Mối quan hệ thương mại rối ren và nhiều thách thức
Sau khi trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ, ông Joe Biden đồng thời cũng thừa hưởng từ người tiền nhiệm - cựu Tổng thống Donald Trump, mối quan hệ thương mại căng thẳng và rối ren với Trung Quốc.
Trong suốt bốn năm qua, chính quyền của ông Donald Trump đã triển khai một loạt nỗ lực nhằm gây sức ép lên đối thủ kinh tế lớn nhất của nước Mỹ từ cuộc chiến thương mại cho tới các biện pháp trừng phạt nhằm vào các hãng công nghệ lớn của Trung Quốc. Trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ Tổng thống Trump, bầu không khí càng trở nên căng thẳng hơn khi Washington tiếp tục áp đặt các biện pháp hạn chế bổ sung đối với việc kinh doanh và đầu tư vào các công ty Trung Quốc.
Một trong số những thách thức đáng chú ý nhất mà chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ phải giải quyết là thỏa thuận thương mại giai đoạn một còn dang dở với Trung Quốc. Thỏa thuận này từng được chính quyền Tổng thống Trump coi là một thắng lợi lớn, mang lại nhiều lợi ích cho nông dân và các doanh nghiệp Mỹ khi Bắc Kinh cam kết sẽ mua thêm 200 tỉ đô la hàng hóa Mỹ trong năm 2020 và 2021, để đổi lấy việc Washington ngừng áp thuế.
Tuy nhiên, các dữ liệu mới được công bố hôm thứ Năm tuần trước cho thấy, sau một năm triển khai, Trung Quốc đã không thực hiện được đầy đủ những gì đã cam kết. Cụ thể, theo Viện Nghiên cứu Peterson, Bắc Kinh chỉ nhập khẩu được 58% lượng sản phẩm như đã cam kết trong thỏa thuận (bao gồm 64% lượng sản phẩm nông nghiệp, 60% sản phẩm chế tạo và 39% sản phẩm năng lượng).
Theo ông Scott Kennedy - cố vấn cấp cao và chủ tịch ủy thác về kinh doanh và kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington, mặc dù chính quyền Tổng thống Donald Trump xứng đáng được ghi nhận vì đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với những thách thức từ Trung Quốc, thế nhưng, “họ đã không giải quyết vấn đề này bằng các chính sách hiệu quả, làm thay đổi thực tế có lợi cho Mỹ”.
Theo các số liệu thống kê, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ đã tăng từ mức 295,77 tỉ đô la trong năm 2019 lên 316,91 tỉ đô la vào năm 2020, bất chấp các cam kết mua của Trung Quốc trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 và các mức thuế cao do chính quyền Tổng thống Trump áp đặt đối với hàng hóa Trung Quốc. Con số này cũng tăng 14,9% so với mức thặng dư 275,8 tỉ đô la vào năm 2017, khi ông Trump nhậm chức.
Bên cạnh đó, vẫn còn rất nhiều vấn đề khác chưa được giải quyết. Ông Trump vẫn chưa xử lý được những mối quan tâm lớn nhất của Washington với Bắc Kinh, bao gồm việc trợ cấp cho công ty quốc doanh và những cáo buộc về việc vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ - điều mà cho đến nay, giới chức Trung Quốc vẫn phủ nhận.
“Ai đó có thể sẽ muốn quay về những ngày tốt đẹp trước kia và nối lại quan hệ thương mại song phương”, ông Roger Kay - nhà phân tích công nghệ tại Endpoint Technologies, cho biết. Tuy nhiên, theo ông Kay, mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc trong quá khứ chỉ mang tính “một chiều", khi Bắc Kinh thường yêu cầu các công ty Mỹ hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc dưới hình thức liên doanh, nếu muốn được hoạt động tại nước này.
Thực tế này đặt ra nhiều thách thức cho Tổng thống Joe Biden khi ông tìm cách định hướng lại mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc.
Một cách tiếp cận thương mại mới, thận trọng và đa phương
Theo CNN, tân Tổng thống Mỹ sẽ có cách tiếp cận dễ đoán hơn và mang tính ngoại giao hơn so với cựu Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng chính quyền mới nhiều khả năng sẽ không nới lỏng sức ép với Bắc Kinh quá nhiều trong vấn đề thương mại và công nghệ.
