Vụ cháy này cho thấy có quá nhiều vấn đề bất thường trong công tác quản lý nhà nước về xây dựng.
Điều đầu tiên, cũng là kỳ lạ nhất, là tính định danh của loại công trình bị cháy này. Cần nhấn mạnh, công trình xây dựng không rõ ràng về định danh trong luật sẽ không có các quy chuẩn kỹ thuật và không biết quản lý như thế nào, kể cả khi chế tài xử phạt.
Ngay sau khi vụ cháy xảy ra truyền thông báo chí sử dụng ít nhất 3 tên gọi khác nhau cho nó. Đó là “chung cư mini”, “nhà riêng lẻ nhiều căn hộ” và “nhà trọ cho thuê nhiều tầng”, nhưng rốt cục không có tên nào đúng.
Năm 2008, một số chủ nhà trọ ở các quận trung tâm TP Hà Nội thấy nhà trọ chỉ có vài dãy nhà trệt không mang lại lợi nhuận bao nhiêu, họ xin giấy phép làm nhà cao tầng có nhiều căn hộ khép kín, và đã thành công trong kinh doanh, được xã hội đón nhận. Loại nhà này bùng nổ ở Hà Nội, sau đó là TPHCM từ năm 2013-2020.
Khái niệm chung cư mini lần đầu tiên được nhắc đến tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân loại, phân cấp công trình xây dựng, do Bộ Xây dựng ban hành ngày 28-12-2012. Theo đó chung cư mini là 1 trong 5 loại nhà thuộc nhóm nhà chung cư (cao tầng, nhiều tầng, thấp tầng, mini và hỗn hợp).
Quy định này được UBND TP Hà Nội vận dụng đưa vào quy định về cấp giấy chứng nhận nhà đất tại Quyết định 24/2014 ngày 20-6-2014. Điều 22 quy định: "Nhà chung cư mini là nhà ở hộ gia đình, cá nhân xây dựng có từ 2 tầng trở lên, tại mỗi tầng có từ 2 căn hộ trở lên và mỗi căn hộ được thiết kế, xây dựng theo kiểu khép kín (có phòng riêng, khu bếp riêng, nhà vệ sinh, nhà tắm riêng, diện tích sàn xây dựng tối thiểu 30m2 và đáp ứng các quy định về nhà chung cư theo quy định tại Điều 70 Luật Nhà ở)".
Tuy nhiên, khi Luật Nhà ở năm 2014 được ban hành, khái niệm chung cư mini không được nhắc đến trong các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Xây dựng và Chính phủ ban hành. Như thế, tên gọi “chung cư mini” bị bãi bỏ trong văn bản pháp quy của Nhà nước. Đáng nói, tên loại hình này bị bãi bỏ nhưng không có tên thay thế, trong khi loại hình nhà này đang tồn tại và phát triển vô cùng mạnh mẽ.
Cho đến nay loại nhà này được gọi chính danh trong văn bản pháp quy là “nhà ở riêng lẻ”, chỉ có điều khác là nhà ở riêng lẻ nhưng có nhiều tầng, chứa nhiều căn hộ để cho thuê. Do quan niệm nó là nhà ở riêng lẻ nên việc cấp giấy phép xây dựng vẫn theo loại nhà ở riêng lẻ truyền thống cho hộ gia đình.
Những ngày này, nhiều người đặt ra câu hỏi trên diện tích đất nhỏ, hẻm nhỏ dưới 4m, sao UBND quận Thanh Xuân vẫn cấp giấy phép xây dựng cho ông Nghiêm Quang Minh xây mới trên diện tích 200m2 với 6 tầng, mật độ xây dựng 70% mà không có bất cứ quy định cứng mang tính pháp lý nào về phòng cháy chữa cháy (PCCC). Nhưng sự thực, từ trước tới nay không có bất cứ quy định nào cho loại nhà ở riêng lẻ khi cải tạo thành chung cư có nhiều căn hộ phải xin giấy phép PCCC.
Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định rõ các trường hợp cần thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép về PCCC, bao gồm: (1) Trụ sở cơ quan nhà nước các cấp cao từ 7 tầng trở lên, hoặc có tổng khối tích từ 5.000m3 trở lên. (2) Nhà chung cư, nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao 7 tầng trở lên, hoặc có tổng khối tích từ 5.000m3 trở lên; nhà hỗn hợp cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên…
Như vậy, loại nhà ở riêng lẻ xây dựng ở phố Khương Hạ cho dù xây cao bao nhiêu, nhồi nhét bao nhiêu người, chứa bao nhiêu xe máy cũng không phải chấp hành các quy định PCCC, vì nó nằm ngoài danh mục của Nghị định 136.
Ngay sau vụ cháy, UBND TP Hà Nội, Bộ Xây dựng ngay lập tức rà soát, thanh kiểm tra tất cả chung cư mini. Những chung cư mini nào không đảm bảo PCCC sẽ không được hoạt động, còn muốn hoạt động phải hạ thấp tầng cao, bổ xung thang thoát hiểm theo tiêu chuẩn.
Theo thống kê sơ bộ Hà Nội hiện có hơn 2.000 chung cư mini và TPHCM có hơn 42.000 chung cư mini, nhà trọ cho thuê. Vì thế, nếu đập phá, cải tạo những chung cư mini xây sai phép cho phù hợp với tiêu chuẩn PCCC, e khó khả thi, vì cắt gọt sẽ làm ảnh hưởng đến kết cấu ổn định của công trình.
Ngay cả với chung cư xây dựng đúng theo giấy phép mà không đảm bảo được PCCC việc đập đi không dễ, vì chủ nhà không sai theo luật định. Thực tế cho thấy việc cắt ngọn, phá bỏ phần vi phạm của các khách sạn, cao ốc phạm luật rất gian nan, kéo dài nhiều năm vẫn không xong.
Sau vụ cháy thảm khốc trên, có không ít ý kiến nên dẹp bỏ loại chung cư mini này. Nhưng điều này không dễ, bởi loại nhà này đáp ứng được nhu cầu của người có thu nhập thấp như công nhân các khu công nghiệp, sinh viên các trường đại học, trí thức trẻ, công nhân viên chức. Loại căn hộ nhỏ có diện tích trên dưới 40m2, có giá trên dưới 1 tỷ đồng và nằm quanh khu vực trung tâm được coi là hợp lý.
Để loại hình này tồn tại hữu dụng, Bộ Xây dựng cần định danh tên chính thức trong Luật Xây dựng, xác định xem nó có được đưa vào nhóm “chung cư” hay không. Đồng thời đưa ra bộ quy chuẩn kỹ thuật an toàn cho loại nhà riêng lẻ cải tạo lại thành nhà cho thuê nhiều căn hộ. Đặc biệt cần quy định diện tích trên đầu người để hạn chế việc tập trung số lượng người quá đông trên diện tích quá hẹp, nhất là nhà nằm trong hẻm dưới 4m xe cứu hỏa không thể vào được.
Ở đây còn cho thấy tầm quan trọng của quản lý nhà nước trong vai trò định hướng, dẫn dắt, không phải đi theo sau đối phó và giải quyết hậu quả đã rồi. Thí dụ, việc hợp thức hóa kiểu nhà condotel sau gần 10 năm tồn tại ngoài luật cho thấy cơ quan quản lý nhà nước luôn đi sau, đi rất chậm so với thực tiễn.
Theo TS. Nguyễn Minh Hòa - Báo Kinh tế Sài Gòn
Điện thoại: 0909.140.866
Email: info@irrmanagement.com.vn