Quay về điểm xuất phát năm 2017
Tại hội thảo “Xử lý nợ xấu trong đại dịch Covid-19 và hoàn thiện chính sách pháp luật về xử lý nợ xấu theo hướng luật hóa Nghị quyết 42” diễn ra mới đây, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội NH Việt Nam (VNBA), cho biết tính đến cuối tháng 8 hệ thống các TCTD đã xử lý được khoảng 1,3 triệu tỷ đồng nợ xấu.
Trong đó, nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 là 424.100 tỷ đồng, đã xử lý được 364.100 tỷ đồng kể từ 15-8-2017 đến 31-8-2021. Kết quả đạt được rất tích cực nhưng khó khăn, vướng mắc vẫn còn, ảnh hưởng đến tiến độ xử lý nợ xấu của các TCTD, vì nợ xấu là vấn đề liên tục, luôn hiện hữu của ngành NH.
Đặc biệt, đại dịch Covid-19 tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu tăng cao trở lại. Vấn đề nợ xấu và xử lý nợ xấu cực kỳ quan trọng, có thể dẫn đến sự nguy hiểm của hệ thống NH và nền kinh tế.
Số liệu tổng hợp được công bố tại hội thảo cho thấy, so với quý II, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) quý III đã giảm mạnh tại nhiều NHTM. Chẳng hạn, tại Techcombank giảm từ 259% cuối quý II xuống còn 185% quý III. Tương tự, tại Vietcombank giảm từ 352% xuống 243%, tại TPBank từ 145% xuống 116%, ACB từ 208% xuống 198%, VietinBank từ 129% xuống 119%...
Tuy nhiên, xét trên bình diện chung tỷ lệ nợ xấu vẫn cao trong khi tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro không tương ứng, đã phản ánh sự tác động tiêu cực rất lớn khi Covid-19 ập đến.
Ông Lê Trung Kiên, Phó Cục trưởng Cục IV, Cơ quan Thanh tra, giám sát thuộc NHNN, nhấn mạnh sự ra đời của Nghị quyết 42 đã đóng góp nhiều kết quả trong xử lý nợ xấu. Nợ xấu giảm từ 1,99% cuối năm 2017 xuống 1,91% năm 2018, 1,63% năm 2019.
Tuy nhiên đến năm 2020 con số này tăng trở lại lên 1,69%, và cuối tháng 9 là 1,9% - gần như trở lại ban đầu của năm 2017 trước khi có Nghị quyết 42. Điều đó cho thấy tác động mạnh mẽ của đại dịch tới các TCTD.
Khó xử lý vì luật
Ở góc độ NH, các TCTD cũng đang phải đối mặt nhiều khó khăn với việc xử lý nợ xấu, trong đó có vấn đề liên quan đến áp dụng thủ tục rút gọn.
Đại diện Vietcombank cho biết, theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn, nếu xuất hiện tình tiết mới, các bên đương sự không thống nhất, làm vụ án không còn đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn, tòa án phải ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường.
Nếu bên có nghĩa vụ trả nợ chống đối, không hợp tác rất dễ phát sinh trường hợp cố tình tạo ra các tình tiết mới làm vụ án không đảm bảo được điều kiện xét xử theo thủ tục rút gọn, dẫn đến việc không thể áp dụng được thủ tục tố tụng rút gọn, mặc dù vẫn đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị quyết 42.
Hiện chưa có cơ chế bắt buộc, đương nhiên áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm (TSBĐ).
Lý do khác, theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Vụ trưởng Vụ I, Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp), dịch Covid-19 bùng phát nên hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự bị gián đoạn, công tác tác nghiệp tại cơ sở, xác minh điều kiện thi hành án, làm việc trực tiếp với đương sự bị ảnh hưởng, dẫn tới công tác xử lý nợ cũng bị ảnh hưởng. Công tác phối hợp với các NH chưa hiệu quả dẫn tới kết quả thu hồi nợ cho NH chưa cao.
Hoàn thiện pháp luật về xử lý nợ xấu
“Nghị quyết 42 hết hiệu lực sẽ khiến áp lực xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD trong thời gian tới rất lớn” - ông Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ khi đề cập đến việc Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực thi hành vào ngày 15-8-2022, đồng thời kiến nghị cần luật hóa xử lý nợ xấu để giúp ngành NH và các cơ quan nhà nước liên quan phối hợp xử lý nợ xấu hiệu quả hơn.
Bà Vũ Ngọc Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (NHNN), cho biết thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, NHNN đã có tờ trình Chính phủ về việc hoàn thiện pháp luật về xử lý nợ xấu theo 2 phương án. Trong đó, phương án 1 đề xuất Chính phủ đề xuất Quốc hội xây dựng luật về xử lý nợ xấu của các TCTD theo hướng tiếp tục kế thừa các quy định về xử lý nợ xấu tại Nghị quyết 42 còn phù hợp; sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Nghị quyết 42 thực tiễn triển khai trong thời gian qua gặp khó khăn, vướng mắc.
Theo đó, TCTD có quyền thu giữ TSBĐ cho khoản nợ xấu không cần có thỏa thuận về việc bên nhận bảo đảm đồng ý cho TCTD có quyền thu giữ TSBĐ trong hợp đồng bảo đảm; loại trừ không áp dụng quy định về trường hợp xuất hiện tình tiết mới trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn…
Để đảm bảo tránh khoảng trống pháp lý khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực thi hành, luật xử lý nợ xấu cần được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 5-2022.
Phương án 2 là kéo dài hiệu lực của Nghị quyết 42 với thời hạn 3 năm. Trong thời gian đó, cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng luật về xử lý nợ xấu để đảm bảo tính ổn định của quy định pháp luật.
Việc báo cáo, trình Quốc hội cho phép tiếp tục có hiệu lực của Nghị quyết 42 được thực hiện tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 5-2022. “Hiện NHNN đang chờ ý kiến chỉ đạo chính thức của Chính phủ, Quốc hội về các nội dung đề xuất” - bà Lan cho biết.
Nguy cơ nợ xấu tăng trở lại do việc xử lý nợ xấu đang gặp nhiều khó khăn, có thể dẫn đến sự nguy hiểm của hệ thống NH và nền kinh tế.
HÀ MY
Điện thoại: 0909.140.866
Email: info@irrmanagement.com.vn