Logo

Fed cắt giảm lãi suất, toàn cầu "thở phào"

Fed cắt giảm lãi suất, toàn cầu 'thở phào'

Vui nhưng không bất ngờ

Trước cuộc họp chính sách tiền tệ Mỹ (FOMC meeting), có nhiều quan điểm cho rằng mức cắt lãi suất 0,5% có thể gây bất ổn. Richard Clarida, cựu Phó chủ tịch Fed và hiện đang làm việc tại Pimco, cho biết việc cắt giảm 0,5% là không “nhất thiết đảm bảo 100% rằng tin đó sẽ đón nhận nồng nhiệt”.

Trái lại, nó có thể khiến công chúng lo lắng về rủi ro suy thoái kiểu “Chà, họ biết điều gì mà chúng ta không biết?”.

Tuy nhiên, phản ứng của thị trường Mỹ sau khi công bố thông tin cho thấy, mức 0,5% không gây bất ổn nhiều như lo ngại. Nhận định ban đầu của Bloomberg cho thấy thị trường đón nhận tin không quá bất ngờ.

Hãng tin này viết: “Các nhà hoạch định chính sách của Fed đã cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản (0,5%), gấp đôi mức giảm được dự đoán, mặc dù hầu hết các nhà kinh tế, các nhà đầu tư đã đặt tỷ lệ cược lớn hơn vào mức cắt 0,5%. Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết không ai nên cho rằng “đây là tốc độ mới” để cắt giảm trong thời gian tới”.

Đây là một quyết định có sự đồng thuận cao của các thành viên hội đồng chính sách tiền tệ. Trong đó có một thành viên hội đồng chính sách tiền tệ của Fed, Michelle Bowman, đã bỏ phiếu ủng hộ việc cắt giảm chỉ 25 điểm cơ bản, là sự bất đồng quan điểm đầu tiên của một thống đốc kể từ năm 2005.

Fed sẽ còn đợt cắt giảm cuối năm

Cùng với việc quyết định về lãi suất, hội đồng chính sách tiền tệ của Fed cũng công bố dự báo kinh tế mới cũng như đồ thị dot-plot về quan điểm lãi suất của các thành viên.

Theo các thông tin này, từ đây đến cuối năm, Fed sẽ cần cắt lãi suất thêm 0,5% nữa. Theo dự báo của BlackRock, điều này tương đương với việc chia đều 0,25% cho tháng 11 và 0,25% cho tháng 12. Và cũng theo các dự báo này, Fed sẽ phải cắt lãi suất thêm khoảng 1% nữa cho đến cuối năm sau.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng trong phát biểu sau cuộc họp, ông Powell nhắc nhở thị trường, rằng đây không phải “kế hoạch” mà chỉ là “điểm khởi đầu” để họ tham khảo và ra các quyết định lãi suất mà thôi. Vào cuối bài phát biểu, ông Powell vẫn nhắc lại là những quyết định lãi suất sau đó của Fed sẽ phụ thuộc vào các dữ liệu sắp tới, triển vọng kinh tế và những cân nhắc đánh đổi các rủi ro.

Không thấy dấu hiệu của suy thoái kinh tế

Điểm đáng chú ý là ông đã nhấn mạnh khi trả lời câu hỏi về chuyện “Vì sao ông cắt lãi suất 0,5%, trong khi đánh giá thị trường lao động vẫn ổn định?” và “Liệu ông có thấy rủi ro suy thoái?” ông Powell đã khẳng định là ông không thấy rủi ro suy thoái kinh tế, và đây trở thành tiêu đề của nhiều hãng tin.

Điều này có thể được nhìn thấy ngay trong dự báo kinh tế được điều chỉnh của Fed. Theo đó, mặc dù dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ giảm đi so với dự báo tháng 6, nó vẫn trong khung từ 1,9-2,1% cho năm 2024, từ 1,8-2,2% cho 2025, và thất nghiệp sẽ trong khoảng từ 4,2 đến 4,5%. Những con số này ở rất xa kịch bản suy thoái kinh tế.

Tất cả đều thở phào

Sau khi quyết định lãi suất của Fed được công bố, mặc dù phản ứng ban đầu của thị trường Mỹ hơi tiêu cực, nhưng đến sáng giờ châu Á trở đi, các đồng tiền của châu Á lên giá, thị trường châu Á và châu Âu đều lạc quan, và đến buổi tối ở thị trường Mỹ đã đồng loạt “xanh”.

Mặc dù vẫn có những bất định trong ngắn hạn, nhưng về trung và dài hạn trở đi, Mỹ cắt lãi suất và quan trọng là đặt mục tiêu đưa lãi suất về “trung tính” (không nới lỏng, không thắt chặt) ở xung quanh mức 3% vào cuối năm sau. Đây là một tín hiệu tốt.

Với mục tiêu lãi suất tới cuối 2025 của đồng đôla Mỹ từ trên 5% về 3%, thì nhiều gánh nặng của các thị trường mới nổi ở Mỹ Latin và châu Á được gỡ ra. Các ngân hàng trung ương những nước này sẽ có nhiều dư địa để thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế mà họ đã tính làm từ đầu năm, nhưng phải trì hoãn do Fed chậm cắt lãi suất.

Ngoài ra, nỗi lo kinh tế Mỹ suy thoái cũng khiến doanh nghiệp ở một số nền kinh tế xuất khẩu bất an gần đây. Bởi khi kinh tế Mỹ đối mặt rủi ro suy thoái trong bối cảnh kinh tế châu Âu và Trung Quốc không đạt kỳ vọng, thì đơn hàng với các nền kinh tế xuất khẩu sẽ gặp nhiều rủi ro. Nay với việc Mỹ cắt lãi suất, kinh tế Mỹ ít khả năng đi vào suy thoái. Mỹ tránh được suy thoái thì sẽ tạo thuận lợi cho các nền kinh tế xuất khẩu.

Tóm lại, Mỹ cắt lãi suất và thị trường vui vẻ với mức cắt 0,5% là một tin vui cho các thị trường và các nền kinh tế. Đặc biệt là trong bối cảnh địa chính trị phức tạp và bất định của bầu cử Mỹ sắp tới. Một nút thắt được gỡ ra để các thị trường tài chính bớt bức bối – một cảm giác kéo dài suốt hơn 1 tháng qua. Rồi cuối cùng cũng có một vài tin tốt sau những ngày mưa bão trên toàn cầu.

Với mức cắt 0,5% là một tin vui cho các thị trường và các nền kinh tế. Đặc biệt là trong bối cảnh địa chính trị phức tạp và bất định của bầu cử Mỹ sắp tới. Một nút thắt được gỡ ra để các thị trường tài chính bớt bức bối sau một cảm giác kéo dài suốt hơn 1 tháng qua.

Theo TS. HỒ QUỐC TUẤN, Giảng viên Đại học Bristol, Anh – Báo Sài Gòn Giải Phóng – Đầu tư tài chính

Tư vấn - Hỗ trợ

Tư vấn - Hỗ trợ

Điện thoại: 0909.140.866

Email: info@irrmanagement.com.vn