Thị trường mua bán sáp nhập thời gian qua ít xuất hiện những thương vụ nổi bật, mà chủ yếu diễn ra với những nhà đầu tư đã có mặt lâu năm ở thị trường Việt Nam. Phần lớn các thương vụ giao dịch cũng đã được tìm hiểu từ trước hoặc từ những nhà đầu tư đã am hiểu thị trường trong nước.
Những “gương mặt” cũ
ADM vào cuối tháng 4 vừa qua đã công bố mua lại Golden Farm, doanh nghiệp có nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi ở Đồng Nai. ADM đã là “gương mặt” không xa lạ gì với thị trường trong nước. Cho đến nay, tập đoàn này đã có tới năm nhà máy thức ăn chăn nuôi, hai trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D) ở Việt Nam. Thương vụ thâu tóm Golden Farm là nhằm tiếp tục mở rộng năng lực cung cấp thức ăn đậm đặc (premix) của tập đoàn đã hiện diện lâu năm này.
Hay trong vụ tập đoàn Duy Tân bán 70% cổ phần tại năm công ty thành viên cho SCG Packaging (SCGP) thuộc SCG, thị trường trong nước vốn đã chứng kiến hàng loạt giao dịch mua bán và sáp nhập (M&A) của SCG trước đó.
Duy Tân chỉ nối dài danh sách các doanh nghiệp Việt Nam mà SCG tham gia góp vốn và mua lại số cổ phần lớn và giúp nhà đầu tư xứ chùa vàng này nâng khối tài sản ở Việt Nam lên hơn 5 tỉ đô la Mỹ hiện nay. Thương vụ này nằm trong kế hoạch đầu tư hàng trăm triệu đô la nhằm mở rộng lĩnh vực kinh doanh của SCG tại Việt Nam, bao gồm lĩnh vực bao bì nhựa đang được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng nhu cầu trong tương lai. Trước Duy Tân, SCGP cũng đã đầu tư vào các doanh nghiệp bao bì khác gồm Batico và Sovi.
Ở lĩnh vực bán lẻ, tập đoàn SK gần đây công bố rót 410 triệu đô la để nắm 16,26% số cổ phần tại VinCommerce của Masan. Theo ông Woncheol Park, Giám đốc đại diện của SK South East Asia Investment, công ty thành viên của SK Group, thỏa thuận đầu tư của SK vào VinCommerce, đơn vị đang vận hành khoảng 2.300 cửa hàng và siêu thị, là một phần trong chiến lược đầu tư của SK vào các lĩnh vực đang tăng trưởng nhanh của Việt Nam. Trước đó, SK cũng đã rót hàng trăm triệu đô la vào Masan và Vingroup.
Thông qua M&A, các nhà đầu tư ngoại còn rót vốn vào các lĩnh vực khác ở Việt Nam như năng lượng tái tạo, logistics, bất động sản, sản xuất, dịch vụ...
Ngược chiều dự báo
Việt Nam được biết đến như một môi trường đầu tư an toàn, ổn định từ trước dịch Covid-19. Ngay cả khi đại dịch diễn biến phức tạp trên toàn cầu, Việt Nam tiếp tục được xem là nơi có những yếu tố thuận lợi để thu hút dòng tiền đổ vào thị trường M&A. Đáng chú ý là sau đợt dịch Covid-19 lần 1 hồi năm ngoái, hàng loạt doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn, thậm chí phải đóng cửa. Khi ấy đã có nhiều ý kiến lo ngại khả năng sẽ có một “làn sóng” các nhà đầu tư ngoại thâu tóm doanh nghiệp trong nước.
Song, những gì diễn ra đã cho thấy một thực tế ngược chiều dự báo. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong bốn tháng đầu năm nay, giá trị góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp trong nước của dòng vốn ngoại giảm đến 57,8% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt hơn 1 tỉ đô la. Số lượng giao dịch qua M&A chỉ đạt 1.151 lượt, giảm đến 64,1%.
Các con số này cho thấy năm 2021 đang tiếp tục đà giảm các hoạt động M&A. Số liệu cả năm 2020, cả nước có 6.141 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư ngoại với tổng giá trị 7,47 tỉ đô la, tương ứng giảm 37,6% và giảm 51,7% so với năm 2019. Cơ cấu giá trị góp vốn, mua cổ phần trong tổng vốn ngoại vào Việt Nam đã giảm từ 40,7% năm 2019 xuống còn 26,2% trong năm 2020.
Vì sao?
Lý giải một phần nguyên nhân, ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu Dịch vụ mua bán - sáp nhập xuyên quốc gia của Recof Corp., và là Tổng giám đốc Recof Việt Nam, cho biết trong bối cảnh đi lại khó khăn giữa các quốc gia (do dịch bệnh), việc khảo sát thực tế và thẩm định chi tiết cũng như việc ra quyết định của nhà đầu tư trở nên khó khăn hơn. Một số khách hàng của Recof thậm chí hủy các giao dịch dù trước đó họ đã đồng ý về thỏa thuận mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam.
“Nhà đầu tư nói không bỏ tiền vào một quốc gia mà họ không thể đến”, ông nói. Ông cũng chia sẻ thêm: “Đối với nhiều công ty Nhật Bản, việc trực tiếp gặp gỡ, trao đổi là một phần thiết yếu của quá trình đàm phán”. Thế nên có nhà đầu tư đã quyết định ngưng thương vụ dù trước đó họ đã gặp chủ sở hữu Việt Nam với bốn lần họp qua Zoom và đã thống nhất về giao dịch.
Ngoài Covid-19, một lý do khác cũng khiến hoạt động M&A sụt giảm, đó là do tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn chưa thực hiện được theo kế hoạch. Theo bản báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp, kết thúc giai đoạn 2016-2020, vẫn còn 89 doanh nghiệp chưa hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa theo Quyết định 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Trên thực tế, nhu cầu gọi vốn từ phía các doanh nghiệp Việt vẫn rất lớn, nhất là cho giai đoạn phục hồi sau những tác động của dịch Covid-19. Tuy vậy, theo một số nhà tư vấn hay môi giới M&A, nhà đầu tư vẫn gặp khó khăn trong thỏa thuận khi nhiều doanh nghiệp ra giá khá cao. Mặt khác, tính minh bạch cũng như việc doanh nghiệp chưa thực sự sẵn sàng cho sự tham gia của nhà đầu tư ngoại cũng là những hạn chế, kéo chậm các quyết định M&A. Thực tế đã có không ít doanh nghiệp đặt ra những điều khoản ràng buộc hà khắc, thậm chí mâu thuẫn về tầm nhìn và chiến lược, sợ chia sẻ quyền lực..., khiến cho các thương vụ M&A khó thành.
Theo phân tích của PwC trong các cuộc suy thoái trước đây, các doanh nghiệp có khả năng thực hiện các thương vụ M&A trong những bối cảnh biến động lại có cơ hội vượt lên so với các doanh nghiệp cùng ngành.
Theo Kinh tế Sài Gòn
Điện thoại: 0909.140.866
Email: info@irrmanagement.com.vn