Hôm thứ 4 tuần trước, Powell đã nhấn mạnh quan điểm này trong một cuộc họp báo sau khi Fed quyết định giữ lãi suất chuẩn ổn định ở mức cao nhất trong 22 năm.
Fed đang vẽ ra một kịch bản lạc quan?
Ông Jerome Powell cho biết chưa quyết định có nên nâng lãi suất lần nữa hay không sau chuỗi tăng lãi suất nhanh chóng trong lịch sử trong 18 tháng qua, vì họ đang chờ đợi bằng chứng cho thấy tình trạng lạm phát chậm lại gần đây vẫn tiếp tục được duy trì. Tại hội nghị Jackson Hole của các ngân hàng trung ương vào tháng 8, Powell đã kết thúc bài phát biểu bằng cách tuyên bố “chúng ta đang định hướng bằng các vì sao dưới bầu trời đầy mây”. Do bầu trời vẫn quá đầy mây nên vào thứ 4, ông đã 6 lần tuyên bố cần phải “tiến hành cẩn thận”.
Mặc dù giữ chính sách tiền tệ thắt chặt, Fed dự đoán tăng trưởng kinh tế vẫn tương đối mạnh và tỷ lệ thất nghiệp không tăng đáng kể. Các dự báo cho thấy Fed đang tăng cường cam kết của họ đối với cách tiếp cận lãi suất “cao hơn trong thời gian dài hơn”. Fed dường như tự tin hơn so với dự đoán vào tháng 6 rằng họ có thể giảm lạm phát xuống mục tiêu 2% mà không làm kinh tế suy thoái mạnh, cái gọi là hạ cánh mềm.
“Nhìn chung, hoạt động kinh tế mạnh mẽ hơn có nghĩa là chúng ta phải làm nhiều hơn với lãi suất”- Powell nói khi được hỏi về dự đoán về việc cắt giảm lãi suất ít hơn vào năm tới mặc dù quỹ đạo lạm phát dự kiến, so với tháng 6, đang khả quan hơn.
Dự báo cho thấy lạm phát cơ bản - sau khi trừ giá lương thực và năng lượng - sẽ giảm xuống 3,7% vào cuối năm nay trước khi giảm xuống lần lượt 2,6% và 2,3% vào năm 2024 và 2025. Trong khi đó, thị trường lao động đã có dấu hiệu dịu đi phần nào. Tỷ lệ người lao động bỏ việc - thường là dấu hiệu của khả năng thương lượng khi nhân viên nghỉ việc để được trả lương cao hơn ở nơi khác - đã giảm trong tháng 7 và đang quay trở lại mức trước đại dịch.
4 thách thức lớn Fed phải đối mặt
Những điều trên là kịch bản hoàn hảo cho các ngân hàng trung ương, nhưng lịch sử cho thấy nó khó có thể xảy ra. Bomfim, nguyên cố vấn của Powell, cho biết: “Bạn cần rất nhiều may mắn”. Kể từ Thế chiến thứ hai, Mỹ chỉ đạt được một lần hạ cánh mềm bền vững vào năm 1995. Việc hạ cánh mềm gặp phải 4 thách thức: lãi suất quá cao trong thời gian dài, kinh tế tăng tốc, giá năng lượng tăng cao và bùng nổ khủng hoảng tài chính.
Về vấn đề thứ nhất - lãi suất quá cao trong thời gian dài - cuộc hạ cánh mềm 1995 duy nhất xảy ra sau khi Fed tăng gấp đôi lãi suất lên 6% trong 12 tháng và nhận thấy mình đã hành động quá quyết liệt, họ đã giảm lãi suất 3 lần liên tiếp sau đó.
Thứ hai - kinh tế tăng tốc - chi tiêu tiêu dùng và hoạt động kinh doanh đang có dấu hiệu tăng tốc trở lại sau khi chậm lại vào năm ngoái. Nếu điều này tiếp tục, Fed có thể kết luận rằng sẽ có nguy cơ làm cho việc giảm lạm phát kết thúc trừ khi họ tăng lãi suất cao hơn, làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế.
Thứ ba - giá năng lượng tăng cao - Fed thật may mắn khi trong các lần tăng lãi suất trong lịch sử đã không phải đối đầu với cú sốc giá năng lượng. Nhưng có thể Fed sẽ cần thêm nhiều may mắn trong lần này. Giá xăng cao hơn có nguy cơ làm tăng những kỳ vọng vốn đã ổn định đáng kể trước đó. Giá dầu thô kỳ hạn chuẩn của Mỹ đóng cửa ở mức khoảng 91 USD/thùng vào cuối tuần, tăng gần 30% kể từ tháng 6.
Thứ tư - các sự cố trên thị trường tài chính - kinh tế Mỹ có thể bị ảnh hưởng bởi sự rạn nứt thị trường hoặc khủng hoảng địa chính trị. Giám đốc điều hành JPMorgan Chase - Jamie Dimon - cho rằng việc tăng lãi suất 0,5% thêm nữa sẽ gây căng thẳng lớn hơn cho lĩnh vực ngân hàng và bất động sản.
Ông còn cảnh báo những rủi ro do thâm hụt ngân sách ngày càng lớn của Mỹ. Trong khi nó đang được các nhà đầu tư tài trợ, thì Fed lại thu hẹp danh mục tài sản trị giá 8,1 nghìn tỷ USD trái phiếu chính phủ. Điều này tiếp tục đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ lên cao và tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng ngân hàng như sự kiện 3 nhà băng Mỹ phá sản vào tháng 3 năm nay. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm tăng lên 5,118%, mức cao nhất kể từ năm 2006.
