Logo

An cư lạc nghiệp, giới trẻ Mỹ hùn tiền mua nhà

Đại dịch làm thay đổi quan điểm

Sau khi đại dịch Covid-19 xảy ra 6 tháng, ý định mua nhà cứ thôi thúc Veronica Vest, 27 tuổi, một kỹ sư dự án, vì cô cảm thấy mệt mỏi khi phải chia sẻ nhà thuê với những người khác và chán ngấy với việc phải trả tiền thuê


Cô và bạn trai đặt cuộc hẹn đến xem một căn nhà ba phòng ngủ đang rao bán ở Portland, bang Oregon, nhưng rốt cục lại hủy vì thấy giá rao bán quá cao. Hơn nữa, cô cũng lo ngại mối quan hệ giữa cô và bạn trai sẽ không bền vững. Thế rồi, Tara Takano, 32 tuổi, trưởng phòng hỗ trợ kinh doanh của một doanh nghiệp, bạn thân của Vest, nhắn tin đề nghị góp tiền mua căn nhà đó cùng cô.

Ban đầu, Vest tưởng bạn chỉ đùa nhưng hóa ra cô ấy rất nghiêm túc. Cả hai phụ nữ trẻ tuổi này đều có công việc ổn định, điểm số tín dụng tốt và hoàn toàn tin tưởng lẫn nhau. Hai tháng sau đó, họ nhận chìa khóa căn nhà mới.

Những người thế hệ thiên niên kỷ (được định nghĩa là những người sinh ra trong giai đoạn 1981-1996), ở Mỹ đang có xu hướng kết hôn muộn và đang “bơi” trong đống nợ nần từ thời sinh viên. Với giá nhà ngày càng đắt đỏ, giấc mơ sở hữu nhà của họ trở nên xa vời. Vì vậy, nhiều người mua nhà lần đầu tiên ở Mỹ như Vest hay Takano đang rủ người yêu, bạn thân, thậm chí bạn cùng phòng thuê trọ hùn tiền mua chung nhà.

Kể từ năm 2014, khi thế hệ thiên niên kỷ trở thành nhóm khách hàng mua nhà lớn nhất ở Mỹ, doanh số bán nhà và căn hộ theo thỏa thuận đồng sở hữu tăng vọt.

Số khách hàng (có họ khác nhau) cùng đứng tên sở hữu nhà mới mua ở Mỹ tăng 771% trong giai đoạn 2014-2021, theo dữ liệu của Công ty phân tích bất động sản Attom Data Solution.

Đại dịch Covid-19 càng thúc đẩy xu hướng đó. Theo dữ liệu của Hiệp hội môi giới nhà đất quốc gia Mỹ (NAR), trong số tất cả các nhóm khách hàng mua nhà trong những tháng đầu tiên của đại dịch Covid-19, từ tháng 4 đến tháng 6-2020, có 11% khách mua là những cặp chưa kết hôn và 3% là nhóm khác (bạn thân, bạn cùng phòng), tăng lần lượt 9% và 2% so với cùng kỳ của năm trước đó.

Jessica Lautz, Phó chủ tịch NAR, cho biết mong muốn có không gian làm việc và hít thở thoải mái cộng với giá nhà đắt đỏ có thể đã thúc đẩy xu hướng hùn tiền mua chung nhà.

“Trong thời kỳ dịch bệnh, những người thuê nhà có thể muốn sống trong không gian rộng rãi hơn, vì vậy, có lẽ họ đã cân nhắc chọn bạn cùng thuê phòng để cùng hùn tiền mua nhà”, Lautz nói.

Angel Nwachukwu và Samanta Simpson, cùng 27 tuổi là đôi bạn thân vừa góp tiền để tậu nhà lần đầu tiên. Họ cùng tốt nghiệp trường luật vào năm 2019 và thuê một căn hộ ở khu Harlem thuộc thành phố New York trong suốt 1 năm rưỡi. Họ đã nghĩ cách đầu tư thu nhập từ tiền lương và đã cân nhắc mua trái phiếu và cổ phiếu, thậm chí thành lập một công ty khởi nghiệp trước khi nhận thấy rằng lãi suất đang ở mức thấp và tự hỏi tại sao không vay thêm tiền để mua nhà.

Cuối cùng, họ đã gom khoản tiền tiết kiệm và vay thêm để mua chung một căn nhà liền kề ở trung tâm thủ đô Washington.

