Làn sóng rút lui và tháo vốn
Từ những gã khổng lồ năng lượng cho đến các nhà quản lý tiền tệ hay các công ty vận tải, các doanh nghiệp toàn cầu đang cố gắng rút tiền của họ ra khỏi Nga, trong bối cảnh Moscow ngày càng hứng nhiều lệnh trừng phạt hơn do phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Hôm 27-2, BP của Anh khai mào làn sóng rút vốn của các công ty năng lượng, khi cho biết họ sẽ rút 19,75% cổ phần của mình trong công ty lọc dầu lớn nhất của Nga Rosneft, điều này có thể dẫn đến khoản thu lên tới 25 tỷ USD. Công ty Equinor của Na Uy trong cùng ngày cũng cho biết sẽ rút khỏi các liên doanh của Nga. Năm 2021, công ty nắm giữ 1,2 tỷ USD tài sản dài hạn ở Nga. Tiếp đó, Shell cho biết sẽ bán bớt cổ phần của mình trong các dự án khai thác dầu khí ở Nga, cũng như cắt đứt quan hệ với dự án đường ống Nord Stream 2. Tài sản dài hạn của Shell ở Nga trị giá khoảng 3 tỷ USD vào năm 2021…
Trong các đại gia ô tô, Ford thông báo sẽ tạm ngừng hoạt động tại Nga. Nhà sản xuất ô tô Mỹ có 50% cổ phần trong Ford Sollers, một liên doanh sử dụng ít nhất 4.000 công nhân và được chia sẻ với công ty Sollers của Nga. General Motors (GM) cho biết đang tạm dừng tất cả xuất khẩu sang Nga "cho đến khi có thông báo mới". Toyota thông báo ngừng sản xuất ô tô tại Nga hoặc nhập khẩu chúng về nước.
Volkswagen ngừng sản xuất xe tại Nga và tạm ngừng xuất khẩu sang thị trường Nga. Trong lĩnh vực hàng không, Boeing cho biết sẽ ngừng hỗ trợ các hãng hàng không Nga, bao gồm "các bộ phận, dịch vụ bảo trì và hỗ trợ kỹ thuật”, đồng thời "đình chỉ các hoạt động lớn ở Moscow”. Tương tự, Airbus cho biết đã "đình chỉ các dịch vụ hỗ trợ các hãng hàng không Nga, cũng như việc cung cấp phụ tùng thay thế cho nước này".
Với các Big Tech, Amazon cho biết Amazon Web Services sẽ ngừng đăng ký dịch vụ mới ở Nga và Belarus. Apple cũng ngừng bán các sản phẩm của mình tại Nga. Facebook - Meta cho biết sẽ chặn quyền truy cập vào các hãng tin Sputnik và RT của Nga. Microsoft đình chỉ tất cả hoạt động bán sản phẩm và dịch vụ mới của mình tại Nga. Netflix tạm ngừng dịch vụ phát trực tuyến ở Nga và từ chối phát sóng các kênh truyền hình nhà nước của Nga. Twitter công bố kế hoạch "giảm khả năng hiển thị và khuếch đại" nội dung truyền thông nhà nước Nga. Trong khi YouTube của Google chặn các phương tiện truyền thông nhà nước của Nga ở Ukraine, bao gồm cả RT…
Trong lĩnh vực tài chính, quỹ tài sản có chủ quyền trị giá 1.300 tỷ USD của Na Uy sẽ thoái cổ phần tại 47 công ty Nga cũng như trái phiếu chính phủ Nga. Mastercard - gã khổng lồ tín dụng đã hoạt động ở Nga hơn 25 năm - tạm ngừng các dịch vụ mạng của mình ở Nga. Visa và PayPal cũng cho biết tạm ngừng mọi hoạt động, dịch vụ tại Nga. Goldman Sachs là ngân hàng lớn đầu tiên ở Phố Wall công bố kế hoạch rút khỏi Nga. JPMorgan Chase, ngân hàng lớn nhất của Mỹ, cho biết đang "tích cực tháo gỡ" hoạt động kinh doanh ở Nga. Western Union cũng cho biết đang tạm ngừng hoạt động ở Nga và Belarus.
