Một buổi chiều, họ tụ tập tại một quán bia ở Thảo Điền. Khoảng 80 người, phần lớn là người nước ngoài, nhiều người là chủ các doanh nghiệp siêu nhỏ. Họ trao đổi kinh nghiệm về chuyển đổi xanh, các giải pháp bền vững của ngành khách sạn và F&B tại Việt Nam…
Thầy cô, học sinh và Nam Á Bank chung tay trồng cây xanh trong khuôn viên trường.
1. Trong suy nghĩ của nhiều người, nguồn tài nguyên nước có vẻ không phải là một vấn đề lớn của ngành du lịch, khách sạn và nhà hàng ở Việt Nam. Thế nhưng, ngành này đang phải đối diện với thách thức lớn khi nhu cầu sử dụng nước ngày một tăng. Nguy cơ của cuộc khủng hoảng nước sạch đang tác động một cách âm thầm đến ngành công nghiệp không khói vốn đóng góp 2,5% GDP của Việt Nam.
Tiến sĩ Nuno Rubeiro từ Đại học RMIT nói rằng, bình quân trên thế giới một du khách có thể sử dụng trung bình 350 lít nước mỗi đêm. Ở các khách sạn hay khu nghỉ dưỡng sang trọng, con số này lên đến 3.000 lít mỗi đêm. “Lượng nước tiêu thụ tại các khách sạn và khu nghỉ dưỡng ở TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng và các điểm du lịch vùng biển khác cũng đang tiệm cận con số này”, Tiến sĩ Rubeiro mở đầu bài nói của mình.
Đó cũng là cách giới thiệu “ngọt xớt” cho phần trình bày của một diễn giả khác sau đó - ông Frank Pogade từ Water:hub South-East Asia (WSS). Đây là một doanh nghiệp tư vấn các giải pháp về nước có văn phòng chính tại An Phú, thành phố Thủ Đức.
Ông Pogade giới thiệu về dự án tư vấn cho Mango Bay Resort, là khu nghỉ dưỡng gồm 37 bungalow nằm giữa 20 héc ta rừng đặc hữu dọc theo bờ biển Ông Lang trên đảo Phú Quốc.
Mango Bay mở cửa đón khách năm 2002. Trước đó, trong quá trình xây dựng, chủ nhân và các nhà thiết kế đã chú ý sử dụng các vật liệu xây dựng thân thiện như đất sét, tre nứa… Từ năm 2010, Mango Bay được công nhận là một trong những khách sạn và khu nghỉ dưỡng xanh tiêu biểu tại Việt Nam, là thành viên của Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam.
Mango Bay đã sớm sử dụng điện mặt trời, dùng bóng đèn tiết kiệm năng lượng, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên và gió trời, tiết kiệm nước (trong nhà tắm, nhà vệ sinh, giặt giũ), xử lý nước đúng mực… Dù đã có rất nhiều kinh nghiệm “xanh” nhưng Mango Bay vẫn mời WSS tư vấn nhằm tiếp tục giảm lượng nước tiêu thụ và giảm các tác động ảnh hưởng đến môi trường từ rác thải, nước thải của khu nghỉ dưỡng.
Tiếp nối câu chuyện của WSS là chuyện Vinergy tư vấn cho một nhà hàng ở TPHCM tiết kiệm điện. Đó là PAPS tạo ra vòng đời mới cho rác thải nhựa như gạch hay bàn ghế xuất khẩu. Hay câu chuyện cửa hàng thịt nguội Cure and Pickle Korai Beer và xưởng bia thủ công Korai Beer thực hành kinh tế tuần hoàn, tận dụng nguồn cung ứng địa phương để cắt giảm chi phí…
Vậy năm câu chuyện của năm doanh nhân người nước ngoài có điểm gì chung?
Đầu tiên, chủ nhân năm doanh nghiệp siêu nhỏ trên là những người nước ngoài nhưng đã chọn Việt Nam là nơi sinh sống và kinh doanh, có người 5 năm, có người 10 năm hoặc hơn… “Yêu và quan tâm môi trường, muốn tạo những thay đổi ở đất nước mình sinh sống và làm việc”, một doanh nhân nước ngoài ngồi nghe nói vậy. Ông tin rằng những thay đổi nhỏ sẽ tạo tác động lớn. Cuối cùng là những cơ hội thị trường mới xuất hiện trên hành trình thực hiện các tiêu chí ESG (môi trường, xã hội và quản trị).
Có thể dễ tìm thấy nhiều doanh nghiệp cỡ trung và lớn của Việt Nam thực hiện chuyển đổi xanh. Nhưng ở mức độ cá nhân, doanh nghiệp siêu nhỏ gặp gỡ để học hỏi kinh nghiệm về chuyển đổi xanh tại một quán bia như vậy sẽ là hiếm thấy…
2. Cũng hiếm có công ty siêu nhỏ, startup Việt khám phá thị trường chuyển đổi xanh, dù rằng đây là thị trường tiềm năng lớn.
Thành lập cuối năm 2023 tại Thảo Điền, Eco Solutions là một startup của người Việt Nam tại TPHCM, chuyên cung cấp các dịch vụ xử lý rác thải, mùi và vi khuẩn tại gia đình và doanh nghiệp bằng các nguyên liệu và giải pháp thân thiện với môi trường. Eco Solutions phối hợp với đối tác Malaysia sản xuất enzyme dạng bột để xử lý mỡ, bùn thải tắc trong đường ống, bồn rửa, nhà bếp hay dung dịch diệt khuẩn có nguyên liệu từ thiên nhiên, có giá mắc hơn giá các sản phẩm bán tại siêu thị 3-5 lần.
Họ còn nhập thùng ủ rác của Hàn Quốc - loại có thể xử lý rác thải và thực phẩm dư thừa trong bếp thành phân bón hữu cơ (compost). Một thùng dung tích 5 lít có giá đến 45 triệu đồng. Loại thùng 2 lít giá hơn 17 triệu đồng. Mức giá này vượt quá tầm chi tiêu của những gia đình trung lưu người Việt.
Alex Kwon, Giám đốc khu vực phía Nam của Eco Solutions, nói rằng tệp khách chính của startup là các nhà có sân vườn lớn hoặc các nhà cao tầng có trồng cây trên sân thượng. Các chuỗi khách sạn, chuỗi nhà hàng lớn, nhà ăn của các tập đoàn mua loại thùng có dung tích xử lý vài trăm đến cả tấn rác thải thực phẩm mỗi ngày, như khách sạn JW Marriott Hà Nội, khách sạn Amanaki Saigon Boutique, Tập đoàn CP Vietnam, nhà máy Honda ở Hà Nam, Đại học Anh Quốc - Việt Nam (BUV)…
Nhà sáng lập Lương Thị Thu Huyền nói rằng mục tiêu của startup là “địa phương hóa” các sản phẩm và công nghệ của nước ngoài. Đó cũng là một giải pháp tình huống khi mà thị trường tiêu thụ những sản phẩm hướng xanh thì có còn phần cung ứng nội địa còn thưa vắng. Và chuyện đổi xanh trong các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ có khi bắt đầu từ những thứ nhỏ mà rất quan trọng như chịu học hỏi, áp dụng trong tiết kiệm năng lượng, dùng năng lượng chuyển đổi, phân hủy rác tại chỗ để tái sử dụng như các doanh nghiệp kể trên đã làm.
Theo Song Hào - Báo Kinh tế Sài Gòn
Điện thoại: 0909.140.866
Email: info@irrmanagement.com.vn