Sản xuất suy giảm trên diện rộng
Trong khi nhiều nước phát triển trên thế giới bắt đầu quá trình hồi phục kinh tế một cách mạnh mẽ thì Việt Nam lại rơi vào đáy của cuộc khủng hoàng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra trong quí 3 - 2021.
Tăng trưởng kinh tế chín tháng đầu năm chỉ đạt 1,42% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất kể từ khi Việt Nam công bố thống kê này. Tuy nhiên để thấy được rõ hơn sức tàn phá của đại dịch và những biện pháp phòng chống dịch cực đoan thì phải nhìn vào các thống kê của quí 3 chứ không phải bình quân chín tháng. Chỉ riêng trong quí 3, GDP của Việt Nam ước giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực dịch vụ giảm tới 9,28%, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%, chỉ có khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là có mức tăng nhẹ 1,04%.
Chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) có tháng thứ tư liên tiếp ở dưới xa ngưỡng trung lập (50). Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tiếp tục tụt giảm mạnh trong những tháng gần đây. Theo Tổng cục Thống kê, so với cùng kỳ năm trước, trong tháng 8 số doanh nghiệp thành lập mới giảm 57% về số lượng, giảm 76,5% về số vốn đăng ký và giảm 54,9% về số lao động; tháng 9 giảm 62,2% về số lượng, giảm 69,3% về số vốn đăng ký và giảm 39,9% về số lao động. Đồng thời, số lượng doanh nghiệp giải thể và tạm dừng hoạt động tiếp tục ở mức cao.
Còn theo thống kê không chính thức của cơ quan đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phía Nam, đã có hàng trăm ngàn doanh nghiệp và hàng triệu lao động phải ngừng hoạt động, tạm nghỉ việc, giãn việc không hưởng lương. Trong tổng số 18 triệu lao động ở 19 tỉnh, thành phố phía Nam, chỉ có một phần ba số lượng lao động có việc làm đầy đủ. Chi phí sản xuất (từ giá xăng dầu đến các nguyên vật liệu sản xuất cơ bản) neo ở mức cao cộng với việc hàng trăm ngàn lao động đang “tháo chạy” khỏi các trung tâm sản xuất phía Nam tiếp tục báo hiệu triển vọng hồi phục kinh tế khó khăn trong thời gian tới.
Các thành phần của tổng cầu đều suy yếu
Từ góc độ tổng cầu của nền kinh tế cũng cho thấy sự sụt giảm tương tự. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong quí 3 giảm tới 28,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, du lịch lữ hành giảm 0, dịch vụ lưu trú và ăn uống và các dịch vụ khác giảm tới hơn một nửa, hầu như chỉ còn tiêu dùng hàng hóa thiết yếu là giữ được mức của năm trước. Tương tự như vậy, chỉ riêng trong quí 3, phong tỏa và hạn chế đi lại giữa các tỉnh/thành khiến dịch vụ vận tải hành khách và vận tải hàng hóa trong nước lần lượt giảm 70% và 30%. Khách quốc tế đến Việt Nam hầu như biến mất.
Bên cạnh đó, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong quí 3 theo giá hiện hành cũng giảm 9,5%, với khu vực nhà nước và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đều giảm trên 20%. Số dự án FDI tính đến cuối tháng 9 giảm mạnh về số lượng (37,8%). Vốn FDI tuy có tăng (20,6%) về vốn đăng ký nhưng lại giảm (3,5%) về vốn thực hiện.
Hoạt động thương mại quốc tế tiếp tục khởi sắc trong năm 2021 nhờ hiệu ứng tích cực từ các hiệp định thương mại tự do (FTAs) cũng như sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư vào Việt Nam trong những năm gần đây. Tuy nhiên, tăng trưởng thương mại đang có xu hướng giảm dẫn qua các quí của năm. Kim ngạch xuất khẩu chín tháng đầu năm tăng tới 18,8% so với cùng kỳ năm trước nhưng tốc độ tăng của riêng quí 3 chi là 5,2% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu chín tháng đầu năm tăng 30,5% so với cùng kỳ năm trước nhưng của riêng quí 3 chi tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước. Sau nhiều năm liên tiếp có thặng dư, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong chín tháng đầu năm đã thâm hụt khoảng 2,13 tỉ đô la Mỹ. Một số đơn hàng đã bị chuyển ra khỏi Việt Nam do không đáp ứng được tiến độ sản xuất bởi các biện pháp phòng, chống bệnh dịch khắc nghiệt trong nước. Khu vực FDI chiếm tới gần 74% giá trị xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất với tỷ trọng hơn 29%. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc chiếm tới 33,5% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Giá cả ổn định nhưng có sóng ngầm
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quí 3 năm 2021 tăng 2,51% so với cùng kỳ năm trước là mức khá thấp trong những năm gần đây. Tuy nhiên, chỉ số giá chung của nền kinh tế (Deflator) lại tăng tới hơn 23% cho thấy sức ép lạm phát của nền kinh tế là rất lớn. Sự gia tăng của giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, từ vài chục phần trăm tới vài lần, cộng với các chi phí logistics và phòng, chống bệnh dịch, đang khiến giá thành sản xuất tăng cao. Không sớm thì muộn, các chi phí sản xuất này sẽ được chuyển vào giá tiêu dùng một khi tổng cầu hồi phục. Bên cạnh đó, sự đứt gãy trong lưu thông hàng hóa, nông dân được mùa nhưng không tiêu thụ được sản phẩm có thể khiến họ thu hẹp sản xuất, khiến giá thực phẩm có thể tăng cao vào dịp cuối năm.
