Trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa toàn cầu giảm sút, Trung Quốc đang coi thị trường nội địa tỉ dân là bệ đỡ quan trọng giúp các doanh nghiệp nước này vượt qua giai đoạn khó khăn sau đại dịch. Nhiều biện pháp thúc đẩy tiêu dùng, từ kích cầu cho tới hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, đã được triển khai.
Phục hồi mạnh
Các số liệu mới nhất cho thấy, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc đã tăng từ mức 47,8 điểm trong tháng 5 lên 54,7 điểm trong tháng 6, ghi nhận mức hồi phục nhanh nhất trong hơn một năm qua, khi người tiêu dùng nối lại các hoạt động chi tiêu.
Bên cạnh dịch vụ, hoạt động tiêu thụ hàng hóa cũng diễn ra sôi nổi không kém. Theo dữ liệu mới nhất do Hiệp hội Xe ô tô Trung Quốc (CPCA) công bố, doanh số bán xe tại nước này trong tháng 6 đã đạt 1,504 triệu chiếc, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Những tín hiệu tích cực đã xuất hiện ở cả phía cung và cầu.
Ngoài ô tô, doanh số bán thiết bị gia dụng cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ. Các nền tảng thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc cho biết doanh thu của các sản phẩm cao cấp trong tháng 6 đã cao gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Một số mặt hàng khác như máy rửa chén, robot lau nhà và máy chiếu cũng đạt mức tăng trưởng doanh số hơn 100%.
Trên thực tế, sự phục hồi của tiêu dùng nội địa đã đóng vai trò quan trọng cho sự khởi sắc của ngành sản xuất Trung Quốc trong thời gian qua. Chỉ số PMI trong lĩnh vực sản xuất tại Trung Quốc đã đạt mức 50,2 trong tháng 6, cho thấy sự mở rộng hoạt động sau ba tháng suy giảm liên tiếp. Đây được coi là kết quả khá tích cực, trong bối cảnh nhu cầu từ các thị trường Mỹ và châu Âu giảm sút, khiến số đơn đặt hàng xuất khẩu mới tại các nhà máy tại Trung Quốc sụt giảm, trong khi chi phí vận tải biển từ Trung Quốc sang Mỹ cũng thấp hơn 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nỗ lực thúc đẩy tiêu dùng nội địa
Để tận dụng hơn nữa tiềm năng từ thị trường nội địa và hỗ trợ đà phục hồi kinh tế, Chính phủ Trung Quốc đang triển khai nhiều biện pháp kích cầu nhằm thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng.
Tại Bắc Kinh, chính quyền thành phố mới đây đã ban hành một loạt các chính sách kích cầu trên một loạt các lĩnh vực, từ ăn uống, du lịch, cho tới bán lẻ.
Một báo cáo của National Business Daily hôm thứ Hai tuần trước cho biết, 10 trung tâm tiêu dùng lớn của Trung Quốc, bao gồm các thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh và Quảng Châu đã phát hành tổng cộng 7 tỉ nhân dân tệ phiếu giảm giá cho người dân kể từ tháng 4 tới nay.
Bên cạnh đó, nhiều chính sách dài hạn cũng được triển khai nhằm cải thiện năng lực của chuỗi cung ứng. Hôm 2-7, năm bộ ngành của Trung Quốc đã công bố một kế hoạch thúc đẩy các sản phẩm chất lượng cao nhằm khai thác tiềm năng tiêu dùng và thúc đẩy tăng trưởng tiêu thụ. Trong đó, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin cho biết sẽ tiến hành kế hoạch quảng bá cho 200 thương hiệu nổi tiếng với quy mô 10 tỉ nhân dân tệ (khoảng 1,5 tỉ đô la) trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cốt lõi của các thương hiệu Trung Quốc.
Những thay đổi đáng chú ý cũng diễn ra trong ngành công nghiệp ô tô. Hôm 7-7, Bộ Thương mại Trung Quốc và 16 cơ quan khác đã công bố các chính sách nhằm tạo thuận lợi cho việc kích thích tiêu thụ ô tô. Các biện pháp nhấn mạnh vào việc xây dựng một thị trường ô tô quốc gia thống nhất, tối ưu hóa môi trường sử dụng ô tô, thúc đẩy phát triển xanh, carbon thấp và tái chế, đồng thời thúc đẩy tiêu thụ trong toàn bộ chuỗi cung ứng và tất cả các phân ngành của ngành công nghiệp ô tô.
