(KTSG Online) – Những mảng màu sáng liệu có được điểm lên trên nền bức tranh màu xám của thị trường bất động sản 2023?
Một góc Quảng Nam nhìn từ trên cao. Bất động sản miền Trung đang trải qua thời kỳ khó khăn. Ảnh: Nguyễn Như Nam
Trong một lần trò chuyện cùng lãnh đạo cấp cao của một doanh nghiệp bất động sản tại miền Trung vào cuối tuần trước, khi nói về tình hình công ty và kế hoạch nghỉ Tết Nguyên đán, anh cho biết năm nay quá khó khăn. Thậm chí là những khó khăn xảy ra một cách bất ngờ và không lường trước được.
“Công ty cho người lao động nghỉ Tết dài hơn mọi năm, song song với đó, cắt giảm một số chi phí như in lịch biếu, hội họp, gặp mặt, liên hoan cuối năm… để bớt gánh nặng về chi phí. Mọi năm, chi phí cuối năm theo tôi biết thì khoảng tầm vài chục tỉ nhưng sáng nay, công ty vừa họp xong thì con số này co lại chỉ còn nhỉnh hơn 10 tỉ”.
Những nốt trầm
Lãnh đạo nói trên cho biết trong năm 2022, công ty mở bán một số dự án nhưng hấp lực của thị trường quá chậm, thậm chí hầu như không có. Do đó, có dự án phải “đóng” bảng hàng chờ thị trường hồi phục nên dù lãnh đạo công ty mong muốn duy trì mức lương thưởng cho nhân viên như mọi năm nhưng không xoay được dòng tiền.
“Đành hẹn với họ sang năm, khi tình hình khá hơn sẽ bù nhưng nói thật là tôi cũng không biết năm 2023 thị trường có tốt hơn không”, anh nói
Dạo quanh một vòng các doanh nghiệp bất động sản tại Đà Nẵng, Quảng Nam,… cũng diễn ra tình cảnh tương tự. Hầu hết các sàn đều cho nhân viên kinh doanh nghỉ, chỉ duy trì bộ phận hành chính để giải quyết hoá đơn chứng từ cuối năm.
Giám đốc một sàn giao dịch cho biết công ty anh cho nhân viên kinh doanh nghỉ từ cuối tháng 11-2022, chỉ duy trì bộ phận hành chính. “Hàng thì có nhưng bán không được nên phải cho anh em nghỉ để cắt giảm chi phí.”
Những con số thống kê cũng nói lên được sự khó khăn của thị trường năm 2022 – nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nói trên. Báo cáo của Hội môi giới Bất động động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, về tỷ lệ tiêu thụ, toàn thị trường năm 2022 chỉ đạt khoảng 39%, tương đương với 19.000 giao dịch thành công, bằng 69% lượng tiêu thụ năm 2021 và chỉ bằng 17% lượng giao dịch của năm 2018. Riêng quí 4, tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt mức 14%.
Bình luận về những con số nói trên, ông Lê Khánh Giang, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Ismart Land, cho hay đầu năm 2022, thị trường bất động sản năm đã có nhiều dấu hiệu chững lại dù vẫn có giao dịch, tuy nhiên khó khăn dần tăng lên và cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có gì khởi sắc khi ngân hàng tăng lãi suất, room tín dụng hạn hẹp, các vấn đề liền quan đến trái phiếu chưa có hướng giải quyết triệt để.
“Hiện tại, các nhà đầu tư, doanh nghiệp đang chật vật với thị trường. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp phải bán bớt các bất động sản có thể “cắt lời” hoặc “cắt lỗ” để giải quyết vấn đề về dòng tiền vào cuối năm”, ông Giang chia sẻ.
Theo tìm hiểu thì tình trạng bán cắt lỗ đã diễn ra trên thị trường.