Kéo dài chu kỳ cắt giảm lãi suất bằng cách giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn là hợp lý khi các nhà hoạch định chính sách không thực sự giải quyết được lý do tại sao lạm phát lại giảm xuống. Một trong những yếu tố quan trọng để Fed xem xét điều này là nhìn vào mức lãi suất trung lập.
Nhưng cái khó cho Fed là lãi suất trung lập không thể được quan sát, chỉ được suy ra bằng cách nền kinh tế phản ứng với các mức lãi suất cụ thể. Nếu mức lãi suất hiện tại không làm giảm nhu cầu hoặc lạm phát thì cũng có nghĩa Fed suy ra rằng lãi suất trung lập hiện đang ở mức cao hơn so với trước đây. Trong trường hợp này, theo quan điểm của Fed, chính sách tiền tệ không thể gọi là thắt chặt được.
Thật vậy, vào thứ 4, Powell nhận định lý do khiến nền kinh tế và thị trường lao động vẫn kiên cường bất chấp lãi suất từ 5,25% đến 5,5% là do mức lãi suất trung lập đã tăng lên, mặc dù ông nói thêm: “Chúng tôi không biết điều đó”. Tính đến thứ 4, ước tính trung bình của lãi suất trung lập vẫn là 2,5%. Nhưng 5 trong số 18 nhà kinh tế Fed đặt tỷ lệ này ở mức 3% hoặc cao hơn, so với chỉ 3 vào tháng 6 và 2 nhà kinh tế Fed vào tháng 12 năm trước.
Các ngân hàng trung ương toàn cầu đang chạy đua theo Fed với kết cuộc xấu
Nhìn ra thế giới, tình hình có vẻ bi đát hơn. Các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới dường như sắp kết thúc một loạt các đợt tăng lãi suất, nhưng chi phí kinh tế của cuộc chiến chống lạm phát chỉ mới bắt đầu xuất hiện, với nhiều dấu hiệu cho thấy châu Âu có thể là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Chiến dịch tăng lãi suất gần đây ở châu Âu có quy mô và tốc độ chưa từng có. Chi phí đi vay lên mức cao hơn bất kỳ giai đoạn nào trước đây có thời hạn tương tự. Nhiều dự báo cho thấy họ khó có thể cắt giảm lãi suất cho đến tận năm 2024 hoặc muộn hơn. Dario Perkins, chuyên gia kinh tế tại TS Lombard, cho biết: “Có thể Fed đã làm quá nhiều, nhưng châu Âu đã đuổi theo Fed đến mức nền kinh tế không thể sống chung với lãi suất cao”.
Nền kinh tế toàn cầu hạ nhiệt trong 3 tháng tính đến tháng 6 và có rất ít dấu hiệu phục hồi bên ngoài nước Mỹ. Trong khi suy thoái kinh tế Trung Quốc đang gây ra nỗi lo kéo theo kinh tế toàn cầu suy thoái, thì kinh tế châu Âu thậm chí có nguy cơ thu hẹp mạnh trên diện rộng. Mặc dù châu Âu phần nào vượt qua được cuộc khủng hoảng năng lượng kể từ chiến sự Nga-Ukraine, nhưng cơn gió ngược của lãi suất cao hơn đang là một thách thức quá lớn.
Các cuộc khảo sát trong tháng 9 đối với các nhà quản lý mua hàng châu Âu tại các nhà sản xuất và nhà cung cấp dịch vụ, được công bố hôm thứ 6, chỉ ra hoạt động kinh tế đang bị thu hẹp. Điều này cho thấy, tính đến tháng 9 nền kinh tế khu vực này đã suy thoái trong 3 tháng.
Công trình của các nhà kinh tế Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF công bố đầu tháng 9 cho thấy việc giải quyết thành công các cú sốc lạm phát trong quá khứ đòi hỏi phải tiến hành chính sách tiền tệ thắt chặt kéo dài, trung bình là 3 năm. Trong hơn 100 cú sốc lạm phát trên khắp thế giới, việc thất bại trong việc giải quyết lạm phát thường được cho là “ăn mừng quá sớm”, khi lạm phát mới giảm trở lại, các ngân hàng trung ương đã vội vàng nới lỏng chính sách.
Mặc dù khuyến cáo cần tìm ra điểm cân bằng hợp lý, IMF vẫn đi đến kết luận rằng việc giữ lãi suất ở mức khá cao là điều đúng đắn cần làm sau một cú sốc lạm phát. Thậm chí trong những dự đoán và bình luận của mình, một số nhà kinh tế của Fed đã hàm ý lãi suất không chỉ cao hơn trong thời gian dài hơn mà còn mãi mãi.
Lý do cho nhận định này là mức lãi suất trung lập giúp giữ lạm phát và thất nghiệp ổn định theo thời gian, đã tăng lên so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khoảng 1%. Nếu thực sự như thế, lãi suất đồng USD sẽ còn tiếp tục tăng và neo cao trong thời gian dài và càng gây bất ổn tỷ giá tại các nền kinh tế mới nổi.
Xem ra không chỉ Fed mà hầu hết các ngân hàng trung ương toàn cầu đang định hướng chính sách bằng các vì sao dưới bầu trời đầy mây.
Theo Nhà báo THU TRẦN - Báo Kinh tế Sài Gòn
Điện thoại: 0909.140.866
Email: info@irrmanagement.com.vn