất ổn, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc càng coi trọng sự ổn định của thị trường bất động sản. Xáo trộn lớn có thể xảy ra nếu chính phủ đưa ra những thay đổi lớn trong chính sách thuế”, chuyên gia Wenxi nhận định.

 

Cùng chia sẻ quan điểm trên, ông Larry Hu, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie Capital, cho biết: “Thời điểm tốt nhất để đánh một loại thuế như vậy đáng lẽ phải là 20 năm trước, khi giá nhà ở mức thấp. Bây giờ, nó sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ”.

 

Giải pháp tài chính bền vững cho các chính quyền địa phương

 

Dẫu vậy, với việc giá nhà đất ngày càng tăng cao như hiện nay, một số chuyên gia phân tích cho rằng, biện pháp đánh thuế bất động sản sẽ đem lại nhiều lợi ích lâu dài như hạn chế tình trạng đầu cơ nhà đất, đồng thời mang lại cho chính quyền các địa phương nguồn thu ổn định, từ đó có điều kiện cải thiện các dịch vụ công.

 

Ông Yi Xangrong - cựu chuyên gia nghiên cứu tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) tin rằng, các nhà hoạch định chính sách đang cố gắng tìm kiếm giải pháp cho những núi nợ cao ngất ngưởng của các chính quyền địa phương, đặc biệt là các thành phố cấp thấp, đang gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đấu giá quyền sử dụng đất để đảm bảo nguồn thu ngân sách. “Ý tưởng cốt lõi của giải pháp này là mang lại nguồn thu tài khóa ổn định cho các chính quyền địa phương, và từ đó giúp giải quyết cuộc khủng hoảng nợ”.

 

Trong khi bộ tài chính ưu tiên giải quyết rủi ro nợ địa phương, thuế bất động sản cũng là một phần trong nỗ lực xây dựng chính sách của bộ này nhằm nâng cao sức mạnh tài chính địa phương, thông qua việc phân bổ rộng hơn nguồn thu thuế quốc gia và tạo ra nhiều loại thuế địa phương hơn. Ông Yi nhận xét: “Mô hình tăng trưởng cũ do bất động sản định hướng đã không còn có thể tồn tại được nữa. Nhà cửa ở khắp nơi nhưng ai dám mua?”.

 

Bất động sản đã trở thành một ngành trụ cột của nền kinh tế Trung Quốc kể từ khi việc tư nhân hóa nhà ở công được thực hiện vào năm 1998. Bất chấp những nỗ lực liên tục của Bắc Kinh để giảm bớt sự phụ thuộc vào ngành này, bất động sản vẫn chiếm tới 26,8% tổng mức đầu tư vào tài sản cố định quốc gia trong năm ngoái.

 

Các khoản cho vay liên quan đến bất động sản còn tồn đọng, bao gồm cho vay đối với các nhà phát triển bất động sản và cho vay thế chấp đối với cá nhân, đã đạt mức cao nhất là 50.000 tỉ nhân dân tệ (7.700 tỉ đô la) vào cuối tháng 3 vừa qua, chiếm 28% tổng dư nợ của toàn ngành ngân hàng.

 

Chương trình thí điểm tại các thành phố lớn

 

Ông Liu Jianwen - giáo sư ngành luật tại Đại học Bắc Kinh cho biết, chính phủ sẽ không thí điểm đánh thuế bất động sản trước khi đạo luật có liên quan được thông qua, bởi theo nguyên tắc, các loại thuế mới chỉ nên được áp dụng sau khi các quy định quản lý chúng được ban hành.

 

Tuy nhiên, một số chuyên gia khác lại không nghĩ như vậy. Giáo sư Shi Zhengwen - chuyên gia về luật thuế tại Đại học Chính pháp Trung Quốc cho biết, có khả năng Bắc Kinh sẽ triển khai một chương trình thí điểm ngay trong năm nay vì việc hoàn thiện luật sẽ mất nhiều thời gian. Ông cũng nhận định, Quốc hội Trung Quốc có thể ủy quyền cho chính phủ triển khai một chương trình thí điểm, bởi điều này có thể giúp giải quyết các vấn đề phát sinh sau khi thuế mới được áp dụng, qua đó, đẩy nhanh việc hoàn thiện luật.