Nhìn vào TICKS hoặc MIST?
Eric Winograd, nhà kinh tế cấp cao tại AllianceBerntein, cho biết: “BRICS đã có những ngày rạng rỡ, nhưng điều đó đã tàn lụi. Một số nhà cung cấp chỉ số lớn của Mỹ đã loại bỏ cổ phiếu của Nga khỏi các chỉ số ở mức giá bằng 0 hoặc hiệu quả bằng 0. Giao dịch cổ phiếu của một số công ty hàng đầu Nga được niêm yết tại Mỹ, chẳng hạn công cụ tìm kiếm Yandex và Công ty viễn thông MTS, đã bị tạm dừng. Sở giao dịch chứng khoán Moscow đã bị đóng cửa kể từ ngày 25-2.
Trước tình hình này, Rahul Sen Sharma, đối tác quản lý của Indxx, một nhà cung cấp chỉ số toàn cầu, cho biết việc đóng cửa thị trường chứng khoán Nga về cơ bản đã biến BRICS thành BICS, và đó có thể là sự thay đổi vĩnh viễn. Sen Sharma đặt vấn đề: "Liệu các nhà đầu tư có chấp nhận Nga một lần nữa? Thật khó tin rằng mọi người sẽ đổ xô vào Nga bất cứ lúc nào".
Sen Sharma cho biết các nhà đầu tư có thể bắt đầu xem xét các thị trường mới nổi khác để thay thế Nga, chẳng hạn như Đài Loan và Hàn Quốc. BRICS có thể trở thành TICKS (Đài Loan, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nam Phi). Ông nói thêm rằng Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Mexico đang hấp dẫn, cũng như Philippines và Indonesia. “Bạn có thể ghép Mexico, Indonesia, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ là các thị trường MIST” - Sharma nói.
Đề xuất của UNCTD
Trong khi đó, báo cáo Thường niên về Đầu tư Thế giới vào năm ngoái của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTD) đã đưa ra xếp hạng các quốc gia tốt nhất để đầu tư, dựa trên kết quả cuộc khảo sát toàn cầu về 8 lĩnh vực có trọng số như nhau, bao gồm tham nhũng, năng động, kinh tế ổn định, kinh doanh, môi trường thuế thuận lợi, sáng tạo, lực lượng lao động có kỹ năng và trình độ công nghệ.
Trong danh sách này, Nga đứng ở vị trí thứ 21. Dẫn đầu danh sách là Mexico - quốc gia Mỹ Latin đã có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài gần 18 tỷ USD trong nửa đầu năm 2020. Nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài hàng đầu của Mexico là Mỹ. Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Mexico vào năm 2020, nhưng nước này dự kiến phục hồi trong những năm tới. Tháng 10-2020, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự kiến mức tăng trưởng của nước này năm 2022 là 2,3%. Vị trí thứ 2 thuộc về Indonesia. Nước này được coi là thị trường tiềm năng, khi nhiều công ty Nhật Bản đang tiếp tục đầu tư vào ngành công nghiệp ô tô của Indonesia.
Thị trường mới nổi tiếp theo là Malaysia (đứng thứ 5 trong danh sách đầy đủ). Theo đánh giá, quốc gia này có khả năng thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài do gần đây đã hạ ngưỡng tối thiểu đối với sở hữu bất động sản của người nước ngoài. Theo khảo sát, Malaysia có môi trường thuế thuận lợi, kinh tế ổn định, công nghệ chuyên sâu, lực lượng lao động có tay nghề cao và tham nhũng thấp. Brazil và Philippines là các thị trường mới nổi kế tiếp trong danh sách (xếp thứ 10 và 11).
Văn Cường
Điện thoại: 0909.140.866
Email: info@irrmanagement.com.vn