“Mỹ rất khó đảo ngược xu hướng cứng rắn gần đây trong các chính sách với Trung Quốc, đặc biệt là khi quan điểm tiêu cực về Bắc Kinh đang ngày càng gia tăng tại Mỹ", bà Sylvia Sheng - chiến lược gia toàn cầu tại JP Morgan Asset Management, nhận định trong một báo cáo hồi tuần trước.
Những người được ông Biden đề cử vào nội các mới cũng góp phần củng cố quan điểm này. Bà Janet Yellen - sự lựa chọn của ông Biden cho vị trí Bộ trưởng Tài chính hôm 19-1 cam kết sẽ giải quyết những động thái mang tính lạm dụng, không công bằng và bất hợp pháp" của Trung Quốc. Phát biểu trước Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ, bà Yellen cho biết: “Trung Quốc đang gây thiệt hại cho các công ty Mỹ bằng cách bán phá giá sản phẩm, thiết lập các rào cản thương mại, và trợ cấp cho các doanh nghiệp của mình”. Có thể dễ dàng nhận thấy những quan điểm này hoàn toàn tương tự những lời chỉ trích nhằm vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mà chính quyền của
Tổng thống Trump đưa ra trước đó. Bà Yellen cũng cho biết, ông Biden sẽ không thực hiện bất kỳ động thái nào ngay lập tức liên quan đến thuế quan nhưng cũng hé lộ rằng, Washington sẽ hướng tới một cách tiếp cận khác với những chính sách mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đã theo đuổi. Tổng thống Joe Biden đã nói rằng ông ấy sẽ không thực hiện bất kỳ động thái tức thời nào đối với các mức thuế hiện tại áp lên hàng hóa Trung Quốc”, bà viết, “ông ấy sẽ tham khảo ý kiến của các đồng minh để tạo áp lực tập thể”.
Hãng tư vấn Eurasia Group dự báo, căng thẳng Mỹ - Trung có thể là một trong những rủi ro lớn nhất của năm 2021, đồng thời nhấn mạnh rằng, ông Biden có khả năng hướng tới một danh sách các đồng minh gồm EU, Nhật Bản và Ấn Độ để cùng cạnh tranh với Trung Quốc.
Giải quyết những căng thẳng trong lĩnh vực công nghệ
Tổng thống Joe Biden cũng sẽ phải điều chỉnh lại cả mối quan hệ với Trung Quốc ở lĩnh vực công nghệ và kinh doanh, vốn đã trở nên gay gắt hơn bao giờ hết, dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump.
Sau những đòn đánh liên tiếp nhằm vào hãng thiết bị viễn thông Huawei và mạng xã hội video TikTok, cựu Tổng thống Donald Trump đã tiếp tục gây sức ép lên các công ty công nghệ Trung Quốc trong những tuần cuối nhiệm kỳ, bằng hàng loạt lệnh trừng phạt mạnh tay. Hãng chip SMIC, nhà sản xuất điện thoại di động Xiaomi và hàng loạt công ty Trung Quốc khác lần lượt bị đưa vào danh sách cấm nhận đầu tư của Mỹ. Sàn chứng khoán New York gần đây đã ra lệnh ngừng giao dịch với cổ phiếu của ba hãng viễn thông lớn của Trung Quốc và vài công ty khác để tuân thủ lệnh cấm đầu tư từ Washington. dt nol gnos iil nim
Một số hành động của ông Trump, bao gồm lệnh cấm người Mỹ giao dịch với các ứng dụng Trung Quốc, vẫn chưa được thực hiện hoàn chinh trong nhiệm kỳ của ông. Các chính sách khác, như cấm TikTok và WeChat, hiện vẫn đang mắc kẹt ở tòa án. Hiện vẫn chưa rõ liệu ông Biden có nỗ lực thúc đẩy các biện pháp này hay không.
Tuy nhiên, thực tế này rõ ràng sẽ khiến tân Tổng thống Joe Biden gặp nhiều khó khăn trong việc tái thiết mối quan hệ với Trung Quốc, thậm chí ngay cả khi đó là điều ông mong muốn. Điều này càng tiềm ẩn nhiều thách thức hơn nếu chú ý đến một thực tế là cả hai chính đảng lớn tại là Dân chủ và Cộng hòa đều có chung quan điểm rằng, Trung Quốc đang tiềm ẩn những mối đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia của Mỹ.