 

Đồng tình với quan điểm trên, giáo sư Liu Yi tại Đại học Bắc Kinh, chuyên gia về chính sách tài khóa cho biết, có vẻ như giới chức Trung Quốc dự định triển khai thí điểm việc áp thuế trước khi ban hành luật vì quy trình lập pháp gặp một số khó khăn. Ông dự đoán, Bộ Tài chính Trung Quốc có thể sẽ đi đầu trong việc thiết kế chương trình thí điểm, trong khi ủy ban công tác dự toán sẽ đảm nhiệm các công việc liên quan đến lập pháp.

 

Theo Reuters, thành phố Thâm Quyến thuộc tỉnh Quảng Đông cùng tỉnh Hải Nam sẽ là những địa điểm có đủ các điều kiện để tiến hành thí điểm thuế bất động sản.

 

Hãng tin dẫn lời một chuyên gia nghiên cứu tại Viện CASS cho biết, trung tâm công nghệ phía Nam Thâm Quyến nên là ứng viên đầu tiên cho chương trình thí điểm, trong bối cảnh làn sóng đầu cơ mạnh mẽ trên thị trường bất động sản đang khiến giá nhà tăng mạnh.

 

Theo chuyên gia này, các chương trình thí điểm có thể được tiến hành một cách có tổ chức, với mục tiêu đầu tiên là những thành phố có giá nhà trung bình hơn 30.000 nhân dân tệ (4.665,56 đô la)/mét vuông, tiếp theo lần lượt là những thành phố có giá nhà thấp hơn.

 

Trong khi đó, một chuyên gia khác cho biết, việc triển khai thí điểm tại tỉnh Hải Nam, cực nam Trung Quốc sẽ dễ dàng hơn, bởi thị trường bất động sản tại đây đang được kiểm soát tốt, đồng nghĩa với việc có ít lực cản hơn.

 

Thách thức mà các chương trình thí điểm phải đối mặt sẽ là không hề nhỏ. Wall Street Journal cho hay, ngay từ năm 2011, các chương trình thí điểm thuế bất động sản đã được triển khai tại hai thành phố lớn của Trung Quốc là Trùng Khánh và Thượng Hải, chủ yếu nhắm vào các biệt thự và chủ sở hữu bất động sản cao cấp.

 

Do sự thực hiện thiếu quyết liệt và chỉ bao phủ một phần nhỏ của thị trường, các chương trình này chỉ mang lại một nguồn thu rất khiêm tốn: 0,5% tổng mức thu thuế của Thượng Hải và 0,3% của Trùng Khánh.

 

Chính phủ Trung Quốc từng nhấn mạnh, sẽ thúc đẩy đưa luật thuế bất động sản vào thực thi trong vòng năm năm tới, Tuy nhiên, Wall Street Journal cho rằng khi một ý tưởng mất cả một thập kỷ để nghiên cứu mà chưa đi đến kết quả nào, đó thường là dấu hiệu cho thấy có những rào cản không thể vượt qua, bất kể ý tưởng đó có giá trị thế nào đi chăng nữa. Trong trường hợp thuế bất động sản của Trung Quốc, sự năng động của thị trường bất động sản chính là lý do khiến cái giá để thực thi chính sách thuế trở nên quá đắt đỏ.

 

Nguồn: WSJ, Reuters, SCMP, Caixin Global

 

Theo Lạc Diệp - Kinh tế Sài Gòn

Tư vấn - Hỗ trợ

Tư vấn - Hỗ trợ

Điện thoại: 0909.140.866

Email: info@irrmanagement.com.vn