Dư địa chính sách tiền tệ không có nhiều như hàm ý bởi thống kê hiện tại về lạm phát. Ngoài sức ép làm phát do chi phí đẩy, rủi ro bong bóng giá tài sản là một rào cản khác cho sự mở rộng tiền tệ trong thời gian tới Thu ngân sách liên tiếp sụt giảm (thu của quí 2 chỉ bằng 78% của qui 1, qui 3 chỉ bằng 85% của quí 2) cũng làm hạn chế các gói hỗ trợ doanh nghiệp và ổn định sinh kế của người dân.
Triển vọng hồi phục kinh tế khá bấp bênh
Nhìn chung, sức khỏe của nền kinh tế suy giảm rất nghiêm trọng. Mức tăng trưởng âm 6,17% trong quí 3 có lẽ chưa phản ánh hết được sự đứt gãy sản xuất và lưu thông hàng hóa, sự đình trệ của các hoạt động kinh doanh diễn ra trên quy mô lớn, sự bất ổn trong đời sống của hàng triệu người lao động. Sức chống đỡ của doanh nghiệp và người dân ở các vùng có dịch bùng phát trong thời gian vừa qua đã tiến đến gần điểm tới hạn
Kết quả này cho thấy chúng ta không thể tiếp tục sử dụng các biện pháp chống dịch cực đoan được nữa. Các hoạt động kinh tế cần được “cởi trói" để hoạt động bình thường trở lại.
Việc chuyển đơn hàng ra khỏi Việt Nam của một vài doanh nghiệp FDI hay sự rời bỏ các trung tâm sản xuất của lao động nhập cư có thể chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, nếu không thay đối tư duy chống dịch, không đảm bảo được sự liên tục của sản xuất và lưu thông hàng hóa dựa trên các biện pháp phòng, chống bệnh dịch hợp lý và hiệu quả thì rất có thể các vấn đề trên sẽ trở thành lâu dài. Các doanh nghiệp sẽ không mở rộng đầu tư, hay người lao động sẽ không quay trở lại thành phố cho tới khi họ an tâm với các biện pháp phòng, chống bệnh dịch trong tương lai
Triển vọng hỏi phục kinh tế do vậy phụ thuộc rất lớn vào chiến lược ứng xử với đại dịch trong thời gian tới. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn thiếu một hướng dẫn tổng thể, nhất quán giữa các địa phương, giữa các bộ ngành về việc sản xuất thích ứng an toàn, linh hoạt, và đặc biệt là phải tiết giảm chi phí và khả thi đối với doanh nghiệp. Bệnh dịch đã lắng xuống, tỷ lệ tiêm phủ vaccine đã khá cao ở các trung tâm kinh tế, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp chưa thể quay trở lại hoạt động bình thường, nhiều hoạt động lưu thông vận tải hành khách và hàng hóa vẫn bị ngưng trệ.
Bên cạnh thay đổi chiến lược thích ứng hiệu quả với đại dịch, các hỗ trợ an sinh xã hội và tài khóa cũng đóng vai trò quan trọng cho sự hồi phục của nền kinh tế. Các gói hỗ trợ cho tới nay là rất hạn hẹp. Trong bối cảnh hiện tại, Việt Nam có thể tạm thời chấp nhận mức thâm hụt ngân sách cao hơn bình thường nhằm an dân và hỗ trợ doanh nghiệp nối lại hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, khi đại dịch qua đi, các kỷ luật tài khóa cần phải được tuân thủ chặt chẽ trở lại để tránh các rủi ro về tài khóa và nợ công trong dài hạn. Cũng cần lưu ý rằng, dù cố gắng tới đâu, các gói hỗ trợ của Chính phủ vẫn là hữu hạn, không thấm tháp gì so với nhu cầu của nền kinh tế. Không có cách nào khác là phải để nền kinh tế tự cứu lấy nó bằng cách “mở cửa” trở lại các hoạt động sản xuất và tiêu dùng.
Phạm Thế Anh - Đại học Kinh tế quốc dân
Điện thoại: 0909.140.866
Email: info@irrmanagement.com.vn