Lấy ví dụ với đất nền tại khu đô thị Nam Việt Á (Quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng) đang giảm khoảng 400-500 triệu đồng/lô tùy vị trí, tương đương khoảng 20-30% giá trị so với thời điểm đầu năm 2022. Cụ thể, với các tuyến đường 7,5m giá dao động từ 4,0-4,2 tỷ đồng/lô ứng với diện tích khoảng 100m2; các tuyến đường 11,5m – giá dao động khoảng 50-57 triệu đồng/m2 tùy vị trí và diện tích. Mức giá trên trung bình đã giảm khoảng 20% so với thời điểm giữa năm. Hay khu đô thị Hoà Xuân (Quẫn Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng), giá cũng giảm khoảng 400-500 triệu/lô…
Kỳ vọng gì ở thị trường?
Trò chuyện với nhiều doanh nghiệp, người viết ghi nhận có nhiều quan điểm khác nhau khi nói về thị trường bất động sản giai đoạn tới, tuy nhiên, hầu hết đều tin tưởng cho rằng, thị trường bất động sản có cơ hội hồi phục, vấn đề là khả năng hồi phục sớm hay muộn.
Một góc Đà Nẵng nhìn từ trên cao. Hồi phục địa ốc tại Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung vẫn còn là dấu hỏi. Ảnh: Nhân Tâm
Ông Trần Ngọc Thái, Phó tổng giám đốc Đầu tư và Phát triển quỹ đất Công ty cổ phần Đất Xanh Miền Trung, nhìn nhận những trở ngại từ nền kinh tế toàn cầu và một số yếu tố về mặt tài chính trong nước vào cuối năm 2022 đã khiến thị trường bất động sản có phần chững lại.
Tuy nhiên, với nhu cầu mua để ở thực vẫn còn rất lớn thì đây sẽ là phân khúc điểm sáng của thị trường bất động sản 2023. Theo ông Thái, thay vì đầu tư lướt sóng thì việc đầu tư dài hạn gắn với nhu cầu ở thực sẽ là xu hướng cho những nhà đầu tư thông minh khi bước sang 2023. Đây cũng là cơ hội cho các chủ đầu tư có tiềm lực về tài chính và quỹ đất sạch tiếp tục triển khai các dự án có tính thanh khoản tốt trong khi thị trường đang khan hiếm nguồn cung.
“Chu kỳ thị trường bất động sản thời gian qua chứng kiến tốc độ tăng giá chóng mặt ở các thành phố lớn miền Bắc, miền Nam như Hà Nội, TPHCM, Bình Dương… Trong khi đó, thị trường bất động sản ở các tỉnh ven biển miền Trung như Quảng Bình đến Bình Định ( 2019 – 2022) chỉ giảm và tăng trưởng nhẹ, thế nên xét về dư địa, tiềm năng phát triển thì các tỉnh thành miền Trung chiếm ưu thế cao hơn so với các tỉnh thành khác. Đó là lý do, bất động sản du lịch miền Trung vẫn là “miếng bánh ngon” và là “vùng trũng về giá” cho nhiều nhà đầu tư trong năm 2023”, ông Thái nói.
Chia sẻ góc nhìn của mình, ông Đinh Văn Xuân, Tổng giám đốc VXS Group, cho rằng thị trường bất động sản năm 2023 sẽ có nhiều yếu tố chuyển biến tích cực hơn năm 2022. Đó là có nhiều tín hiệu cho thấy hệ thống ngân hàng sẽ có room tín dụng mới và sẽ ưu tiên cấp nguồn cho các dự án đủ điều kiện về mặt pháp lý.
Thứ hai, Luật Đất đai 2023 hứa hẹn sẽ giải quyết bài toán đền bù giải phóng mặt bằng…, gỡ vướng pháp lý cho nhiều dự án trên cả nước; thứ ba, nguồn vốn đầu tư công chắc chắn sẽ được đẩy nhanh tiến độ giải ngân về các địa phương, đây cũng là nguồn vốn rất lớn đầu tư cho cơ sở hạ tầng và thúc đẩy phát triển kinh tế vùng miền.
“Theo tôi, từ giữa năm 2023 về sau tình hình thị trường bất động sản sẽ khởi sắc trở lại, không kỳ vọng nhiều giao dịch nhưng bức tranh thị trường sẽ rõ ràng hơn với tỷ suất tăng trưởng ổn định hơn”, ông Xuân cho hay.
Điện thoại: 0909.140.866
Email: info@irrmanagement.com.vn