Do đó, ông Alex Capri - nhà nghiên cứu tại Hinrich Foundation, cho rằng “kể cả nếu Mỹ quay về thời kỳ dùng chính sách ngoại giao và ngôn ngữ có kiểm soát hơn, chúng ta có thể vẫn sẽ thấy các công ty công nghệ Trung Quốc bị xa lánh dưới thời Biden”. Chuyên gia này cũng chi ra rằng dịch vụ điện toán đám mây của Alibaba có thể gặp phải sự phản đối trên toàn cầu, tương tự như những gì mà công nghệ 5G của Huawei đã trải qua trước đó.
Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng dự báo, chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ tiếp tục các biện pháp kiểm soát cứng rắn đối với việc xuất khẩu những công nghệ cốt lõi như công nghệ truyền thông thế hệ mới, trí tuệ nhân tạo và chất bán dẫn, với lý do đảm bảo an ninh quốc gia. Bên cạnh đó, Washington cũng sẽ đưa ra nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy công nghệ và các tiêu chuẩn công nghệ Mỹ ra phạm vi toàn cầu, cạnh tranh với tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Trung Quốc thận trọng chờ đợi những động thái từ chính quyền Biden
Hiện, vẫn có nhiều ý kiến tỏ ra lạc quan về cách tiếp cận chính sách thương mại với Trung Quốc của chính quyền Biden.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, nhiều doanh nhân Trung Quốc cũng bày tỏ tin tưởng rằng, chính quyền Tổng thống Biden sẽ có lập trường mềm mỏng hơn đối với Bắc Kinh. Bà Stone Xie - một nhà kinh doanh vải ở tỉnh Chiết Giang, cho biết hầu hết các doanh nghiệp Trung Quốc đều nghĩ rằng xuất khẩu sẽ tăng trở lại dưới thời Tổng thống Joe Biden, vì “ngay cả khi chịu áp lực nặng nề trong năm ngoái, xuất khẩu sang Mỹ vẫn tăng”.
Ông Shen Jianguang – chuyên gia kinh tế trưởng tại KD Digits – đơn vị công nghệ tài chính của gã khổng lồ thương mại điện tử JD.com, nhận định mặc dù chính sách của Mỹ vẫn hướng tới việc kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, hoàn toàn có thể kỳ vọng về một môi trường kinh doanh ổn định hơn. “Sự không chắc chắn về mặt chính sách sẽ giảm bớt, khi ông Biden đưa ra cách tiếp cận rõ ràng, xác định ranh giới của cạnh tranh Mỹ Trung và phạm vi hợp tác. Ông ấy sẽ giảm bớt các chính sách “Nước Mỹ trước tiên" và thay vào đó, tập trung nhiều hơn vào việc tự do hóa thương mại”.
Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế Trung Quốc khác lại có lập trường khá thận trọng với vị tân Tổng thống Mỹ. Ông Guan Qingyou, một nhà kinh tế học và là chủ tịch của Học viện Tài chính cao cấp Rushi, cho biết sự phục hồi nhanh chóng của Trung Quốc sau đại dịch đang thúc đẩy nước này sớm vượt qua Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới và xung đột giữa hai cường quốc sẽ ngày càng rõ rệt. “Việc bổ nhiệm các quan chức cấp cao hiện nay trong chính quyền Biden cho thấy Mỹ đang gây sức ép lên Trung Quốc và tê giác xám (thuật ngữ chỉ những rủi ro hiển hiện nhưng thường bị bỏ qua) mà Trung Quốc phải đối mặt trong năm nay có thể đến từ Mỹ”.
Bà Chen Wenling, chuyên gia kinh tế trưởng tại Trung tâm Trao đổi Kinh tế quốc tế Trung Quốc, một tổ chức tư vấn được chính phủ hậu thuẫn, cũng chia sẻ quan điểm này khi nhận xét, “năng lượng tiêu cực" từ một số chính trị gia Mỹ đã ảnh 1 hưởng đến nỗ lực chống đại dịch và giải cứu nền kinh tế toàn cầu, và có thể tiếp tục được duy trì trong thời gian nắm quyền của ông Biden, và "tác động đến nền kinh tế thế giới cũng như quan hệ Mỹ - Trung”.
Nguồn: CNN, New York Times, SCMP
Theo Lạc Diệp - Thời báo kinh tế Sài Gòn
Điện thoại: 0909.140.866
Email: info@irrmanagement.com.vn