Bên cạnh vấn đề tài chính hạn hẹp, yếu tố văn hóa có lẽ cũng đóng vai trò trong xu hướng góp tiền mua chung nhà để cùng sở hữu. Nhiều người thuộc thế hệ thiên nhiên kỷ kết hôn và sinh con muộn hơn các thế hệ trước đó nhưng không phải tất cả họ đều muốn sống một mình.

Andy Sirkin, luật sư bất động sản, chuyên tư vấn về việc đồng sở hữu nhà ở, cho biết cách đây 10 năm, ông chỉ nhận được 5 yêu cầu tư vấn về việc góp tiền mua chung nhà nhưng giờ đây, ông nhận được 2-3 yêu cầu như vậy mỗi tuần.

Làm sao tránh kiện tụng?

Xu hướng hùn tiền mua chung nhà theo thỏa thuận đồng sở hữu với tỷ lệ ngang bằng (50:50) phổ biến hơn ở những cặp đôi chưa kết hôn hoặc những người trong cùng một gia đình. Thỏa thuận thuận này thường có điều khoản cho phép chuyển quyền sở hữu tự động cho người còn lại trong trường hợp một trong hai người chẳng may qua đời.

Trong khi đó, thỏa thuận đồng sở hữu với mỗi bên nắm giữ tỷ lệ sở hữu căn nhà ngang bằng hoặc chênh lệch (ví dụ theo tỷ lệ 50:50 hay 30:70) phổ biến hơn ở những người bạn thân, bạn cùng phòng. Thỏa thuận này cho phép mỗi bên chuyển quyền sở hữu cho người thừa kế của họ thay vì người đồng sở hữu trong trường hợp một trong hai người qua đời.

Một sự lựa chọn cho những người góp tiền mua chung nhà để cho thuê, chứ không phải để sống chung là thành lập một công ty trách nhiệm hữu hạn để bảo vệ mỗi bên từ các nghĩa vụ trả nợ cá nhân.

Nwachukwu và Simpson đều là luật sư và họ tự soạn các tài liệu pháp lý liên quan đến việc sở hữu nhà. Họ chọn thỏa thuận đồng sở hữu với mỗi bên cùng đứng tên sở hữu 50% căn nhà.
   Ngoài việc cân nhắc thỏa thuận sở hữu theo hình thức nào, có nhiều yếu tố khác mà những người góp tiền mua chung nhà phải xem xét kỹ lưỡng, chẳng hạn phân chia nghĩa vụ trả tiền vay thế chấp mua nhà.

Các chuyên gia pháp lý khuyên khách hàng nên tìm sự tư vấn pháp lý của luật sư bất động sản để soạn thảo thỏa thuận đồng sở hữu với các điều khoản dự phòng cho mọi viễn cảnh có khả năng xảy ra từ mất việc, kết hôn, quan hệ cá nhân tan vỡ. Chẳng hạn, ai sẽ là người chịu trách nhiệm gom tiền để trả nợ vay thế chấp? Nếu một trong 2 người dọn đi nơi khác sống, người còn lại có được quyền mua phần sở hữu còn lại hay buộc phải bán căn nhà để chia tiền.

Luật sư bất động sản Jeffrey Davis nói: “Điều này giống như một cuộc hôn nhân mà mọi người đều nhìn nó theo lăng kính màu hồng vào lúc đầu nhưng sau đó, khi đối mặt với hiện thực khắc nghiệt cuộc sống, bạn cần phải có cách chấm dứt mối quan hệ một cách công bằng”.

Trong một số thỏa thuận, người đồng sở hữu nhà có thể được phép bán phần sở hữu cho người khác nếu như được sự chấp nhận của người đồng sở hữu còn lại. Nếu không, mỗi bên đồng sở hữu có thể mua lại phần sở hữu của bên kia hoặc bán toàn bộ căn nhà cho người khác để chia tiền trong trường hợp chấm dứt thỏa thuận đồng sở hữu.

Luật sư Andy Sirkin cho biết thông thường, thỏa thuận đồng sở hữu nhà sẽ có điều khoản không cho phép mỗi bên bán phần sở hữu của họ trong thời gian từ 3-5 năm sau khi thỏa thuận được ký kết. Ông cho biết nếu không đặt ra chiến lược đúng đắn để chấm dứt thỏa thuận đồng sở hữu, các bên có nguy cơ phải đưa nhau ra tòa .

CHÁNH TÀI

Theo Theo wall street journal

 

Tư vấn - Hỗ trợ

Tư vấn - Hỗ trợ

Điện thoại: 0909.140.866

Email: info@irrmanagement.com.vn