Trước đó, Chính phủ Trung Quốc cũng đã quyết định cắt giảm thuế đối với người mua xe từ 10% xuống còn 5%. Chính sách ưu đãi sẽ được áp dụng đối với những chiếc ô tô con có giá dưới 300.000 nhân dân tệ (khoảng 45.000 đô la), loại có động cơ 2,0 lít hoặc nhỏ hơn, được mua trong giai đoạn từ ngày 1-6 đến 31-12-2022.
Triển vọng và thách thức
Một cuộc khảo sát do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) thực hiện trong quí 2 cho thấy người dân Trung Quốc đang có kế hoạch chi tiêu nhiều hơn trong quí 3.
Goldman Sachs cũng dự báo chi tiêu của các hộ gia đình Trung Quốc có thể phục hồi trong nửa cuối năm 2022, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, khi các biện pháp phong tỏa phòng dịch được nới lỏng và nền kinh tế bắt đầu phục hồi. Các chuyên gia kinh tế, đứng đầu là Maggie Wei, cũng ước tính rằng mức tiêu dùng của hộ gia đình tại Trung Quốc trong năm nay sẽ tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, Covid-19 vẫn là một mối đe dọa lớn đối với nền kinh tế, đặc biệt là khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây đã tái khẳng định cam kết với chính sách zero-covid. Nhà lãnh đạo này cho biết, Trung Quốc thà chịu tác động tạm thời lên nền kinh tế còn hơn là để dịch bệnh gây tổn hại tới sự an toàn và sức khỏe con người.
Trong khi dịch bệnh tại Thượng Hải và Bắc Kinh dường như đã lắng dịu, Trung Quốc tiếp tục phải đối mặt với những đợt bùng phát mới tại An Huy. Các đợt bùng phát dịch như thế này đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh, tạo ra tình trạng đóng mở liên tục ở nhiều nơi, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người lao động và triển vọng ổn định việc làm.
Các chuyên gia kinh tế của Goldman Sachs cho rằng, bất chấp sự phục hồi kinh tế gần đây, số giờ làm việc trung bình hàng tuần của người lao động thành thị tại Trung Quốc vẫn ở mức thấp hơn so với trước khi dịch bệnh bùng phát hồi đầu năm, cho thấy thị trường lao động vẫn còn yếu. Tăng trưởng tiền lương vẫn có thể tiếp tục chậm chạp trong thời gian tới.
Trong bối cảnh đó, tâm lý người tiêu dùng đã ghi nhận sự xói mòn đáng kể khi nhiều người có xu hướng tiết kiệm chi tiêu, để phòng ngừa rủi ro. Trước đó, Goldman Sachs cho biết chi tiêu của người dân Trung Quốc có thể đã suy giảm 1,5% trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6, chủ yếu bởi mức tăng trưởng thu nhập chậm hơn của các hộ gia đình và sự suy yếu của lĩnh vực dịch vụ.
Một cuộc khảo sát gần đây của PBoC cũng cho thấy niềm tin của người gửi tiền Trung Quốc vào thu nhập tương lai của họ đã giảm xuống mức tồi tệ nhất kể từ quí 1-2020, khi đại dịch bùng phát. Khoảng 58% số người được hỏi cho biết họ sẵn sàng tiết kiệm nhiều hơn, tăng gần 4 điểm phần trăm so với khảo sát thực hiện hồi đầu năm.
Xu hướng này được dự báo sẽ là thách thức không nhỏ đối với nỗ lực thúc đẩy tiêu dùng của Chính phủ Trung Quốc trong thời gian tới. Các chuyên gia của Goldman Sachs đánh giá “chúng tôi hiện vẫn chưa nhận thấy dấu hiệu về nhu cầu tiêu dùng bị dồn nén mạnh như trong các đợt bùng phát dịch Covid-19 trước đây.
Nguồn: CCTV, Bloomberg, SCMP, Global Times, Reuters, CNBC, WSJ
Điện thoại: 0909.140.866
Email: info@irrmanagement.com.vn